Ấn Độ xây dựng trường đại học Phật giáo tư thục đầu tiên

GN - Theo đó, dự thảo xây dựng Trường Đại học Phật giáo Khangchendzonga (Khangchendzonga Buddhist University - KBU) tại bang Sikkim (Đông bắc Ấn Độ) vừa được Quốc hội nước này thông qua hồi cuối tháng 9.

Sau khi hoàn thành thủ tục xây dựng và đi vào hoạt động, đây sẽ là trường đại học Phật giáo tư thục đầu tiên tại Ấn Độ và bang Sikkim.

1.jpg

Tượng Đức Phật tại Rabangla, bang Sikkim (Đông bắc Ấn Độ)

Trong một thông cáo báo chí vừa qua, lãnh đạo bang Sikkim, Prem Singh Tamang đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các thành viên của Quốc hội vì đã thông qua dự thảo thành lập trường: “Dự án xây dựng trường Phật học cấp bậc đại học tại bang Sikkim được phê duyệt sẽ giúp nâng hệ thống giáo dục bang lên một tầm cao mới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo tại Ấn Độ và trên thế giới”, theo Summit Times.

Được biết, song song với trọng tâm phát triển và lan tỏa Phật giáo trong cộng đồng người dân sở tại thông qua các chương trình Phật học, trường cũng là nơi đào tạo, cung cấp đội ngũ giáo viên cho địa phương và khu vực với “các mô hình giáo dục tân tiến và chương trình đào tạo nghề đa dạng, thúc đẩy sự sáng tạo và khai phóng - tạo điều kiện để sinh viên các tầng cấp thấp hơn trong xã hội Ấn Độ có thể theo học và trang bị năng lực nghề nghiệp tương lai”.

Ngoài chuyên ngành Phật học, Đại học KBU còn mở rộng đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật tự do, khoa học xã hội, du lịch và khách sạn - nhà hàng, kiến trúc, y khoa…; hoạt động trong khuôn khổ của Hướng dẫn về Chính sách Giáo dục Quốc gia Ấn Độ, đáp ứng Các mục tiêu Phát triển bền vững chất lượng giáo dục, tăng trưởng kinh tế trong cộng đồng và tại các thành phố lớn của nước này.

Sikkim là một bang đa chủng tộc và ngôn ngữ của Ấn Độ, giáp biên giới các nước Bhutan, Nepal và Tây Tạng. Theo thống kê năm 2011, hơn 27% dân số bang Sikkim theo Phật giáo và truyền thống Kim cương thừa có ảnh hưởng khá sâu sắc trong đời sống người dân nơi đây.

Trần Trọng Hiếu / Báo Giác Ngộ

(theo Summit Times, The Times of India)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày