Chánh niệm: Món quà tinh thần vô giá dành cho giáo viên trong đại dịch tại Mỹ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1131 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1131 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Đối mặt với những vấn đề tâm lý do đại dịch gây ra, các giáo viên tại Mỹ đã tìm đến phương pháp chánh niệm để giải quyết những căng thẳng và bất ổn về tâm lý thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Năm học vừa qua là quãng thời gian đầy thử thách và nhiều khó khăn nhất trong những năm đứng lớp giảng dạy của Jon Salunga. Vấn đề không chỉ nằm ở việc làm quen với hình thức giảng dạy mới, tập sử dụng và kết hợp các công nghệ hiện đại, thích ứng nhanh đối với lịch trình đứng lớp trực tiếp và trực tuyến xen kẽ nhau, mà hơn thế nữa là việc hỗ trợ về mặt vật chất lẫn tinh thần đối với các học sinh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Các giáo viên của Trường Trung học San Diego, nơi Salunga giảng dạy, đã chung tay giúp đỡ những học sinh vừa học trực tuyến tại nhà, vừa chăm sóc các em hoặc ông bà của họ khi bố mẹ ra ngoài làm việc. Không ai khác ngoài các thầy cô giáo là những người đã chứng kiến các vấn đề về sức khỏe và sự sa sút tinh thần của các học sinh trong đại dịch. Ngay chính bản thân của Salunga cũng đã trải qua một cú sốc tinh thần to lớn vì sự ra đi của một người thân trong gia đình vì Covid-19.

Nhằm giảm thiểu những căng thẳng trong các giờ học trực tuyến, Salunga sẽ quay mặt khỏi màn hình, hít thở sâu để đôi mắt, đầu óc, cơ thể dịu đi và thư giãn trở lại. Đây là một phương pháp chánh niệm mà anh đã học được lần đầu tiên khi tham gia một khóa tu cách đây 20 năm. Ngoài mục đích loại bỏ căng thẳng, phương pháp này còn giúp anh duy trì được tình yêu thương và sự cảm thông đối với học sinh cũng như chính bản thân mình. “Hiểu rõ khả năng của bản thân và chấp nhận sự thật đó là một trong những phương pháp mà tôi đang thực hành”. Salunga cho biết.

Khi kỳ nghỉ hè qua đi, nhiều giáo viên đã tìm đến phương pháp chánh niệm nhằm hỗ trợ và cải thiện sức khỏe tinh thần và cảm xúc của chính bản thân họ để chuẩn bị cho việc đứng lớp trở lại sau những ngày dịch bệnh khốc liệt.

Theo Amy Saltzman, giám đốc Hiệp hội Chánh niệm trong ngành giáo dục (Association for Mindfulness in Education), phương pháp chánh niệm có thể được tìm thấy ở khắp các tiểu bang của Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Riêng tổ chức này đã có khoảng 3.000 thành viên, bao gồm những hành giả có hiểu biết thực sự và những trải nghiệm tự thân về việc thực hành chánh niệm, đang nỗ lực để chia sẻ phương pháp này đến với các trường học và các cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, còn có các tổ chức khác như Goldie Hawn’s Mind Up for Life and Mindful Schools cũng cung cấp những khóa đào tạo chánh niệm dành riêng cho các giáo viên. Đồng thời, họ cũng được ưu tiên một phần hướng dẫn đặc biệt trên các ứng dụng thiền tập nổi tiếng như Calms và Headspace.

Saltzman cho biết trong đại dịch, các thầy cô giáo cần được cộng đồng chú ý và hỗ trợ nhiều hơn bình thường, bởi đại dịch đã khiến cho khả năng chuyên môn của họ bị hạn chế rất nhiều. “Các giáo viên đã rất căng thẳng khi họ bắt đầu quay trở lại công việc giảng dạy sau đại dịch”.

Riêng đối với Salunga, anh được học phương pháp thực tập chánh niệm này từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một vị thầy nổi tiếng của Việt Nam, đồng thời là tác giả của những quyển sách với nội dung chuyển hóa tâm thức bán chạy nhất trên thế giới. Thầy cũng là người đã sáng lập Trung tâm thiền tập Làng Mai tại Pháp và truyền bá phương pháp chánh niệm thông qua việc điều chỉnh Phật giáo truyền thống sao cho phù hợp với văn hóa Tây phương.

Đặc biệt, chương trình “Wake Up schools” (tạm dịch: Trường học tỉnh thức) của thiền sư đã và đang đào tạo cho hàng trăm giáo viên ở Việt Nam, Ấn Độ, châu Âu và Hoa Kỳ thông qua các khóa tu, các buổi giảng dạy, hội thảo và các buổi họp mặt hàng tháng được tổ chức trực tuyến trong suốt thời gian đại dịch hoành hành. Vào tháng 8 vừa qua, Tăng thân Làng Mai cùng với Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Barre tại Massachusetts đã tổ chức một khóa tu trực tuyến dành cho các giáo viên tại Hoa Kỳ.

Orlaith O’Sullivan, điều phối viên quốc tế của chương trình “Wake Up Schools”, nhận thấy nhu cầu thiết thực của việc giải quyết và cải thiện sức khỏe tinh thần cho các nhà giáo dục khi trở lại trường học sau một thời gian dài giãn cách xã hội. Cô cho biết: “Đại dịch bùng phát đã khiến cho toàn thế giới trở nên chậm lại và yên tĩnh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cuộc sống hàng ngày đang dần trở nên ồn ào và hối hả trở lại; vì vậy, chúng ta cần trang bị một thái độ phản ứng tích cực để có thể duy trì được sự an toàn và hạnh phúc cho cuộc sống của chính bản thân mình”.

