Bố thí mà không thấy người bố thí

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1158 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1158 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hạnh “bố thí” là một trong sáu hạnh của Bồ-tát làm phương tiện đưa đạo vào đời, đem lại niềm vui và xoa dịu nỗi đau của chúng sanh.

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang: “Bố là lấy của cải của mình phân phát cho người khác; thí là đem lòng của mình lo lắng cho mọi người” [1, tr.570]. “Bố thí” đơn giản là mở lòng ra đối với mọi người xung quanh, là điều kiện tất yếu vượt qua tập khí tham chấp, khổ đau. “Bố thí” có ba loại: tài thí; pháp thí và vô úy thí. Tu tập hạnh bố thí thì diệt trừ được lòng tham lam, ích kỷ, thể nhập tánh đại bi bình đẳng, đem lại ấm no cho chúng sanh, không còn buồn lo, sợ hãi.

Hành hạnh “bố thí” tuy nghe dễ tức là có tiền, có của cải thì bố thí. Nhưng làm thế nào “bố thí mà không thấy người bố thí” tức không an trụ vào “bố thí”, đạt đến cái “tánh không”. Trong kinh Kim cang, Đức Phật dạy: “Thiện Hiện, đối với các pháp, Bồ-tát không nên trú ở đâu cả mà làm bố thí. Không ở nơi sắc mà làm bố thí, không ở nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà làm bố thí. Trưởng lão Thiện Hiện, Bồ-tát hãy nên bố thí như thế: không ở đâu cả. Tại sao như vậy, vì nếu Bồ-tát không ở đâu cả mà bố thí thì được phước đức không thể lường được” [2, tr.23-24].

Vậy làm thế nào để bố thí mà không trụ trong sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp? Hoạt động của Bồ-tát chủ yếu là độ thoát chúng sanh, nhờ nhận thức sự thật của vạn pháp, không còn bị che lấp bởi tự ngã, không bị che phủ bởi u mê. Cho nên khi hành “bố thí” không đặt cái tâm mình vào vật mình cho, không dựa vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đó là lục trần bao hàm lục căn và tương quan lục thức. Đây chính là “bất trụ ư sự” là cái thấy “tánh không” sống trong “tánh không” và hành bố thí cũng chẳng rời “tánh không”.

Mặt khác, “bố thí hạnh” cần phải hành bốn vô lượng tâm, tiếp đến là hành bốn nhiếp sự và cuối cùng là hành sáu ba-la-mật. Mục đích “bố thí” của kinh điển Nguyên thủy, phá trừ tâm tham lam, tánh bo bo, ích kỷ của cá nhân, để thoát khỏi cảnh nghèo khổ, đói kém ở đời sau.

Đến Đại thừa Phật giáo “bố thí” liên kết với “đại bi tâm” đưa chúng sanh giác ngộ giải thoát. Đối với bốn tâm vô lượng đó chính là tình thương mà đặc biệt tình thương này là tình thương của người mẹ đối với con. Cũng vậy, từ tâm của người hành “bố thí” giống như tình thương của người mẹ nuôi con, khi con lớn rồi còn để lại gia tài cho con, mong muốn cuộc sống của con về sau được hạnh phúc.

Tiếp đến là bi tâm, thấy cái khổ của người khác như cái khổ của mình, đó chính là tâm xúc động, tâm đại bi, tâm rung động đến cái khổ của người khác và muốn cho họ bớt khổ, muốn thay họ chịu khổ, cho đến tâm hỷ tâm xả cũng như vậy. Người hành bốn vô lượng tâm này thuần túy như rải tâm từ, từ thấp đến cao.

Trước tiên là rải tâm từ cho người thân sau rồi đến người sơ, đấy chính là nhân cách rộng tình thương. Đối với bốn nhiếp sự: bố thí; ái ngữ; lợi hành và đồng sự, bốn sự nhiếp này là mô thức, phương tiện tốt đẹp giúp cho đời sống tập thể đoàn kết hơn. Đồng thời bốn nhiếp sự này chính là cầu nối thực hành sáu ba-la-mật thành tựu. Mà ba-la-mật là tánh chất của những nhân vật phi thường nó xuất phát từ trí tuệ và lời nói của người thấy và biết. “Này Sumedha, nếu người muốn chứng đắc đạo quả tuệ và nhất thiết trí thì trước tiên người nên thường xuyên an trú trong pháp bố thí ba-la-mật và nỗ lực thực hành viên mãn pháp ấy” [6, tr.82].

“Bố thí ba-la-mật” là pháp quên mình trong hạnh bố thí. Tức “bố thí” với tâm niệm vô ngã, vô nhơn, vô chúng sanh, vô thọ giả. “Bố thí” không để tâm vướng vào “tôi”, của “tôi”, tức là đình chỉ mọi vọng niệm về một bản ngã cố hữu, không chấp trước vào thân ngũ uẩn này. Mà thân ngũ uẩn này vốn không thì không mong cầu báo ân, đó là thí không. Người bố thí đã không thật thì làm sao có thật người nhận bố thí và vật dùng để thí cũng không, do đó không sanh tâm kiêu mạn, tham lam, hối tiếc. “Bố thí” mà chấp trước thì phước đức hữu lậu nhưng “bố thí” không chấp trước thì phước đức không thể nghĩ bàn.

Hành “bố thí ba-la-mật tùy theo cơ duyên, tùy theo đối tượng, tùy theo tâm niệm của mỗi loại chúng sanh riêng biệt. Đây chính là phẩm tính của Bồ-tát đó là “trí tuệ” (prajnà). Lòng từ bi rất quan trọng, nếu như từ bi càng lớn, càng mạnh mẽ thì sự hy sinh càng cao. Nhưng từ bi phải đi đôi với trí tuệ, từ bi (maitreya) và trí tuệ (prajnà) giống như đôi cánh của con chim, nếu thiếu một trong hai cánh thì chim không bay được.

Cũng vậy, từ bi và trí tuệ là hai phẩm tính không thể thiếu đối với người hành Bồ-tát đạo. Bố thí đạt đến “không tánh” nên đi giữa từ bi và trí tuệ không thiên lệch bên nào cả, cho nên cả hai cùng song song tồn tại, như Edward Conze nói: “Bồ-tát là một tổng hợp của hai lực mâu thuẫn, đó là trí tuệ và từ bi. Trong trí tuệ của ngài, ngài không thấy người nào; trong từ bi của ngài, ngài quả quyết cứu vớt tất cả. Khả năng phối hợp những thái độ mâu thuẫn này là nguồn gốc của sự vĩ đại, là khả năng tự độ và độ tha” [5, tr.224].

Qua đó cho thấy từ bi và trí tuệ tuy hai mà một, nhờ có trí tuệ mà Bồ-tát thể nhập “tánh không”, và cũng nhờ thể nhập “tánh không” mà đại bi tâm của Bồ-tát tăng trưởng. Vì vậy có thể nói: “Từ bi trí tuệ bát-nhã mà phát sinh ra đại từ đại bi của chư Phật”.

“Bố thí mà không thấy người bố thí” là “bố thí” rốt ráo, là sự thấu suốt bản tánh của các pháp, các hiện tượng là “vô tự tánh”, “tánh không”. “Tánh không” ở đây, là quá trình thực hành bố thí, cho đến hành động tự tại và thành tựu kết quả ấy. “Tự tại” nghĩa là hiểu rõ vạn pháp giai không, nhờ giác ngộ như vậy mà thấy gốc khổ đau và con đường thoát khổ đau xa lìa tham ái và chấp trước ngũ uẩn.

“Tự tại” là không chấp trước vào hình sắc tướng mạo, không chấp vào âm thanh nghe thấy, không chấp trước vào mùi hương, không để ý đến vị ngon dở và cũng chẳng có sự phân biệt lớn nhỏ nặng nhẹ và chẳng còn niệm chấp trước pháp. Bố thí như vậy là thông đạt “tánh không” không trú vào tất cả vạn pháp , tránh xa chấp trước. Cho nên Nhân Trung luận viết: “người bố thí, người nhận bố thí và vật bố thí đều là đại tính không, nếu an trú trong cảnh giới như vậy mà hành trì bố thí, thì đó chính là bố thí ba-la-mật đích thực, là tối cứu cánh”.

“Bố thí mà không thấy người bố thí” nghĩa là “không trú tướng cũng không xả tướng” [3, tr.257]. Tướng ở đây chỉ cho người cho, người nhận và vật cho là mục đích và quả báo. Nếu như trú tướng tức chấp có, mà xả tướng thì chấp không, mà hồi hướng “bố thí” như vậy thì không đúng với tâm lý và mục đích của hồi hướng bố thí.

“Bố thí” không còn ở nghĩa làm ơn cho người khác mà còn diệt trừ xan tham nơi tự thân và chấp chặt ngã, ngã sở. Mà “bố thí” là con đường hành Bồ-tát đạo luôn lấy an lạc chúng sanh làm đối tượng, là nền tảng của sự tỉnh thức, “lòng từ bi rộng lớn” và là yếu tố không thể thiếu để liễu hội “tánh không”.

Trên đây tuy nói từ “bố thí độ”, nhưng thực tế thì lục độ đều hành trì. Như vậy: “với sự bố thí về tài sản mà bố thí ba-la-mật được thành tựu, với sự bố thí về vô úy mà giới ba-la-mật và nhẫn ba-la-mật được thành tựu và với sự bố thí về pháp mà tinh tấn ba-la-mật, định ba-la-mật và trí tuệ ba-la-mật được thành tựu” [4, tr.87].

Thật vậy, đối với người con Phật dù xuất gia hay tại gia muốn thành tựu trí tuệ cứu cánh, giác ngộ giải thoát thì phải trải qua quá trình thành tựu “bố thí” thanh tịnh đúng pháp “tam luân không tịch”. Đặc biệt, đối với người xuất gia ngoài việc cứu tế vật chất (tài thí), dũng cảm đối mặt với khó khăn của cuộc đời, không lo âu, phiền muộn (vô úy thí), thì hành giả phải ban phát cho mọi người những bữa ăn đầy dưỡng chất pháp vị (pháp thí), độ thoát chúng sanh thoát ly sanh tử, liễu ngộ được thật tướng của vạn pháp, làm nhu nhuyến tâm ý, dễ thích ứng với các thiện pháp.

Tuệ Nguyệt

(Huệ Tường, học viên cao học Phật học khóa I

Học viện Phật giáo VN tại Huế)

---------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 3, 4, Nxb.Tổng Hợp TP.HCM.

2. Tỷ-kheo Trí Quang dịch (2012), Kinh Kim cang, Nxb.Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh.

3. Trưởng lão Tỷ-kheo Trí Quang dịch (2017), Kinh Ánh sáng hoàng kim, Nxb.Hồng Đức.

4. Tuệ Sỹ (2018), Thắng Man giảng luận, Nxb.Hồng Đức.

5. Edward Conze, Chân Pháp Nguyễn Hữu Hiệu dịch (1970), Tinh hoa và sự phát triển của đạo Phật, Ban Tu thư Đại học Vạn Hạnh xuất bản, Sài Gòn.

6. Mingun Sayadaw, Tỳ-khưu Minh Huệ biên dịch (2018), Đại Phật sử, tập 1.A, Nxb.Hồng Đức.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày