Ban Phật học chùa Xá Lợi tổ chức thuyết trình về cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Ban Phật học chùa Xá Lợi tổ chức buổi thuyết trình về công đức của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Ban Phật học chùa Xá Lợi tổ chức buổi thuyết trình về công đức của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nhân húy nhật lần thứ 49 cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, nguyên Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt, sáng 15-4, Ban Phật học chùa Xá Lợi (TP.HCM) đã tổ chức buổi thuyết trình với đề tài “Công đức của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền trong việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam”.
Cư sĩ Trần Đình Sơn thuyết trình

Cư sĩ Trần Đình Sơn thuyết trình

Để tìm hiểu về cuộc đời cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền theo cư sĩ nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn diễn giả buổi nói chuyện có thể nhìn theo 2 điểm chính, đầu tiên là sự đóng góp của của công dân Mai Thọ Truyền với nền văn hóa đất nước, trải qua cuộc đời của ông; thứ hai là đóng góp của người Phật tử cư sĩ Chánh Trí với nền chấn hưng Phật giáo.

Về trách nhiệm công dân, cư sĩ Mai Thọ Truyền sinh năm 1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu. Thiếu thời, ông theo học tại Trường Sơ học Pháp - Việt Bến Tre, Trung học Mỹ Tho và Chasseloup Laubat Saigon. Năm 1924, ông thi đậu Thư ký Hành chánh và được bổ đi làm việc tại Sài Gòn, Hà Tiên, Chợ Lớn. Năm 1931, ông thi đậu Tri huyện, đã tùng sự tại Sài Gòn, Trà Vinh, Long Xuyên và Sa Đéc. Từ năm 1947, ông về Sài Gòn và lần lượt giữ các chức vụ quan trọng trong Chính phủ cho đến khi về hưu năm 1960.

“Chúng tôi thấy con đường công chức của cư sĩ Chánh Trí, từ khi học xong trung học đỗ tú tài Pháp đến khi kết thúc công việc là cả cuộc đời hành chánh kéo dài mấy mươi năm.Trải qua nhiều chức vụ tại địa phương đến trung ương, ông luôn giữ được tư cách, đạo đức, luôn bảo vệ quyền lợi của dân chúng để lại tình cảm, danh tiếng tốt đẹp trong lòng người", cư sĩ Trần Đình Sơn nhận định.

Năm 1967, ông ứng cử Phó Tổng thống trong liên danh Trần Văn Hương. Năm 1968, ông giữ chức Quốc Vụ khanh kiêm Viện trưởng Giám sát viện, rồi Quốc Vụ khanh đặc trách Văn hóa cho đến năm quy tịch.

Với trách vụ Quốc Vụ khanh đặc trách Văn hóa, ông đã nỗ lực phát huy tài năng đóng góp cho văn hóa nước nhà làm được những việc có ích cho đương thời và hậu thế: xây dựng Thư viện Quốc gia (ngay trên khuôn đất mà thực dân Pháp đã dùng xây nhà tù) nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố; xúc tiến thành lập Văn khố quốc gia và Nhà văn hóa; thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban Điển chế văn tự; lập Ủy ban Dịch thuật và Xuất bản các sách Hán Nôm quý hiếm; thành lập Chi nhánh Bảo tồn Cổ tích Huế.

Người thân gia đình cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, cùng các thành viên Ban Phật học và người trẻ tham dự

Người thân gia đình cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, cùng các thành viên Ban Phật học và người trẻ tham dự

Về trách nhiệm của một cư sĩ Phật giáo, từ khi có duyên lành được gặp gỡ Đại sư Hành Trụ tại chùa Long An. Ngưỡng mộ đạo phong và trí tuệ của ngài nên ông phát tâm quy y Tam bảo, nguyện giữ năm giới tại gia. Từ đây, ông bắt đầu dốc lòng đem khả năng của mình xiển dương chánh pháp.

Năm 1950, cùng với các thiện tri thức đồng chí hướng tại Sài Gòn, ông vận động thành lập Hội Phật Học Nam Việt. Ông đứng ra xây dựng ngôi chùa lịch sử Xá Lợi, một ngôi chùa có kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữa được nét truyền thống dân tộc, làm trụ sở của hội. Ông làm Tổng Thư ký của hội khi mới thành lập và Hội trưởng từ 1955 cho đến ngày mất.

Năm 1952, ông và Hội Phật Học Nam Việt đã tạo nên Phật sự vô cùng quan trọng, gây được tiếng vang khắp toàn quốc. Đó là lễ rước ngọc xá-lợi tại Sài Gòn, nhân phái đoàn Phật giáo Tích Lan đi dự Đại hội Phật giáo thế giới kỳ II tại Tokyo, có mang theo một viên ngọc xá-lợi để tặng quốc gia Nhật Bản. Trên đường đi, phái đoàn quá cảnh Sài Gòn 24 tiếng đồng hồ. Cuộc rước ngọc xá-lợi đã được đông đảo Tăng Ni, Phật tử và đồng bào thành phố và các tỉnh lân cận tham dự để chiêm bái Xá-lợi Phật đầu tiên đến Việt Nam.

Hội đã mở các lớp Phật học phổ thông, hàng tuần, tại chùa Xá Lợi, và tổ chức các thời thuyết pháp cho đại chúng do ông mời các vị cao Tăng, Đại đức trong nước hay nước ngoài đăng đàn.

Di ảnh cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền tại tổ đường chùa Xá Lợi

Di ảnh cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền tại tổ đường chùa Xá Lợi

Bên cạnh đó, Hội Phật Học Nam Việt còn xuất bản tạp chí Từ Quang do ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, phát hành liên tục không gián đoạn từ năm 1951-1975 đã đóng góp không nhỏ cho công việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh. Ngoài những Phật sự nói trên, với sự uyên thâm và thông hiểu sâu sắc giáo lý, ông đã dành nhiều thời gian dịch và trước tác các tác phẩm có giá trị.

Qua một phần những cống hiến cho đạo pháp và dân tộc nói trên có thể nói “Chánh Trí Mai Thọ Truyền là nhà văn hóa lớn của văn hóa Phật giáo và văn hóa Việt Nam. Chùa Xá Lợi được cư sĩ Chánh Trí và những người đồng chí hướng xây dựng nên không ngoài mục đích phụng sự tam bảo và xiển dương chánh pháp", Cư sĩ Trần Đình Sơn đánh giá.

Tượng cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền được an trí trong khuôn viên chùa Xá Lợi

Tượng cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền được an trí trong khuôn viên chùa Xá Lợi

Trong việc tu học với một người Phật tử theo cư sĩ Chánh Trí người đó phải quy y, giữ giới, ăn chay, niệm Phật: “Muốn tu theo đạo Phật phải theo quy tắc nhà Phật, phải am tường nghệ thuật của người tu và phải tu cho đúng điệu. Chưa hề thấy một người tu chân chánh mà lại không quy y, ăn chay, niệm Phật và giữ giới, tức là những bổn phận căn bản của Phật tử, dầu xuất gia hay tại gia; không giữ đúng bốn điều ấy là những người giả danh dối thế, không vì mục đích bất chánh thì cũng vì tà tâm tư lợi khác. Quy y, ăn chay, niệm Phật và giữ giới là quy tắc, là nghệ thuật, là cái điệu của người muốn hưởng cái thú tối thanh cao, là thú tu Phật…”, Tu là gì, bài viết của cư sĩ Chánh Trí trong tạp chí Từ Quang số 3 năm 1951.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày