Ngoài việc tự mình nỗ lực tu tập, vị Tỳ kheo còn phải nhiệt tâm tinh cần xây dựng bản thể giải thoát Tăng già trong thực thể Tam bảo. Nói một cách dễ hiểu, là một vị Tỳ kheo, phải luôn tâm niệm tự mình thiết lập một môi trường tu tập, cùng nhau học hỏi Chánh pháp, hành trì giáo pháp để thăng tiến và giúp cho mọi chúng sinh thoát khổ, hướng tâm về Phật đạo.
Một trong những cơ sở nền tảng thực thi hạnh nguyện nói trên là mỗi Tỳ kheo tham dự an cư kiết hạ hàng năm. Có thể nói mùa an cư có ý nghĩa quan trọng để các Tỳ kheo được an trú trong một môi trường tu tập thanh tịnh đúng theo nguyên nghĩa của nó. An cư, theo Tứ Phần Luật San Bổ Tùy Cơ Yết Ma Sớ 4, giải thích như sau: “Thân tâm đều tĩnh lặng, gọi là an. Quy định thời gian một chỗ, gọi là cư”. Trong ý nghĩa đó, đây là thời gian thuận lợi nhất để cho các Tỳ kheo tập trung lại một trú xứ, sống hòa hợp, thăng tiến đạo hạnh, trau dồi giới đức, phát triển nội tâm và khai mở trí tuệ.
Và như thế, an cư kiết hạ trở thành vấn đề thiết lập môi trường tu tập tâm linh không chỉ mang ý nghĩa tự chuyển hóa nội tâm mà còn có ý nghĩa lớn lao hơn nữa là xây dựng cho đại chúng số đông thành tựu công đức của Phật pháp. Do đó, mùa an cư còn là thời gian để các Phật tử tại gia có dịp thực hành các giới pháp đã được lãnh thọ, đóng góp công đức hộ trì tứ sự cúng dường như thực phẩm, y phục, thuốc men, vật dụng cho các hành giả an cư, nhất là được thân cận các vị sống một đời sống phạm hạnh mà theo đó thăng tiến đời sống tâm linh của mình.
Thời gian an cư kiết hạ theo luật định là ba tháng, bắt đầu tính từ ngày trăng tròn tháng Asàdha (A-sa-đà). Theo cách tính của ngài Huyền Trang trong Đại Đường Tây Vực ký, thì đấy là ngày 15 tháng 5 theo lịch Trung Quốc. Nhưng ở nước ta, ngày an cư đầu tiên là sau ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm. Người ta còn phân biệt tiền an cư, trung an cư và hậu an cư. Tiền an cư là bắt đầu từ 16 tháng 4, trung an cư thì bắt đầu từ 17 tháng 4 cho đến 15 tháng 5, hậu an cư từ 16 tháng 5. Cách chia như thế chỉ nhằm hợp thức hóa các trường hợp nhập an cư sớm hay muộn tùy theo hoàn cảnh cá nhân riêng biệt của một số Tỳ kheo. Tuy nhiên, dù kiết hạ an cư sớm hay muộn, thời gian an cư vẫn phải tròn 3 tháng.
Trong ba tháng an cư kiết hạ, các Tỳ kheo sống chung một trú xứ phải tuân thủ các quy chế của hạ trường. Theo điều Sàng nhục pháp trong luật Ma Ha Tăng Kỳ 27, khi vào an cư, hành giả phải thưa rõ ý chỉ kiết hạ an cư đối với người mà mình nương tựa (Tỳ kheo có giới đức) mới được vào an cư, gọi là Đối thú an cư. Nếu không có người nương tựa thì trong tâm tự nêu rõ ý chỉ kiết hạ an cư để vào an cư, gọi là Tâm niệm an cư. Trong thời gian an cư, hành giả không được phép ra ngoài; nếu trái sự quy định này thì phạm tội ác tác. Nhưng theo luật Tứ Phần 37, nếu đi mà trở về cùng ngày hoặc có duyên sự đặc biệt, Tăng chúng cho phép thì cũng được ra ngoài nhưng chỉ giới hạn trong vòng 7 ngày hoặc 15 ngày mà thôi, phương thức này gọi là thất nhật pháp.
Ngoài ra, luật định rằng, nếu hành giả nào vi phạm quy định ra khỏi cương giới thì phạm tội ác tác, gọi là phá an cư, phá hạ, sẽ mất tư cách tiếp nhận vật cúng thí được phân phối trong lúc an cư. Nếu vì tránh các chướng nạn: thú dữ, rắn độc, lửa cháy, nước cuốn, vua bạo ngược, giặc cướp, thiếu lương thực, kỹ nữ và thân tộc khác hoặc vì hòa giải các duyên sự phá Tăng thì được rời khỏi chỗ an cư mà không phạm tội. Luật Tứ Phần 43 còn nói khi kết thúc an cư thì phải thi hành 4 việc: Tự tứ, giải giới, kiết giới, và thọ công đức y. Sau khi an cư viên mãn, đại chúng xét lại hành vi của mình trong thời gian an cư, nếu có tội thì tự bày tỏ tội lỗi của mình, sám hối lẫn nhau, gọi là Tự tứ. Ngày Tự tứ này còn gọi là ngày Phật hoan hỷ. Khi kết thúc an cư, phải giải trừ cương giới quy định, gọi là giải giới. Tăng chúng an cư xong, mỗi người được tăng thêm một hạ lạp, là phép tắc chuẩn định thứ lớp lớn nhỏ của người xuất gia.
