GNO - Khi Sở Y tế TP.HCM triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc Covid-19 tại nhà, nhiều đơn vị, cá nhân, hội nhóm đã tổ chức các mô hình để hỗ trợ điều trị như bình oxy miễn phí, túi thuốc miễn phí.
Đặc biệt mô hình Bệnh viện dã chiến online điều trị các F0 được các y bác sĩ lập nên đã giúp người bệnh yên tâm trong quá trình điều trị góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh.
Trạm oxy 0 đồng - "Hơi thở yêu thương" thuộc Trung tâm Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng Pháp Bảo (Gò Vấp) hoạt động từ 31-8 - Ảnh: Pháp Bảo |
“Chúng tôi mang ơn các y bác sĩ nhiều”
Không giấu được niềm vui khi cả 11 người trong gia đình đều được chữa khỏi bệnh qua Bệnh viện dã chiến online điều trị F0 tại nhà, giọng xúc động, ông Ngô Chí Toàn (phường 8, quận 11, TP.HCM) bày tỏ “Gia đình chúng tôi mang ơn các bác sĩ và trạm oxy 0 đồng nhiều lắm đã giúp gia đình khỏe lại”.
Đó là ngày 1-9 khi thấy có các triệu chứng bệnh, gia đình ông Ngô Chí Toàn tự test nhanh thì kết quả dương tính, điện báo cho y tế phường thì được yêu cầu tự cách ly điều trị ở nhà. Ông Toàn cho biết “Lúc đó, gia đình hoang mang lắm, nếu bệnh trở nặng thì không biết làm sao”. Sau đó được người quen giới thiệu đã gọi đến trạm oxy 0 đồng nhờ giúp đỡ, vị phụ trách liền hỏi các thông tin về tình hình bệnh và lập ngay một group trên zalo để điều trị bệnh cho cả gia đình.
Ông Toàn chia sẻ, trong group điều trị có nhiều bác sĩ và điều dưỡng luôn theo sát tình hình diễn tiến bệnh của cả nhà, lúc nào cũng hỏi thăm động viên, hỏi sức khỏe hôm nay thế nào, hỏi nhiệt độ, chỉ số SpO2 của mỗi người. Khi người trong nhà bị triệu chứng gì nhắn lên group là có bác sĩ trả lời liền. Nửa đêm có người nhà khó thở nhắn trên group thì có bác sĩ hỏi chỉ số SpO2 và hướng dẫn ngồi tập thở.
Đặc biệt, khi bác sĩ khám bệnh chỉ định cần thở bình oxy thì trạm oxy lập tức chở tới. Khi bác sĩ chỉ định người nhà cần dùng thuốc thì bên trạm cũng mang thuốc tới, rồi bác sĩ hướng dẫn cách uống từng loại thuốc rất kỹ càng. Cứ vậy 24/24 theo dõi liên tục trong 11 ngày. Ngày thứ 12, gia đình test lại thì có 9 người đã âm tính và sau đó ai cũng khỏi bệnh. “Gia đình mang ơn lắm. Đến giờ dù mọi người ai cũng khỏe nhưng tôi vẫn giữ lại group để cảm ơn”, ông Toàn bày tỏ.
Cũng vậy, gia đình ông Nguyễn Hoàng Sơn (phường 13, quận Gò Vấp) có đến 8 người bị dương tính gồm người lớn tuổi và trẻ em. Gia đình báo cho y tế phường được yêu cầu cách ly điều trị ở nhà. Cảm thấy lo lắng và hoang mang ông Sơn liên hệ Trạm oxy 0 đồng để nhờ giúp đỡ. Trong quá trình chăm sóc theo dõi liên tục của các y bác sĩ điều dưỡng, gia đình ông an tâm ổn định tâm lý điều trị bệnh. Tới ngày 23-9, các thành viên trong gia đình được y tế phường test lại đều âm tính.
