GNO - Một nghiên cứu gần đây cho thấy, SNCA (synuclein-alpha) - một trong những gene được “vận hành” khi nghe nhạc và có liên quan đến sự phóng tiết, dẫn truyền dopamine. Dopamine là dẫn truyền thần kinh giúp tạo động lực trong học tập ngôn ngữ mới, trong tập luyện thể dục, bỏ thói quen xấu…
Nghe nhạc - Ảnh chỉ mang tính minh họa
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Helsinki (Phần Lan) xem xét 24.000 gene ở 48 người khi nghe bài concerto violin thứ 3 của Mozart. Kết quả cho thấy biểu hiện của gene SNCA được tăng cường, hỗ trợ sự dẫn truyền tín hiệu trong não, tăng cường hiệu quả học tập và trí nhớ.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã cho thấy tác dụng của âm nhạc đối với trạng thái tinh thần. Âm nhạc có thể giúp thoát khỏi lo lắng và suy nhược tinh thần, tăng cường khả năng tư duy và có thể ảnh hưởng đến nhân sinh quan.
Nghiên cứu năm 2011 của Đại học Groningen cho thấy không những nhạc vui (buồn) có thể làm người nghe vui (buồn) thêm mà còn làm thay đổi nhận thức của người nghe về thế giới. Người ta có thể tưởng tượng ra những hình ảnh đẹp khi nghe nhạc vui, dù chúng không tồn tại trên thực tế.
Tác giả nghiên cứu cũng gợi ý một số tác dụng mà âm nhạc có thể mang lại trong cuộc sống hàng ngày, như sau:
- Khi bị stress có thể nghe nhạc cổ điển có âm điệu nhẹ nhàng.
- Tìm một loại nhạc nền làm bạn thấy dễ chịu. Một nghiên cứu báo cáo trên tạp chí Applied Cognitive Psychology năm 2011 cho thấy nhạc nhẹ nhàng, dễ chịu làm tăng khả năng tư duy.
- Khi bị đau đớn về thể chất hãy nghe bài hát hoặc loại nhạc mà bạn yêu thích. Theo Journal of Pain năm 2011, sự tập trung vào âm nhạc có thể giúp giảm đau đớn và lo lắng.
- Khi một ngày xảy ra nhiều sự cố ngoài mong muốn làm bạn stress, hãy rời khỏi môi trường stress đó bằng cách đi tản bộ, đến phòng tập thể dục,… và nghe vài bản nhạc nhẹ. Điều này giúp giảm hormone stress cortisol, nếu hormone này tồn tại lâu sẽ gây stress lâu hơn.
Cũng nên lưu ý rằng các trạng thái tâm lý tác động một cách rất cơ bản đến cơ thể của chúng ta, tùy thuộc vào sự biểu hiện của gene ở tế bào. Các nghiên cứu cho thấy chúng ta có thể thay đổi quá trình này bằng việc tăng cường sự biểu hiện của các gene lành mạnh thông qua việc tạo ra môi trường cảm xúc khỏe mạnh bằng thời gian hòa mình vào tự nhiên, chánh niệm, âm nhạc, các quan hệ lành mạnh…
Trần Trọng Hiếu (Theo Huffington Post)