GNO - Hang đá Vân Cương là những ngôi chùa hang cổ Trung Quốc gần thành phố Đại Đồng ở tỉnh Sơn Tây. Đấy là một trong những ví dụ tuyệt vời của kiến trúc đá cắt và là một trong 3 địa điểm điêu khắc Phật giáo cổ xưa nổi tiếng nhất của Trung Quốc.
Với 252 hang và 51.000 bức tượng, hang đá Vân Cương đại diện cho thành tích xuất sắc về nghệ thuật hang đá Phật giáo và sức mạnh cũng như sự bền bỉ của niềm tin Phật giáo ở Trung Quốc trong thế kỷ thứ 5 và thứ 6.
Hang đá Vân Cương
Những bức tượng Phật khổng lồ ngồi trong các hang đá trên vách núi đã tồn tại qua những thăng trầm của các triều đại, chiến tranh và các cuộc cách mạng, nhưng chính những tác hại của đời sống hiện đại, bao gồm ô nhiễm công nghiệp, là mối đe dọa lớn nhất đối với các kỳ quan cổ đại này, theo một báo cáo.
Đại Đồng, được gọi là Bình Thành trong thời cổ đại, trở thành kinh đô của triều đại Bắc Ngụy giữa năm 398 và 494, và vì vậy là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của vương quốc.
Nó vẫn giữ được tầm quan trọng cho đến năm 523 trước khi bị bỏ hoang sau một cuộc nổi dậy. Các bức tượng của hang đá Vân Cương được hoàn thành trong 60 năm (460-525); giai đoạn này đánh dấu đỉnh cao của sự phát triển trong nghệ thuật hang đá Phật giáo của triều đại Bắc Ngụy.
Khi hoàng đế đầu tiên đảm nhận ngai vàng, Phật giáo phát triển rực rỡ và năm 460 sư Đàm Diệu bắt đầu khắc hang đá thứ năm; kể từ đó, các hang đá này đã trở thành trung tâm của nghệ thuật Phật giáo ở Bắc Trung Quốc.
Từ những năm 1960, hang đá Vân Cương đã được pháp luật của cả Chính phủ Trung Quốc và chính quyền thành phố Đại Đồng bảo vệ, và trong năm 2001, toàn bộ khu vực đã được UNESCO liệt vào Danh sách Di sản văn hóa thế giới bởi ý nghĩa lịch sử to lớn của nó và nhằm bảo vệ chúng khỏi sự hủy diệt.
Nhiều phần rộng lớn của Trung Quốc bị ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trên thế giới, và các địa điểm cổ trên khắp đất nước này lâm vào ảnh hưởng. Phần lớn của vấn đề là do than. Việc đốt than phát ra lưu huỳnh dioxit, sau đó tiếp tục bị ôxy hóa trong khí quyển và kết hợp với nước tạo ra axit sulfuric ăn mòn đá sa thạch.
Trong những năm 1980 và 1990, khi ngành công nghiệp than ở tỉnh Sơn Tây tăng trưởng, mỗi ngày khai thác lên đến 20.000 xe tải than.
Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc và các nhà bảo tồn ngày nay đã bắt tay vào một nỗ lực đầy tham vọng để bảo vệ chúng trở thành một hình mẫu bảo lưu cổ vật tại các địa điểm khác. Các cơ quan chức năng không chỉ làm sạch các bức tượng ở đây và tạo ra một công viên rộng lớn mà còn đóng cửa các mỏ than gần đó và gỡ bỏ hoặc điều chỉnh các nguồn ô nhiễm không khí khác.
Tượng Phật tại hang đá Vân Cương
Công nhân sử dụng bàn chải mềm để loại bỏ bụi than phủ lên bức tượng. Nhiều trong số các pho tượng Phật ngày nay xuất hiện trong ánh vàng như thuở ban đầu được tạo tác. Trên một số bức tượng, màu sơn rực rỡ được tô điểm qua các triều đại có thể được nhìn thấy. Tượng Phật lớn nhất, bức tượng ngồi cao 17 mét, được mạ một lớp vàng mỏng trên mặt.
"Bạn không biết trước đây bức tượng tệ hại như thế nào đâu", ông Huang Jizhong, kỹ sư trưởng tại Văn phòng di tích văn hóa tỉnh Sơn Tây và là giám đốc nghiên cứu trước đây tại các hang động nói. "Sự tương phản là rất ấn tượng".
Trong khi bước tiến lớn đã được thực hiện trong việc bảo vệ các di tích cổ xưa, thì điều mà các quan chức Trung Quốc đã không thể hoặc miễn cưỡng kiểm soát là mức độ ô nhiễm không khí ở tầng bình lưu và mưa axit xuất hiện, điều vẫn tiếp tục đặt ra một mối đe dọa.
Văn Công Hưng (Theo Ancient Origins)