“Gia đình tôi xin cảm tạ tất cả các bác sĩ và trạm oxy 0 đồng trong thời gian qua đã giúp đỡ và chăm sóc cho gia đình trong những ngày nguy hiểm và động viên hỗ trợ cho gia đình tới hôm nay. Gia đình đã qua khỏi hết. Hôm nay, gia đình test đều âm tính và khỏe mạnh. Cầu trời Phật gia hộ cho tất cả bác sĩ và quý vị nhiều sức khỏe bình an”, ông Nguyễn Hoàng Sơn bày tỏ lòng cảm ơn khi cả gia đình sức khỏe ổn định.
Khi bệnh nhân được bác sĩ điều trị chỉ định cần bình oxy, đội phản ứng nhanh sẽ mang tới nhà liền - Ảnh: Pháp Bảo |
Trạm oxy 0 đồng - “Hơi thở yêu thương”
Trung tâm Pháp Bảo khai trương trạm oxy 0 đồng phục vụ bệnh nhân F0 từ ngày 31-8, với mục đích hỗ trợ cung cấp bình oxy miễn phí đến người bệnh Covid tại nhà, “nhưng thấy việc cung cấp oxy chưa phải cứu cánh”. Vậy là Đại đức Thích Đồng Nguyện, Giám đốc Trung tâm trăn trở phải làm sao có bác sĩ hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân mới là việc quan trọng. Nghĩ vậy, thầy liên hệ đến “Bệnh viện dã chiến online” điều trị F0 tại nhà và được bác sĩ Nguyễn Khánh Linh và nhiều y bác sĩ của bệnh viện nhiệt tình hỗ trợ người bệnh không kể ngày đêm.
Đại đức Thích Đồng Nguyện cho biết, mỗi khi bệnh nhân gọi điện thoại tới trạm oxy 0 đồng sẽ có người tiếp nhận hỏi thông tin người bệnh, họ tên địa chỉ, nhà có bao nhiêu F0, có bác sĩ điều trị chưa, oxy bao nhiêu, tình trạng như thế nào, oxy chở tới có mang vào được không, đã uống thuốc gì chưa. Người phụ trách sẽ thành lập 1 group zalo gồm có người bệnh, người quản lý oxy, sau đó sẽ mời bác sĩ vào để tư vấn điều trị, tùy tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ mời thêm điều dưỡng, bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ ca bệnh.
Khi điều trị nếu bác sĩ chỉ định cần oxy thì trạm oxy kết hợp với đội phản ứng nhanh của phường 7, quận Gò Vấp chuyển tới nhà trên địa bàn quận, còn nếu chỉ định dùng thuốc thì sẽ mang thuốc tới. Riêng với địa bàn khác sẽ kết hợp đội nhóm trên địa bàn mang oxy qua.
“Trong quá trình hỗ trợ bệnh nhân từ ngày đầu tới ngày lành bệnh có người 10 ngày, có người 15 ngày, quá trình đó như là sống chung với họ mỗi ngày, khi bệnh nhân thông báo tình hình bệnh, tình hình sức khỏe, khó thở như thế nào, tự nhiên tôi cũng lo lắng, rồi khi họ thông báo nhà con test âm tính hết rồi, hết bệnh rồi thì hoan hỷ hạnh phúc như người thân của mình khỏi bệnh. Đến nay đã có gần 200 bệnh nhân được chữa khỏi.
Ngoài ra, điều làm tôi cảm kích vô cùng đó là khi bệnh nhân cần là các bác sĩ, điều dưỡng luôn có mặt không kể ngày đêm, hỗ trợ rất tích cực, không nhận một khoản thù lao nào, hoàn toàn miễn phí. Trong khi đó, ngoài hỗ trợ bên trạm oxy 0 đồng ở Gò Vấp thì các bác sĩ, điều dưỡng còn hỗ trợ rất nhiều ca bệnh khác ở các quận, huyện thành phố”, Đại đức Thích Đồng Nguyện bày tỏ.
Bình oxy được các tình nguyện viên mang tới tận nhà cho người F0 - Ảnh: Pháp Bảo |
Bệnh viện dã chiến online chăm sóc F0 tại nhà
Bác sĩ Nguyễn Khánh Linh, hiện làm việc tại Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận, người khởi đầu chương trình mô hình Bệnh viện dã chiến online hoạt động chính thức ngày 6-8-2021 hỗ trợ điều trị cho F0 tại nhà, cho biết đây giống như ở bệnh viện chỉ khác ở chỗ bác sĩ điều trị qua group zalo, còn người bệnh nằm ở nhà, điều dưỡng chăm sóc đưa oxy, đưa thuốc là người nhà của người bệnh.
Theo đó, người bệnh sau khi được tiếp nhận tại Bệnh viện dã chiến online, sẽ có hồ sơ bệnh án được ghim thông tin trong group zalo điều trị, để bác sĩ vô đọc đều biết tình trạng người bệnh mà tư vấn điều trị. Ngoài ra, tùy tình trạng sức khỏe người bệnh sẽ có bác sĩ, hộ sinh, điều dưỡng, có cả các bác sĩ chuyên khoa.
Mỗi ngày nữ hộ sinh, điều dưỡng, đo mạch, huyết áp, chỉ số SpO2 bằng cách hỏi người nhà, hỏi tình trạng nặng nhẹ như thế nào, thuốc dùng ra làm sao, triệu chứng ra làm sao, nếu có vấn đề họ sẽ gọi bác sĩ vào tư vấn. Khi cần trực tiếp “thăm khám” thì bác sĩ sẽ gọi video call nhìn tổng trạng người bệnh. Tùy nội dung câu hỏi của người bệnh, hộ sinh điều dưỡng hoặc bác sĩ sẽ trả lời người bệnh ngay, nhằm tạo cho người bệnh cảm giác yên tâm rằng các vấn đề của họ đều được giải quyết tức thì và nhân viên y tế luôn có mặt kịp thời.
Bệnh viện dã chiến online cũng chia ca kíp trực đêm. Có 6 team trực đêm, mỗi team gồm 3 bác sĩ, mỗi bác sĩ sẽ trực 3 tiếng/ đêm. Nhờ vậy, mỗi bác sĩ chỉ trực 3 tiếng mỗi 6 ngày, do đó các bác sĩ có thể sắp xếp công việc và gia đình của mình, chăm lo cho người bệnh được tốt. Lịch trực sẽ được nữ hộ sinh điều dưỡng gởi đến từng group người bệnh kèm theo số điện thoại của các bác sĩ trực.
“Chúng tôi luôn có mặt khi người bệnh hỏi bất cứ vấn đề gì thì điều hỗ trợ để người bệnh cảm thấy yên tâm. Khi họ cần oxy hoặc thuốc chúng tôi kết hợp với các nhóm chở tới nhà liền. Như vậy thì họ sẽ từ từ cảm thấy bình tĩnh và an tâm điều trị bệnh. Sự kết hợp của đội ngũ giúp hỗ trợ cùng lúc nhiều người bệnh một cách nhanh chóng, sâu sát và đầy đủ, đồng thời không ảnh hưởng nhiều đến công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện và cuộc sống gia đình của các thành viên trong nhóm”, bác sĩ Khánh Linh chia sẻ.
Bệnh viện dã chiến online qua group zalo điều trị F0 tại nhà - Ảnh:Pháp Bảo |
“Người bệnh khỏi bệnh là động lực để chúng tôi cố gắng”
Từ ngày bắt đầu hỗ trợ chăm sóc điều trị F0 tới nay, bác sĩ Khánh Linh cho biết đã có gần 1.500 bệnh nhân được nhóm hỗ trợ chăm sóc qua Bệnh viện dã chiến online.
Vì thế để đảm bảo chăm sóc đến nhiều ca bệnh mới, bác sĩ Khánh Linhchia sẻ thông thường với một ca bệnh nhẹ không cần thở oxy thì theo dõi tới ngày thứ 10 sẽ không theo dõi nữa, nhưng cũng nhắc người bệnh có vấn đề gì thì liên hệ group zalo tiếp. Còn với những người bệnh thở oxy bắt buộc theo dõi khi nào người bệnh ngưng thở oxy được 3 đến 7 ngày, tuỳ theo nguy cơ của từng người bệnh có thể theo dõi lâu hơn đến khi mọi chỉ số ổn định.
Ngoài hỗ trợ Trạm oxy 0 đồng ở Gò Vấp, Bệnh viện dã chiến online còn liên kết với nhiều nhóm oxy và xe cấp cứu thiện nguyện khác, nhận người bệnh từ nhiều nhóm khác nhau trên toàn thành phố nhằm cung cấp oxy, thuốc và xe cấp cứu chuyển viện cho người bệnh. Đặc biệt, “có những trường hợp gia cảnh khó khăn sau khi điều trị thì Bệnh viện dã chiến online còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ chi phí để người bệnh ổn định cuộc sống”, bác sĩ Khánh Linh chia sẻ. Sự chung tay của cộng đồng (nhóm oxy, nhóm xe thiện nguyện, nhóm nhân viên y tế, nhóm mạnh thường quân) đã giúp cho rất nhiều trường hợp F0 được điều trị khỏi bệnh tại nhà.
Trong quá trình chăm sóc người bệnh, bác sĩ Khánh Linh cho biết có nhiều trường hợp tưởng sẽ không qua khỏi, điển hình như bác 81 tuổi sau gần 1 tháng thở oxy,thở oxy mặt nạ mức cao 15 lít/ phút điều trị tại nhà. Nhiều trường hợp qua khỏi nhờ tình yêu và sự chăm sóc chu đáo của người nhà dành cho người bệnh, sự thông hiểu và tuân thủ của người nhà đối với những chỉ dẫn của bác sĩ, nhờ đó, tinh thần người bệnh ổn định, lạc quan vượt qua bệnh ngoạn mục.
“Chính những trường hợp khỏi bệnh như vậy làm động lực rất nhiều cho chúng tôi. Rồi mỗi ngày Bệnh viện dã chiến online có thêm người bệnh cần được giúp đỡ cũng đã thúc đẩy tôi cũng như các đồng nghiệp vượt qua mọi khó khăn để có thể hỗ trợ được nhiều người bệnh”, bác sĩ Khánh Linh bày tỏ.
“Tôi chăm sóc F0 từ lâu, do cái duyên ban đầu chăm sóc cho bạn bè đồng nghiệp người thân bị F0, sau đó họ giới thiệu những người khác, từ từ nó tạo nên một mạng lưới. Ban đầu có rất nhiều ca bệnh, tôi suốt ngày ôm máy vi tính làm việc, rồi được sự hậu thuẫn của gia đình, đặc biệt là bà ngoại và chồng hỗ trợ chăm sóc con nhỏ nên tôi mới yên tâm điều trị cho người bệnh.
Sau đó thấy một mình không làm xuể, tôi bắt đầu kêu gọi bạn bè đồng nghiệp nhiều nơi trong thành phố cùng làm, và lập nên Bệnh viện dã chiến online. Mọi thứ cứ tới dần dần, duyên tới lôi cuốn tôi làm, rồi bạn bè đồng nghiệp thấy người bệnh cần họ giúp đỡ cũng bị cuốn theo và thấy công việc này rất hữu ích. Hơn nữa bản thân chúng tôi làm trong ngành y, trước giờ thiên chức cứu chữa người bệnh là bình thường. Nên khi làm không phải phân vân suy nghĩ nhiều, có người bệnh thì mình làm thôi.”, bác sĩ Nguyễn Khánh Linh chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Khánh Linh - Ảnh: NVCC |