Ấm áp nơi xứ người

Chùa Đại Ân, một điểm sinh hoạt cộng đồng, nơi nhiều du học sinh, bạn trẻ làm việc tại Nhật Bản tìm về
Chùa Đại Ân, một điểm sinh hoạt cộng đồng, nơi nhiều du học sinh, bạn trẻ làm việc tại Nhật Bản tìm về
0:00 / 0:00
0:00
GN - Tết Nhâm Dần - 2022 này, chùa Đại Ân không chỉ là địa điểm tu học, tâm linh quen thuộc của cộng đồng người Việt mà còn là nơi để kiều bào trở về chia sẻ yêu thương và gửi cho nhau năng lượng lành, hộ niệm cho hương linh người đã mất trong đại dịch...

Sang Nhật để du học, nhưng rồi chuỗi chuỗi nhân duyên tiếp nối đã khiến Sư cô Thích Tâm Trí, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản gắn bó, trở thành một trong những điểm tựa cho du học sinh, thực tập sinh, kiều bào người Việt đang học tập, làm việc, sinh sống tại xứ sở Mặt trời mọc...

Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Vượt qua biến cố

Hai năm nay, tại Nhật Bản, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều công ty dừng hoạt động, cuộc sống của các đối tượng lao động phổ thông, lao động thời vụ trong đó có rất nhiều người là tu nghiệp sinh, du học sinh Việt Nam cũng trở nên khó ngặt. Trong hoàn cảnh này, Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, chùa Đại Ân Honjo đã tổ chức chương trình hỗ trợ đồng bào đang ở Nhật Bản gặp khó khăn vì dịch với tên gọi “Chia sẻ món quà yêu thương”.

Chương trình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản và cả từ một số công ty Nhật Bản. Mỗi người một tay, nhờ đó mà 55.000 suất lương thực được trao tặng kịp thời đến kiều bào. Bên cạnh đó, Sư cô Thích Tâm Trí còn mở ra 3 khu nhà ở cộng đồng tiếp nhận gần 2.000 công dân, 87 bà bầu nương nhờ sinh hoạt miễn phí. Chương trình tư vấn nhân đạo, trấn an tinh thần cho kiều bào cũng được thực hiện, nhiều trường hợp bệnh trầm cảm được can thiệp, chữa lành kịp thời.

Nhiều hoạt động của chùa Đại Ân được sự yểm trợ nhiệt tình từ những người bạn Nhật

Nhiều hoạt động của chùa Đại Ân được sự yểm trợ nhiệt tình từ những người bạn Nhật

“Lúc em mang thai ở tuần 36, ngày dự sanh gần đến nơi, visa chuẩn bị hết hạn, em không có tiền, tâm trạng em hoảng loạn và lo sợ nhiều vô kể. Buổi trưa hôm đó, em nhắn tin trình bày, xin Sư cô cho xuống chùa ở. Trưa em nhắn, chiều em nhận được sự phản hồi. Em không diễn tả được niềm hạnh phúc của mình lúc đó, chỉ biết là bao nhiêu nỗi sợ trong em được tháo gỡ”, N.D.T, 24 tuổi, một người mẹ Việt đơn thân chia sẻ.

Theo chia sẻ từ Sư cô Tâm Trí, trong thời gian đại dịch hoành hành, có những tin nhắn xin được giúp đỡ, những hoàn cảnh cấp bách mà khi biết được, không ai có thể đành lòng lướt qua. “Nhiều tin nhắn gửi tới trong đêm của các em xin nhập viện không có tiền, chi phí rất cao, chúng tôi tìm cách can thiệp để được giảm viện phí xuống 0 đồng, hoặc có đóng nhưng không đáng kể.

Nhưng xót xa nhất có lẽ là khi hay tin có em qua đời, dịch bệnh gia đình không sang được để nhìn mặt lần cuối. Chúng tôi nhận ủy quyền đứng ra làm thủ tục, làm lễ hỏa táng. Mỗi lần như vậy là mỗi lần xót xa, chúng tôi như đang đưa tiễn chính người thân mình”, Sư cô chia sẻ.

Nối dài những vòng tay

Sư cô Thích Tâm Trí cho biết, ban đầu ngôi chùa Đại Ân ở Honjo, tỉnh Saitama (thành lập tháng 1-2018) chỉ nhận hỗ trợ những người Việt tới Nhật theo chương trình thực tập sinh nhưng mất chỗ ở vì công ty phá sản hoặc gặp sự cố khác, nhưng khi các chuyến bay giữa Việt Nam và Nhật Bản bị hủy do Covid-19, số lượng người tìm đến chùa nương náu ngày càng tăng. Chùa Đại Ân Honjo chỉ cưu mang 20 người vào thời điểm mới thành lập, nhưng con số sau đó dần quá tải, lên tới 60 - 70 người.

Khi hay tin, gia đình bác Michio Tomita, 72 tuổi, cư dân thành phố Kodaira, ngoại ô Tokyo, đã đề nghị mở chùa thứ hai tại nhà mình ở Nasushiobara, tỉnh Tochigi. “Đây là lần đầu tiên người Việt Nam được người Nhật Bản cúng tiến căn nhà, đất vườn, đất ruộng làm nơi tu học, sinh hoạt tâm linh cho cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Tochigi”, Sư cô chia sẻ.

Sư cô Thích Tâm Trí và các em kiều bào tại Nhật

Sư cô Thích Tâm Trí và các em kiều bào tại Nhật

Cũng từ những cầu nối trên đất khách này, hơn 100 bạn trẻ mắc kẹt tại Nhật đã có được việc làm, có cuộc sống bình an trong và sau đại dịch. Trong khoảnh khắc chuẩn bị đón năm mới, Vũ Thị Hoa, một du học sinh đang lưu trú ở chùa Đại Ân hơn 10 tháng qua cho biết: “Nhớ ngày từ Tokyo xuống chùa, ngồi trên tàu chỉ 2 tiếng nhưng cảm giác rất lâu, vì em rất lo. Nếu như không được tiếp nhận thì em thật sự không còn đường nào để đi. Những ngày cận xuân này, phụ Sư cô chuẩn bị các phần quà cho bà con mình, vô túi lộc trong bao đỏ, chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng, làm cành mai, đào đón Tết, chuẩn bị tinh tươm không gian thờ cúng đồng bào mất trong dịch bệnh, em rất xúc động. Em cảm thấy mình là một trong những người rất may mắn”.

Tết Nhâm Dần - 2022 này, chùa Đại Ân không chỉ là địa điểm tu học, tâm linh quen thuộc của cộng đồng người Việt mà còn là nơi để kiều bào trở về chia sẻ yêu thương và gửi cho nhau năng lượng lành, hộ niệm cho hương linh người đã mất trong đại dịch. Khói hương, tiếng chuông chùa nơi đất khách như làm lòng người thêm ấm áp, thanh tịnh, bình an hơn; và năng lượng lành lan tỏa phần nào giúp nhau vơi đi đau thương, mất mát quá lớn của đời người.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày