Băn khoăn của người mới đi chùa

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1279 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1279 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Tôi mới đi chùa trong thời gian gần đây và có vấn đề khiến tôi băn khoăn. Đó là tụng kinh mà có nhiều đoạn đọc bằng âm Hán-Việt khiến tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi mong muốn được tụng đọc kinh bằng tiếng Việt để hiểu rõ nghĩa lý lời Đức Phật dạy và ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Mặt khác, nghe và đọc kinh mà không hiểu thì cảm thấy lạc lõng, suy nghĩ mông lung, không giao cảm được với Tam bảo. Rất mong được quý Báo sẻ chia.

(HIỀN THI, nguyenhien…@gmail.com)

Bạn Hiền Thi thân mến!

Vấn đề xướng kệ hay tụng kinh bằng âm Hán-Việt trong một số chùa hiện nay thực sự gây khó hiểu cho người biết đôi chút về chữ Hán và hoàn toàn không hiểu cho nhiều người. Vẫn biết, đối với người đã quen chữ Hán cổ, hiểu nghĩa rõ ràng thì xướng tụng kệ kinh âm Hán-Việt sẽ rất hay, âm luật chặt chẽ, vần điệu bổng trầm, nghĩa lý sâu sắc. Nhưng với số đông không am tường chữ Hán thì chẳng hiểu gì, khiến cho việc tụng đọc kinh điển nhiều năm mà không biết ý nghĩa lời Phật dạy. Xét về chức năng thông tin của ngôn ngữ thì đây có thể nói là sự trì trệ không nên có trong việc tụng đọc kinh điển hàng ngày của Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Cả hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền vẫn còn vướng mắc vào sự trì trệ này. Nên cần phải Việt hóa hoàn toàn kinh điển Phật giáo, nhất là các kinh tụng hàng ngày dành cho số đông. Kinh văn nguyên tác hoặc phiên âm Pàli (Nam truyền) và Hán cổ (Bắc truyền) nên dành cho người nghiên cứu chuyên sâu. Còn kinh tụng hàng ngày cho đại chúng thì nhất thiết phải sử dụng tiếng Việt. Từ phong trào Chấn hưng Phật giáo ở đầu thế kỷ XX đến nay đã gần thế kỷ, việc Việt hóa kinh tụng hàng ngày vẫn chưa hoàn toàn quả là điều trì trệ.

Điều đáng nói là rất nhiều kinh kệ được Việt hóa từ rất lâu. Nhưng mỗi chùa tụng kinh theo bản nào, âm hay nghĩa lại phụ thuộc hoàn toàn vào quan điểm của vị trụ trì của ngôi chùa đó (hay vị chủ lễ trong các buổi lễ tại tư gia Phật tử). Nghi thức tụng niệm về đại thể thì giống nhau, tụng theo phiên âm hay bản dịch nghĩa nào thì khác nhau. Điều này khiến cho người Phật tử tham gia vào đạo tràng khác khá lúng túng, dù kinh điển đã thuộc làu. Thế nên thao thức của Phật tử khi tụng kinh mà không hiểu nghĩa vì âm Hán-Việt là điều nên có. Giáo hội và các vị trụ trì cần quan tâm đến nguyện vọng chính đáng này để Phật tử tụng kinh mà có thể hiểu được lời Phật dạy.

Đặc tính của giáo pháp là “Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”. Pháp của Thế Tôn như bàn tay mở ra, không phải nắm chặt lại. Pháp ấy “đến để mà thấy” nhưng không hiểu thì làm sao biết được nghĩa lý để thực hành hay những quán chiếu và chiêm nghiệm sâu xa hơn về thân, tâm và thế giới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ này. Có người cho rằng vì đã thuộc lòng và biết nghĩa từ rất lâu nên cảm giác tụng âm Hán-Việt như tiếng Việt, không cần thiết phải thay đổi. Có người cho rằng các bài kệ phiên âm hay hơn dịch nghĩa, nhất là cấu trúc âm vận, giàu nhạc tính rất thuận lợi cho việc xướng tán. Một ít người cho rằng, tụng kinh mà không hiểu thì từ từ sẽ hiểu, chỉ cần nhiếp tâm và an trú vào pháp là được v.v…

Dù bất cứ lý do gì, người Phật tử Việt tụng kinh bằng tiếng Việt là tất yếu. Các chùa (và chủ lễ) chưa làm được thì phải thấy rõ điều đó là trì trệ, cần phải chuyển hóa. Vấn đề là thời gian và nỗ lực của tất cả chúng ta.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có hay không bậc A-la-hán thoái pháp?

Có hay không bậc A-la-hán thoái pháp?

NSGN - Căn cứ theo lộ trình tu tập như Phật đã dạy, một Tỳ-kheo khi chưa giải thoát hoàn toàn thì việc thoái thất có thể diễn ra. Tuy nhiên, khi vị ấy đạt đến giải thoát hoàn toàn viên mãn, đã đạt đến bất động, thì không còn bất kỳ một sự thoái thất nào.

Thông tin hàng ngày