Rõ ràng, việc thiết chế tu tập an cư kiết hạ là rất nghiêm tịnh, có quy mô theo một hệ thống tổ chức và một chương trình tu học của đoàn thể Tăng già. Mục đích tạo ra một môi trường tốt đẹp, lý tưởng nhất cho chư Tăng thực thi giai trình thực nghiệm tâm linh, thành tựu giải thoát. Cụ thể như đã nói trên, ý nghĩa an cư của mỗi hành giả là tự mình xây dựng cho mình một môi trường tu tập tâm linh để cho thân - tâm được tĩnh lặng, sự thành tựu thân tâm tĩnh lặng này là cơ sở để an trú vào đời sống thực tại vốn thường xuyên biến động.
Sự thực hành các học giới, chú tâm vào việc hành trì thiền định, nghe pháp, thảo luận các pháp từ hội chúng, tinh cần sám hối các lỗi lầm của các hành giả an cư trong mỗi tịnh nghiệp đạo tràng thực chất là sự tu tập thân tâm, phòng hộ thân tâm, giữ thân tâm thanh tịnh. Khi thân tâm của mỗi người thanh tịnh thì sẽ kết nối mọi thế giới trở nên thanh tịnh. Đức Phật dạy: “Trong khi hộ trì cho mình là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác là hộ trì cho mình. Thế nào là hộ trì cho mình là hộ trì người khác? Chính là do sự thực hành, do sự tu tập, do sự làm cho sung mãn. Thế nào là trong khi hộ trì cho người khác là hộ trì cho mình? Chính là do sự kham nhẫn, do sự vô hại, do lòng từ, do lòng bi mẫn”.
Và như thế, sự tu học của các hành giả trong ba tháng an cư không ngoài việc hành trì Giới-Định-Tuệ, mục đích cuối cùng là giữ cho thân và tâm trở nên vắng lặng, nhu nhuyến, không bị chi phối các trần trong một đời sống vốn quá đầy dẫy sự đam mê, quyến rũ. Trong Giới Định Tuệ luận, Thiền sư Trần Thái Tông nói: “Giới nghĩa là uy nghi; định nghĩa là không loạn; tuệ nghĩa là hiểu biết. Giới trừ bỏ sự ác độc, định từ bỏ sự trói buộc, tuệ bỏ trừ bỏ sự sai khiến” (Thơ văn Lý - Trần, tập 2, Nxb KHXH, HN, 1989, tr.79).
Ngoài mục tiêu cao cả là thành tựu Giới-Định-Tuệ, việc hành trì giới hạnh mà các hành giả thực thi còn là sự giữ gìn oai nghi tế hạnh trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường. Sự thực hành thiền định của mỗi hành giả còn là giữ tâm không loạn trước một nền văn hóa thông tin toàn cầu đa dạng, phức hợp luôn luôn được cập nhật. Sự thực hành tuệ giác là phát huy hiểu biết thật sự về mọi giá trị làm nên bản chất sống và giải thoát được hiển lộ và ứng dụng trong đời sống.
Như thế, việc tu học trong ba tháng an cư kiết hạ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với một Tỳ kheo học chúng. Ấy là vị Tỳ kheo đó tự mình có khả năng tự điều chỉnh thân tâm, tự mình chuyển hóa thân tâm. Quan trọng hơn là vị đó được sống trong một hội chúng thanh tịnh, môi trường tu tập tâm linh thiết thực hiện tại, tự mình nương tựa chúng Tăng để nỗ lực tu tập những gì mình chưa có khả năng chứng đắc, có thể chứng đắc, như Phật dạy trong kinh Tăng Chi: “Hội chúng nào có các Tỳ kheo sống không biếng nhác, từ bỏ các đọa lạc, đi đầu hạnh viễn ly, tinh cần tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ, hội chúng này sẽ làm lợi ích cho đa số, sẽ làm trưởng lạc giải thoát”.
Như thế, việc thiết lập một đạo tràng an cư kiết hạ để tu tập chính là tạo ra sự an lạc, hạnh phúc cho mình và người. Đây cũng chính là cơ sở để Phật tánh được hiển lộ, giáo pháp được xiển dương, Tăng già được hòa hợp thanh tịnh. Hay nói cách khác, ba ngôi Tam bảo được vận hành đi vào đời sống thực tại với mọi giá trị đích thực. Người xuất gia cũng như người Phật tử tại gia đều có nhân duyên kết nối với nhau để học pháp và hành pháp trong một môi trường tu tập tâm linh thanh tịnh. Người xuất gia là những hành giả nỗ lực thực thi hạnh nguyện giải thoát, là tấm gương diệu hạnh để quần chúng Phật tử noi theo khi chính các hành giả tự thân vận hành ngang qua thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Điều này có nghĩa mỗi khi hội chúng xuất gia thành tựu pháp trong một đạo tràng tịnh nghiệp an cư nào đó thì chính tại đấy, hội chúng tại gia cũng nương nhờ nơi thành tựu đó mà được hạnh phúc an lạc. Kinh Tương Ưng, Phật dạy: “Nơi nào có hội chúng xuất gia thành tựu Pháp, thì nơi đó hội chúng tại gia tại đó được an lạc, hạnh phúc nhờ sự hướng dẫn thực tập hành pháp của hội chúng xuất gia”.
Vậy là hành giả trong các đạo tràng an cư kiết hạ phải luôn nhiệt tâm tinh cần tu tập, nỗ lực để xứng đáng là đệ tử của Thế Tôn: “Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, chơn chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn… Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời”. Thật sự có giá trị và ý nghĩa quý báu hơn bao giờ hết khi chính các hành giả an cư cùng nhau tạo ra một môi trường tu tập tâm linh, không chỉ tự mình có thể hướng tâm tu tập thành tựu giải thoát mà còn hướng dẫn mọi chúng sinh tu tập đồng giải thoát như mình trong mọi không gian và thời gian của dòng sống tương tục.
Vạn Hạnh, ngày 20 tháng 5 năm 2011