Biến chủng Delta bị tiêu diệt nhanh hơn trong cơ thể người đã tiêm vắc-xin

Ảnh minh họa: Shutterstock
Ảnh minh họa: Shutterstock
0:00 / 0:00
0:00
Chủng Delta của virus SARS-CoV-2 gần đây đã làm dấy lên nhiều lo ngại cho mọi người trên thế giới khi tốc độ lan rộng của chúng quá nhanh và khả năng "chọc thủng" hàng rào miễn dịch được tạo ra bởi các vắc-xin hiện tại.

Các câu hỏi gần đây xoay quanh các vấn đề như: vắc-xin hiện tại có còn hiệu lực bảo vệ người được chích hay không? Sự khác nhau như thế nào giữa người được chích vắc-xin và người không chích vắc-xin khi bị nhiễm chủng này? Chúng ta có cần liều bổ trợ thứ 3 hay không?…

Một nghiên cứu gần đây của một nhóm các nhà khoa học ở Singapore được đăng trên website MedRxiv giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vấn đề này. Trong nghiên cứu này họ thực hiện trên 2 nhóm:

- Nhóm 1: 84 người đã được chích ngừa bằng vắc-xin mRNA của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, trong đó có 71 người đã được tiêm chủng đầy đủ 2 liều (sau 14 ngày tiêm liều 2).

- Nhóm 2: 130 người chưa được chích ngừa.

Lượng virus được được ghi nhận tương đối qua giá trị Ct (giá trị Ct càng cao virus càng ít và ngược lại) là “tương tự nhau” giữa 2 nhóm đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng vào thời điểm phát hiện bị nhiễm bệnh COVID-19 qua chẩn đoán.

Tuy nhiên, lượng virus trong những người đã được tiêm chủng giảm nhanh hơn rất nhiều so với nhóm không tiêm chủng. Các kháng thể kháng virus tạo ra trong cơ thể người đã được tiêm chủng cũng cho thấy khả năng nhận biết và trung hòa virus mạnh mẽ, tuy cường độ giảm hơn so với chủng gốc.

Nghiên cứu về tác dụng của vắc-xin đối với biến chủng Delta - Ảnh: NVCC

Nghiên cứu về tác dụng của vắc-xin đối với biến chủng Delta - Ảnh: NVCC

Mặc dù nhóm người đã chích vắc-xin bị nhiễm virus hầu hết có độ tuổi cao hơn (trung bình là 56 tuổi) so với nhóm chưa chích vắc-xin (trung bình là 39.5 tuổi) nhưng tỉ lệ người trong nhóm đã chích vắc-xin cần phải có hỗ trợ y tế (thở oxy) rất thấp so với nhóm chưa chích ngừa.

Tỉ lệ người mắc virus không có triệu chứng ở nhóm đã chích vắc-xin là 28.2%, trong khi đó ở nhóm chưa chích ngừa là 9.2%. Trong nhóm người đã được chích ngừa, tỉ lệ người bị sốt là 40.9%, bị ho 38%, bị đau họng 25.4%, khó thở 1.4%; trong khi đó ở nhóm người chưa chích vắc-xin thì , tỉ lệ người bị sốt là 73.9%, bị ho 60.8%, bị đau họng 33.1%, khó thở 13.1%.

Nghiên cứu này cho thấy rằng các vắc-xin Covid-19 đang được sử dụng hiện nay (ít nhất là vắc-xin của Pfizer/BioNTech và Moderna) vẫn có hiệu quả giúp bảo vệ người được chích ngừa trước biến chủng Delta. Nếu như không may người đã chích ngừa bị nhiễm virus thì các triệu chứng cũng nhẹ và vượt qua dễ dàng.

Lượng virus giảm nhanh trong những người đã chích vắc-xin có thể cho thấy hiệu quả của các kháng thể và tế bào miễn dịch trong việc nhận biết và đào thải virus. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ dựa trên chỉ số Ct để đánh giá lượng virus tương đối trong người bệnh chứ chưa phân biệt được virus còn sống hay đã chết trong đó bằng các thí nghiệm nuôi cấy virus với tế bào, tôi hi vọng các nghiên cứu tiếp theo sẽ làm rõ hơn điểm này.

Vắc-xin vẫn là chìa khóa để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch Covid-19. Biến chủng mới Delta đang làm giảm hiệu quả phần nào của các vắc-xin hiện nay tuy hiệu quả còn lại của những “vắc-xin tốt” vẫn còn khả năng bảo vệ người được chích ngừa cho đến thời điểm hiện nay nhưng hiệu quả thấp của những “vắc-xin kém” hoặc ở những người có “hệ miễn dịch suy yếu” (vắc-xin không thể phát huy hết hiệu quả dù đã chích đủ liều) là điều đáng lo ngại.

Do vậy, mới đây ở Mỹ đã bắt đầu chích liều thứ 3 cho những người “bị suy giảm miễn dịch” để hi vọng có thể đẩy mạnh hơn hiệu quả bảo vệ của vắc-xin đã chích trước đó cho những nhóm người có nguy cơ cao này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày