GNO - Nhiều nghiên cứu cho thấy, tăng cân không chỉ làm thay đổi ngoại hình mà còn dẫn đến nhiều thay đổi đối với não bộ, đáng nói là các thay đổi này đều không có lợi cho não bộ và sức khỏe nói chung. Đó là, béo phì kéo theo nghiện ăn, làm tính khí trở nên nóng nảy hơn, làm giảm trí nhớ và khả năng kiểm soát stress.
Cụ thể như sau:
1 - Béo phì dẫn đến “nghiện ăn”
Tăng cân làm “tê bại” khả năng kháng cự lại đam mê đối với thức ăn giàu đường và chất béo, làm chúng ta ăn nhiều bánh ngọt và bánh kẹo hơn, theo báo cáo của một nghiên cứu gần đây. Điều này cũng giống như nghiện thuốc và chất kích thích, đòi hỏi lần dùng sau với liều lượng nhiều hơn những lần đầu.
Trong một nghiên cứu phát hành cuối tháng 9 năm 2014 trên Tạp chí Thần kinh học, các chuyên gia đã tiến hành scan não của phụ nữ khi họ dùng milkshake - loại thức uống làm từ sữa và gia vị (hoặc kem).
Tăng cân dẫn đến tình trạng thèm ăn không kiểm soát được - Ảnh minh họa
Kết quả cho thấy thức uống có đường này kích hoạt một vùng trên não bộ. Nửa năm sau đó, các chuyên gia lặp lại thử nghiệm này với cùng những phụ nữ đã từng tham gia trước đây, trong số đó nhiều phụ nữ đã tăng cân. Ai càng tăng nhiều cân thì khả năng não phản ứng lại thức uống đó càng ít hơn trong lần thử nghiệm thứ hai.
2 - Béo phì làm ta trở nên nóng nảy hơn
Ở trẻ béo phì, khu vực não bộ kiểm soát sự nóng nảy (orbitofrontal cortex) dường như bị teo lại so với các trẻ có cân nặng bình thường. Kết quả này được báo cáo tại hội thảo hồi đầu năm của Viện Tâm thần học Trẻ em và Thanh thiếu niên tại Hoa Kỳ. Hơn nữa, vùng não này càng teo lại thì thanh thiếu niên có xu hướng ăn càng nhiều hơn.
Dù không chứng minh đây là mối quan hệ nhân - quả nhưng có thể béo phì làm giảm kích thước của vùng não này ở trẻ. Béo phì từng được chứng minh là có tác động đến hệ miễn dịch, làm tăng sự viêm nhiễm trong cơ thể, gây ra tác động lên não, dẫn đến hình thành vòng lẩn quẩn: béo phì làm tăng sự viêm nhiễm, tế bào não bị tổn hại; tế bào não bị tổn hại làm mất khả năng kiểm soát ăn uống, ăn uống nhiều và béo phì…
Đây là khẳng định của tác giả nghiên cứu, bác sĩ Antonio Convit, thuộc Đại học Y khoa New York.
3 - Béo phì làm tăng nguy cơ giảm “dung lượng” não
Theo nghiên cứu đăng trên Tờ Biên niên Thần kinh học (The Annals of Neurology) tháng 5-2014, người có vòng bụng càng lớn thì có nguy cơ giảm trí nhớ khi ở vào tuổi trung niên càng nhiều. Các chuyên gia cho rằng, mỡ làm tăng sự viêm nhiễm và tác động không tốt lên não, làm cho các vùng chức năng của não bị ảnh hưởng, làm cho “dung lượng” của não (brain volume) nhỏ dần.
Các nghiên cứu trước cũng cho thấy người có “dung lượng” não nhỏ hơn thì có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn và kết quả thực hiện các bài kiểm tra tư duy cũng kém hơn.
4 - Béo phì ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát stress
Theo nghiên cứu, chế độ ăn cũng quyết định cách thức não chúng ta phản ứng lại stress. Báo cáo này được đăng trên Tạp chí Khoa học Thần kinh tháng 12-2014.
Nghiên cứu được tiến hành trên vật thử. Các nhà nghiên cứu cho vật thử giảm từ 10-15% trọng lượng cơ thể, rồi sau đó cho tăng cân trở lại. Và khi tiếp xúc với môi trường stress, vật thử đã ăn nhiều hơn so với các vật thử không áp dụng thử nghiệm.
Cũng tương tự như ở người, sau khi tăng cân chúng ta có xu hướng ăn nhiều hơn những lúc bị stress.
5 - Béo phì tác động không tốt đến trí nhớ
Béo phì tác động xấu đến trí nhớ, nhất là đối với phụ nữ sau mãn kinh. Nghiên cứu phát hành hồi tháng 7-2014 trên Tờ The American Geriatric Society, quan sát 8.745 phụ nữ từ 65-79 tuổi, kết quả cho thấy khi chỉ số BMI tăng lên 1 điểm thì sẽ giảm 1 điểm trong bài kiểm tra trí nhớ 100 điểm.
Các chuyên gia lý giải rằng hormone phóng thích từ mỡ làm giảm trí nhớ. Ngoài ra, các hormone này còn làm tăng viêm nhiễm, ảnh hưởng đến sự nhận thức.