Phong trào “Wake Up Schools” hướng đến sự lan tỏa hạnh phúc đến cho các thầy cô giáo đến từ các quốc gia trên toàn thế giới mà không nhất thiết phải là tín đồ của Phật giáo. Trong lĩnh vực giáo dục, phương pháp chánh niệm được xem là một công cụ hỗ trợ đắc lực nhằm giúp đỡ các thầy cô giáo cải thiện kỹ năng sư phạm, đặc biệt là kỹ năng ứng xử, truyền thông và giao tiếp với học sinh trong lớp học.

Về vấn đề này, ông Richard Brady, một giáo viên đã về hưu, đồng thời là tác giả của cuốn sách Walking the Teacher’s Path With Mindfulness: Stories for Reflection and Action (tạm dịch: Bước chân chánh niệm trên con đường sư phạm: những câu chuyện để suy ngẫm và hành động) nhấn mạnh rằng tất cả các giáo viên đều nên học tập phương pháp hữu hiệu này. “Thậm chí chỉ cần một chút chánh niệm tỉnh giác cũng có thể giúp giáo viên thư giãn và lấy lại năng lượng khi cảm thấy căng thẳng”.

Brian Beard, một giáo viên tiếng Anh tại trường tư thục Houston, bắt đầu tham gia một khóa tu do Tăng thân Làng Mai tổ chức ở địa phương. Sau đó, trong suốt kỳ nghỉ đông năm 2020, trước khi đại dịch bùng phát, anh đã có cơ hội thực tập phương pháp chánh niệm một cách sâu sắc hơn trong khóa tu “Wake Up School”; tại đây, anh được hướng dẫn để thực tập nhận diện chính bản thân mình chứ không phải chỉ là những kiến thức đơn thuần.

Giờ đây, cứ mỗi tuần một lần, Beard và các đồng nghiệp đã bắt đầu thực tập thiền định cùng nhau sau những giờ làm việc căng thẳng; những buổi hành thiền như thế đã thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các giáo viên khác và nhiều người ngỏ ý muốn tham gia thực tập cùng với Beard sau khi thấy được những kết quả khả quan do thiền chánh niệm mang lại.

Ngoài ra, Beard còn chia sẻ với các học sinh về những trải nghiệm của mình trong các khóa tu ở Làng Mai; chính điều này đã khơi dậy cảm hứng của học sinh đối với phương pháp chánh niệm và mong muốn có cơ hội thực tập giống như Beard. Vì vậy, ở một vài lớp học, học sinh đã bỏ phiếu để thử nghiệm các hoạt động như đi đứng, làm việc trong chánh niệm, thiền trong khi ăn, tập hít thở và thư giãn sâu do Beard hướng dẫn.

Thông qua đó, các học sinh đã cho biết rằng chỉ cần một vài phút yên lặng hoàn toàn cũng có thể khiến cho họ bình tĩnh và thư giãn hơn. Beard cũng nhận thấy rằng họ đã trở nên tập trung và mạnh mẽ hơn, suy nghĩ mạch lạc và rõ ràng hơn, thậm chí anh còn thấy được cả những lợi ích vượt ra ngoài khía cạnh học tập của các học trò này. “Có thể giúp học sinh khơi dậy những điều tốt đẹp, tình yêu thương và sự cảm thông là một việc khiến tôi vô cùng phấn khởi và hạnh phúc”. Beard nói.

Ngày chánh niệm dành cho các nhà giáo dục và phụ huynh tại Vilnius, CH Litva

Ngày chánh niệm dành cho các nhà giáo dục và phụ huynh tại Vilnius, CH Litva

Cũng vậy, đối với Salunga, chánh niệm thực sự là một món quà vô giá mà anh mang đến lớp học, đặc biệt là những giờ giảng dạy đối với các cộng đồng đa kinh tế và đa văn hóa. Sự thấu hiểu và nguồn cảm hứng từ chánh niệm giúp anh ấy cảm thông sâu sắc hơn đối với học sinh của mình, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Những việc làm thiết thực của anh, chẳng hạn như linh hoạt đối với kỳ hạn nộp bài, sẵn sàng hỗ trợ các vấn đề của học sinh ngoài giờ lên lớp, hay soạn thảo giáo án giảng dạy mới để phù hợp với bối ảnh hiện tại, từ vấn đề vắc-xin đến bình đẳng chủng tộc,… đã thực sự có ảnh hưởng rất lớn đối với các học sinh của anh ấy.

“Thiền sư Nhất Hạnh đã nói rằng: “Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”. Thầy cô hạnh phúc ở đây là những người biết cách chuyển hóa đau khổ-đau khổ của chính bản thân mình, đau khổ của học sinh, của một thế hệ, của cộng đồng và của cả thế giới”. Salunga cho biết. Anh không chắc mình là một giáo viên hạnh phúc, nhưng thông qua việc giảng dạy một cách chánh niệm và tỉnh thức, anh hy vọng mình có đủ trí tuệ, kỹ năng, tình yêu thương và nhiệt huyết để tạo ra những giờ học đáng giá cho các học sinh của mình, dù là bằng hình thức trực tuyến hay trực tiếp.

Phương pháp chánh niệm thực sự đã trở thành một món quà tinh thần vô giá đối với các thầy cô giáo và mở ra một hướng đi mới cho ngành giáo dục tại Mỹ, đặc biệt là trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày