Biết đâu nguồn cội

GN - Thành phố Spring bang Texas những ngày cuối năm nhiều sương mù, thỉnh thoảng có những cơn mưa phùn dễ gây nhớ nhà bất tử…

Như sáng nay, giữa màn sương trắng buốt che kín mọi ngả đường, tôi lái xe đến một quán bún để hít hà mùi mắm ruốc, mùi sả, để cảm nhận mẹ vẫn ở rất gần. Mẹ tôi nấu bún bò ngon nhất trần đời. Vừa bước vào quán bỗng nghe câu hát từ một giọng ca đã đi vào nghìn trùng Ngọc Lan: “Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội”.

IMG_9390.jpg

Có những ngày thật sự lạc lõng và chơi vơi, tôi hay hỏi con gái: “Con có muốn về Việt Nam không?”. Bé cười: “Con ở đâu cũng được, miễn có mẹ ở đó”. Ô, câu trả lời hay quá, tôi còn không biết nghĩ như thế, và để mẹ tôi ở lại quê nhà trong thương nhớ. Con đã dạy cho tôi một khái niệm giản dị rằng, ở đâu có mẹ có gia đình thì ở đó là quê hương...

Thường là vậy. Các cảm xúc trong cuộc sống này rất dễ kết nối với nhau một cách vô hình. Không phải ngẫu nhiên mà một ngày mây xám trời buồn, tôi lại ghé một quán ăn quê hương, lại vào đúng lúc đang mở bản nhạc Biết đâu nguồn cội. Tất cả chúng ta, từ tấm thân trần hiện thực cho đến tâm trí phiêu bồng đều có mối liên kết với nhau, không tách rời.

Xa xứ hẳn là một cảm giác chênh vênh. Lòng thì muốn ở, lý trí lại muốn đi. Nhìn đất nước với ô nhiễm môi trường, thực phẩm nhiễm bẩn, giáo dục xuống cấp, và các vấn đề xã hội khác thì lại chỉ muốn trốn chạy. Nhưng khi nghĩ về quê hương với những tình cảm gia đình, bà con thân thuộc, bạn bè, lối xóm… biết bao quen thuộc thân thương lại chỉ muốn quay về. Thân tâm trí của con người thực sự chưa bao giờ rạch ròi được, nó luôn đan xen nhau không dứt.

Nhớ có lần đi thiền hành tại một ngôi chùa Việt thuộc phái Trúc Lâm ở Houston, đi ngang qua vườn trúc non xanh mới được trồng lên, cảnh vật hiền hòa như ngày thơ bé ở Việt Nam, chị đi trước ngoái đầu nhìn tôi, cười trìu mến: “Em ơi, chị thích quá, cứ y như đang đi bộ ở quê, hồi xưa trong làng của chị toàn trúc và tre”. Tôi hỏi: “Bao lâu rồi chị chưa về Việt Nam?”. “Hơn 5 năm rồi em, tại lu bu công việc mà chị cũng không có dư dả ”. Nói đến đó thì thôi, hai chị em lại im lặng bước đi. Lẽ ra phải tuyệt đối im lặng đi trong chánh niệm, nhưng tâm trí thì luôn nhảy múa trong từng giây phút, nỗi nhớ quê cứ luôn ở đâu đó như chực trào ra chỉ cần có một tác động nhỏ mà thôi.

Như bữa trước, cô bạn gọi điện hớn hở khoe đã mua vé về Việt Nam ăn Tết, hỏi có gửi gì về Sài Gòn không, tôi nghe mà tự nhiên lòng cồn cào. Tâm trí tôi nhớ mùi chè hạt sen bà ngoại nấu đón giao thừa, nhớ hoa huệ nở thơm hòa với mùi hương trầm trên bàn thờ Phật sáng mồng một, nhớ miếng mứt gừng Huế cay nồng dùng chung với trà lài thanh tao… Chiều hôm đó, tôi phải đi chợ Mỹ mua gói trà gừng để tìm chút hơi ấm của quê nhà khi tiết trời đông giữa Spring đang lạnh. Có những ngày thật sự lạc lõng và chơi vơi, tôi hay hỏi con gái: “Con có muốn về Việt Nam không?”. Bé cười: “Con ở đâu cũng được, miễn có mẹ ở đó”. Ô, câu trả lời hay quá, tôi còn không biết nghĩ như thế, và để mẹ tôi ở lại quê nhà trong thương nhớ. Con đã dạy cho tôi một khái niệm giản dị rằng, ở đâu có mẹ có gia đình thì ở đó là quê hương.

Sống ở Mỹ, châu Âu, châu Á hay Việt Nam thì đều là hình tướng bên ngoài. Ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế cũng chỉ là hình tướng bên ngoài. Màu tóc màu da hình dáng cao lớn hay nhỏ bé cũng chỉ là hình tướng bên ngoài. Sự khác biệt bên ngoài vốn chỉ làm cho tâm phân biệt có cơ hội phát triển. Tâm phân biệt càng lớn mạnh thì ta càng bị trói buộc vào định kiến, vào ái và thủ. Càng chú tâm vào cái bên ngoài chỉ càng làm cho ta mất phương hướng. Bên trong ta là ai, thương điều gì, sống vì điều gì có lẽ quan trọng hơn.

Trên hết, khi nhìn sâu vào bên trong, chúng ta đều giống nhau, dù ở đâu thì vẫn phải sống trọn kiếp này với phước báu mà mình có. Phước báu ít, nhiều gian nan. Phước báu nhiều, ít sầu muộn. Và phải tu tập để có cơ hội chuyển hóa phước báu của mình từ ít sang nhiều. Mỗi cá nhân đều phải giải mã cho công án của đời mình, bằng cách biết chấp nhận thực tế cuộc sống, thực tập lòng biết ơn và tình yêu thương có chánh niệm với những người sống quanh ta. Đó chính là tu tập.

Đức Phật suốt cuộc đời vĩ đại của Ngài cũng chỉ muốn các Phật tử phát triển tâm từ bi với tất thảy chúng sanh, coi tất cả chúng sinh đều bình đẳng như nhau. Khi hiểu rõ điều đó, thế giới này đều là quê hương. Thấu cảm rồi, ta không còn bận lòng ở bên này hay ở bên kia. Nào ai biết cội nguồn thực sự của mình là ở đâu, nào ai hay cha ông gốc gác của mình phương nào. Lúc còn vơ vẩn giữa luân hồi, ta đã trôi dạt từ phương Bắc sang phương Nam để tìm nơi trú ngụ. Hành trình thực ảo tương duyên từ các phương cứ thế mà xoay chuyển, như sự chuyển động không ngừng của vũ trụ, của thời gian, của thiên nhiên. Cuối cùng, giá trị nhất là sống với giây phút hiện tại cho một đời sống ý nghĩa.

Nếu quê nhà, vì lý do nào đó không thể dung chứa một con người đầy mộng tưởng mà phải tha hương, thì kẻ tha hương ơi, hãy sống thật tốt đẹp để ngày trở về, dù ở lứa tuổi nào, cũng cảm thấy thong dong mãn nguyện trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn.

 Bùi Lan Xuân Phượng (Hoa Kỳ)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày