Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa: Dự thảo thông tư quản lý tiền công đức của Bộ Tài chính là vi hiến

Chùa Long Sơn, nơi đặt trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa
Chùa Long Sơn, nơi đặt trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đó là nhận định của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa trong Công văn số 95/BTS-VP do Hòa thượng Thích Minh Thông, Quyền Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh ký ngày 15-6-2021, gửi Hội đồng Trị sự GHPGVN, phổ biến trên kênh thông tin của Văn phòng 2.

Công văn này có nội dung góp ý về dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội do Bộ Tài chính lấy ý kiến lần thứ 2.

Công văn của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa cho rằng “tiền công đức là tiền của cá nhân, cơ quan, tổ chức tặng cho nhà tu hành hoặc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở, tổ chức tôn giáo để nuôi dưỡng các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người thực hành tín ngưỡng, thực hiện các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và các hoạt động khác nhằm phát triển tôn giáo, tín ngưỡng".

Đồng thời, công văn này cũng viện dẫn Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định tại khoản 6 Điều 7: Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có quyền “nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho”; Khoản 1 Điều 56: “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Khoản 3 Điều 3: “Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo… Ban Trị sự tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: “tiền công đức là tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Nói cách khác, tổ chức tôn giáo có quyền nhận tiền công đức và được Nhà nước bảo hộ vì nó là tài sản của Giáo hội.

Công văn cho rằng người đủ tư cách pháp nhân “có toàn quyền sử dụng tài sản công đức này” là trú trì vì đó là người “được Giáo hội ủy quyền điều hành Phật sự tại các tự viện”.

Với cơ sở đó, công văn chính thức của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa nhận định Khoản 4 Điều 2 trong dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội của Bộ Tài chính là vi hiến, không hợp pháp.

Cũng trong công văn này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa cho rằng “nhiều nội dung của Dự thảo Thông tư không hợp hiến, không hợp pháp, không bảo đảm quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo, quyền sở hữu riêng của nhà tu hành, và không khả thi trong thực tiễn”, do đó Ban Trị sự tỉnh này đề nghị Hội đồng Trị sự GHPGVN tổng hợp đầy đủ ý kiến của Ban Trị sự 63 tỉnh thành cũng như Phật tử trên cả nước để kiến nghị với Bộ Tài chính hủy bỏ dự thảo thông tư nói trên.

Trước đó, liên quan về vấn đề này đã có Ban Trị sự các tỉnh Bình Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Tây Ninh, Đắk Nông... có công văn góp ý. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có nhận định dự thảo thông tư liên quan tới quản lý tiền công đức của Bộ Tài chính là "vi hiến", "không hợp pháp".

Ảnh bản của công văn được phổ biến trên kênh thông tin của Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN

Ảnh bản của công văn được phổ biến trên kênh thông tin của Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày