GN - Suốt 4 năm qua, có một phụ nữ âm thầm cưu mang rất nhiều cô gái trẻ lỡ mang thai ngoài ý muốn, vì nhiều lý do mà họ không dám chia sẻ cùng ai. Vậy là, chị nhận về nuôi…
Khai sinh mái ấm “Vòng tay mẹ”
Đó là những thiếu nữ còn hạn chế về kiến thức làm mẹ, hận gia đình, người yêu, hận chồng sắp cưới... nên đã tìm đến “bà ngoại” nhờ sự che chở. Đến nay, “bà ngoại” đã đón và cưu mang, chăm sóc chu đáo cho 24 cô gái trẻ. Các cô gái ấy đã sinh cho bà 25 cháu ngoại dễ thương...
Những năm trước đây, quá đau xót trước tình trạng nhiều cô gái trẻ lỡ mang thai, lại nhẫn tâm vứt bỏ đứa bé trong bụng mình, chị đã cùng với nhóm bạn đi lần tìm những nơi có thai nhi bị “bỏ” đưa đi chôn cất. Có lần tìm thấy nhiều quá mà không còn chỗ chôn, cả nhóm ôm nhau khóc. Một bạn trong nhóm đưa ý tưởng góp tiền mua đất làm nghĩa trang để chôn các con cho tử tế, nhưng vấp phải muôn vàn khó khăn.
Các chị thầm nghĩ, không có duyên chôn cất các hài nhi cho tử tế, thì bằng mọi cách để các con không phải từ bỏ cuộc sống này. Thế là bắt đầu từ năm 2015, mái ấm “Vòng tay mẹ” chính thức ra đời, chủ nhân là chị Đặng Thị Bích Trâm (45 tuổi), tại đường Lương Định Của, TP.Nha Trang.
"Bà ngoại" Trâm đang bế bé sơ sinh vào ngày 10-10-2019
Chị Trâm chia sẻ: “Chồng tôi là bộ đội, gia đình hạnh phúc vì sinh được 3 con (1 lần sinh đôi), các cháu đều ngoan hiền. Tôi làm công việc tự do, bán vé máy bay, bán trái cây online… nhờ công việc chủ động thời gian nên tôi có cơ hội gặp rất nhiều cảnh ngộ thương tâm”.
Những cô gái trẻ mà chị Trâm đặt để tình thương là những người còn non dại, thậm chí còn rất trẻ, ở cái tuổi 16, 17 đã phải làm mẹ “bất đắc dĩ”. Chị Trâm rất hiểu, cảm thông cho tâm lý của các cháu không ổn định, trầm cảm, lo lắng vì lần đầu đối diện với vấn đề lớn của bản thân mà mình chưa nghĩ tới, chưa sẵn sàng, có con nhỏ trong khi chỉ đôi bàn tay trắng bơ vơ.
Nhờ đó, các cô gái trẻ ở mái ấm xem chị là ân nhân, là mẹ khi chị đã dang tay cứu vớt, giúp đỡ trong lúc khó khăn nhất. Và, các cháu được sinh ra, chị xem chúng như là “cháu ngoại”.
Những mảnh đời thương tâm
Chị Trâm kể: “Mỗi người đến với mái ấm có hoàn cảnh éo le khác nhau, nhưng đều là những người chịu thiệt thòi và rất đau lòng khi gia đình không chấp nhận, hoặc không dám thú nhận”. Đến nay, mái ấm “Vòng tay mẹ” đã đón 24 người mẹ trẻ khắp muôn phương về đây và sinh được 25 bé rất dễ thương, an toàn.
Trong số những người mẹ trẻ này, có đến 80% là học sinh, sinh viên, độ tuổi từ 16 đến gần 30 tuổi. Tất cả các em đến đây hầu như không có bảo hiểm y tế, không có tiền, không kiến thức về sinh sản, chưa sẵn sàng làm mẹ…. Hiện tại, mái ấm của chị Trâm đang nuôi 2 cô gái trẻ mới sinh và 4 cô gái trẻ khác đang đợi ngày “bà ngoại” đưa đi bệnh viện để “vượt cạn”.
Em H., người dân tộc Chăm, 23 tuổi, yêu một chàng trai, rồi có thai khoảng 5 tháng. Cái thai ngày càng lớn, chàng trai hứa sẽ đưa H. về ra mắt gia đình. Nhưng cuối cùng, thay vì đưa H., chàng trai ấy lại đưa một cô gái khác đang mang thai... tháng thứ 6 về ra mắt cha mẹ. Quá đau đớn, H. bỏ nhà ra đi và tìm đến với mái ấm. Trong những ngày ở mái ấm, H. than khóc vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ và đòi đi phá thai, chị Trâm phải động viên an ủi, tư vấn… mọi chuyện mới ổn!
Trường hợp cô gái tên L., 26 tuổi, khá xinh đẹp đến phòng khám ở Nha Trang xin phá thai. Khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện thai đôi, nên giới thiệu với chị, nhờ chị đến động viên, đưa về mái ấm chăm sóc. Đến ngày vượt cạn, người mẹ trẻ này sinh được 2 cậu con trai kháu khỉnh.
Trớ trêu thay, người đàn ông khiến cho L. có thai (đã có vợ, nhưng chưa có con), nghe tin bạn gái sinh được 2 cậu con trai khỏe đẹp, liền tới thăm. Không phải vì ý tốt gì, gã ta toan tính với L. là sẽ bán đi một bé để lấy tiền. Nghe vậy, chị liền “ra chiêu” và kịp thời chấn chỉnh, kèm lời dọa sẵn sàng “mua lại”. Vụ việc vỡ lở, người vợ của ông ta bàn với mẹ chồng xin đưa cả 2 bé trai về nhà nuôi…
Trường hợp chị Trâm cho là đau lòng nhất, ray rứt mãi suốt 5 tháng qua, đó là trường hợp cô gái tên H., vừa tròn 18 tuổi, ở TT Huế. Cô gái có dáng người gầy gò yếu ớt, thoạt nhìn như con nhà khá giả, mang theo 18 triệu đồng bên người. H. kể đã nói dối cha mẹ là đi du lịch Nha Trang để tìm đến mái ấm. 2 ngày sau, cô gái chuyển dạ, chị Trâm vội đưa đến bệnh viện.
Trên đường đi, cô gái cứ nắm chặt tay chị, nói: “Cô đừng bỏ con một mình, con sợ lắm”. Các bác sĩ ở Bệnh viện Khánh Hòa nhiệt tình giúp người mẹ trẻ vượt cạn, nhưng chưa đầy 2 giờ sau khi ra đời, thằng bé mất.
Theo các bác sĩ, do sản phụ quấn ép bụng quá lâu, thậm chí có thể đã dùng các loại thuốc phá thai nhưng không thành, thai sinh non (mới 7 tháng)… nên không thể cứu được. Thai nhi lại không giống một đứa trẻ bình thường. Khi biết con chết, H. khóc rất nhiều và trầm cảm do sốc tinh thần, dọa nhảy lầu nếu có người khác xuất hiện…
Không còn cách nào khác, chị Trâm gọi điện báo cho gia đình H. biết sự việc. Cha mẹ H. liền nhanh chóng vào Nha Trang thăm con gái. Tới bệnh viện, nhìn thấy con, bà mẹ liền gục ngã; người cha thì mặt tái xanh, hai tay đấm vào ngực liên hồi. Cả hai vội đưa H. ra Hà Nội chữa trị…
Vài lời nhắn gửi
Chị Trâm thẳng thắn cho biết: “Tôi không muốn cổ xúy việc làm của tôi, càng không thể nhận chăm sóc quá 10 người trong mái ấm, chi phí cho mỗi ca sinh và nuôi ăn vốn không hề đơn giản. Hiện tại, các chi phí cho sinh hoạt ở mái ấm khá tốn kém, bình quân khoảng 14 triệu một tháng (gồm cả tiền thuê nhà), tuy có sự giúp đỡ thêm của một số bạn bè, nhưng không đáng kể”.
Qua 4 năm tiếp nhận và lo cho 24 người mẹ trẻ vượt cạn, từ những chia sẻ của các cô gái và từ quan sát..., chị Trâm nhận thấy những cô gái lâm vào cảnh ngộ này hầu hết là người hiền lành, nhưng chỉ vì chưa có kiến thức làm mẹ, ít được cha mẹ, người thân quan tâm, gần gũi chỉ bảo nên mới rơi vào hoàn cảnh đáng thương.
Chính vì thế, chị muốn nhắn nhủ vài điều tới các bậc làm cha làm mẹ, nhất là gia đình có con gái, hãy quan tâm gần gũi với con gái của mình nhiều hơn, đừng để con xa vòng tay gia đình.
Với những cô gái trẻ, chị khuyên, cần tỉnh táo trong các mối quan hệ, nếu có gì chưa hiểu hãy mạnh dạn hỏi những người hiểu biết, đừng để mang thai khi chưa lập gia đình.
Nhưng, nếu chẳng may có thai thì phải bình tĩnh cho bố mẹ biết, vì cha mẹ sẽ là người luôn tìm cách giải quyết tốt nhất, không nên đơn độc chịu đựng những chuyện đau lòng do chính mình gây ra.