Bố thí, trì giới & hành thiền

GN - Đức Phật thấy rằng con người bị tham lam, sân hận và si mê làm chủ khiến họ làm hại bản thân và người khác - trở nên vô nhân đạo.

Đức Phật cũng nhận ra rằng hầu hết con người có khả năng hành động một cách vô tư với lòng nhân ái, từ bi, và tâm trí con người có thể trở nên trong sáng và định tĩnh.

aNHBUT.jpg

Đặc biệt Đức Phật cũng thấy rằng chỉ con người là có khả năng phát triển trí tuệ thông qua việc luyện tâm. Vì lòng từ bi, Đức Phật đã thiết lập ba phương cách tu tập, được biết đến trong ngôn ngữ Pali là punna, hay các hành động tạo công đức, hỗ trợ đặc tính “người” (nhân bản) của chúng ta, giúp ta có một tâm trí rõ ràng, và phát triển kiến thức nhân bản đặc biệt hay trí tuệ giác ngộ.

Thực hành punna là căn bản của cuộc sống thanh tịnh, cao cả của con người. Có ba loại punna là bố thí, trì giới và tu thiền - ba loại này có thể tóm lại thành định và tuệ. Tất cả chúng ta đều muốn có một cuộc sống thanh cao, phải không? Chúng ta không muốn sống hạ cấp.

Punna đầu tiên là bố thí (dana), hay rộng lượng, cần phải là một sự thực hành có hệ thống. Bố thí cần được thực hiện mà không mong cầu sự đáp trả và không bám chấp vào những gì đã cho ra. Điều đó sẽ giải thoát ta khỏi lòng tham ích kỷ. Thêm nữa, nếu ta cho với lòng từ bi, dana sẽ giải thoát tâm khỏi sân. Khi dana tràn đầy từ bi, nó chống lại sự nhẫn tâm.

Ta càng thực hành bố thí nhiều bao nhiêu, ta càng ít thiên về các hành động gây hại thúc đẩy bởi lòng tham, sân và ác tâm không kiểm soát. Người bố thí một cách tự nhiên bằng tâm trong sạch sẽ thoát khỏi các hình thức cực đoan của tham, sân và si. Người đó sẽ dễ dàng kiềm chế không sát hại, trộm cướp, và các hành vi bất thiện nặng. Do đó, bố thí là nền tảng cho đạo đức.

Tuy nhiên, chỉ hành bố thí không thôi thì chưa đủ để thanh lọc tất cả các hành động do thân, khẩu và ý gây ra. Do đó, Đức Phật đã dạy về điều thiện thứ hai: sila, hay giới. Sila cũng là một phương cách tu tập có hệ thống, ít nhất là giữ năm giới. Năm giới này là: không sát hại, không trộm cướp, không làm hại người (hay để cho bản thân bị hại) qua đường tình dục, không nói dối hay nói lời thô lỗ, và cuối cùng là không sử dụng chất gây say, gây nghiện.

Sila có nghĩa là kiềm chế thân và khẩu. Là chúng sinh, chúng ta là những sinh vật sống bầy đàn với nhau trên hành tinh này. Chắc chắn là không chúng sinh nào muốn bị hại, bị khổ. Do đó, mỗi cá nhân phải làm chủ lời nói và hành động của mình; không ai thay ta làm được việc đó. Mỗi người chúng ta phải quán niệm hành động mình như sau: “Nếu điều đó xảy ra cho tôi, tôi sẽ không chịu nổi. Người khác cũng thế. Nên tôi sẽ không làm thế”. Có thể chúng ta phải cần sự can đảm để kiềm chế bản thân nếu bản năng muốn làm hại của ta quá mạnh mẽ.

Người Tây phương có thể không quen nghe điều này, nhưng trong văn hóa Phật giáo, cảm giác xấu hổ và sợ tội (tàm & quý) được coi là đúng đắn, lành mạnh. Khi ta nhận ra tâm tham, sân và si, lòng sợ phạm đạo đức sẽ khiến ta cẩn trọng tránh để bị chúng lôi cuốn. Mặt khác, tâm xấu hổ vì phạm giới, là sự quay nhìn lại. Nếu ta nhận ra mình đã làm điều bất thiện và cảm thấy xấu hổ về điều đó, thì ta sẽ hành động khác đi trong tương lai. Người có tâm tàm và quý sẽ cố gắng hết khả năng để giữ sila, các giới luật.

Thực ra, những người không có căn bản đạo đức thật đáng khinh! Dầu họ có đeo trang sức đắt giá, quần áo sang trọng, họ cũng không hấp dẫn và gây bực bội cho người. Như thể là họ có mùi hôi. Ngược lại, giới hạnh giống như hương thơm hay vòng hoa. Có câu nói rằng: “Giới luật khiến người giữ nó đẹp lên”. Sila cũng giúp ta tránh khỏi các đọa giới, trong khi những người không có căn bản đạo đức sẽ đi đến các cõi khổ, không được hạnh phúc. Ta có thể nghĩ đến các hành động bất thiện như là đồ ăn độc hại sẽ đưa đến những hậu quả chết người. Do đó giới luật là thứ ta cần nương tựa suốt cuộc sống của mình.

Thời Đức Phật còn tại thế, một vị thiên đã hỏi Ngài dưới hình thức một câu hỏi đố: “Điều gì tốt cho đến khi tuổi già?”. Và Đức Phật trả lời, “Sila”- Giới.

Thật vậy, giới luật tốt cho ta từ khi mới lọt lòng cho đến tận giây phút cuối đời. Chúng là một trong những trách vụ quan trọng nhất mà con người có thể đảm nhận. Không chỉ Phật tử cần đến sila - giữ giới mà cả thế giới cần đến chúng. Giới luật khiến con người thực sự nhân bản.

Không lấy giới luật làm nền tảng, ta không dễ định tâm và phát triển trí tuệ cao hơn. Khi ta thực hành kiềm chế các hành động của mình, ta sẽ cảm nhận được các khuynh hướng tham, sân và si nguy hiểm và tạo bao đau khổ đến nhường nào. Tâm bố thí làm suy yếu các khuynh hướng này, như ta đã thấy ở trên. Nhưng để thanh lọc và thăng hoa tâm hoàn toàn, Đức Phật đã chỉ bày cho ta sự tu tập để có công đức thứ ba. Đó là bhavana, hay sự phát triển tâm. Nếu ta thực hành thiền định, ta sẽ thấy tâm trở nên thanh tịnh, rõ ràng. Người đã phát triển được định, được cho là có “tâm thức trong sạch của con người”. Từ tâm định căn bản này, ta có thể tiếp tục phát triển tuệ, sự hiểu biết đặc biệt của con người.

Bố thí là nền tảng của giới luật. Giới luật giống như cái miệng để chúng ta đem vào thực phẩm ngon, bổ cho định và tuệ. Nếu miệng bị thương hay đầy ung nhọt, ta sẽ khó ăn uống; nếu hoàn toàn không có miệng, thì điều đó là bất khả thi. Nhưng trong ba thiện pháp, sila (giới luật) là quan trọng nhất - vì sila bảo vệ thế giới của từng cá nhân, cũng như thế giới rộng lớn hơn quanh ta.

Rất đáng cho chúng ta quán tưởng về tất cả những nguy hại mà con người tạo ra. Nếu chỉ phân nửa nhân loại trên thế giới dừng lại việc sát hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối và sử dụng các chất gây nghiện, thì thế giới này sẽ bình yên biết bao! Nếu chúng ta biết tán thán sự thanh tịnh của việc tránh các bất thiện và đánh giá cao kết quả của việc giữ giới, chắc chắn là ta sẽ muốn nỗ lực làm thế. Sila có bốn đặc tính của một pháp hành quan trọng:  Cần phải được thực hiện, không thể bị bỏ qua. Cần phải tự mình làm, không để cho người khác làm; Cần phải làm đúng lúc, thường xuyên. Và cần phải mang lại nhiều lợi ích.

Mong là tất cả nhân loại có thể ít nhất giữ năm giới này một cách trong sạch!

Sayadaw U Pandita & Kate Lila Wheeler

Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
(Chuyển ngữ theo Acts That Purify Our Existence: Dana, Sila, and Bhavana,
Tạp chí Tricycle 22-7-2019)

Sayadaw U Pandita (1921-2016) là một Tỳ-kheo thuộc truyền thống Nguyên thủy. Ngài xuất gia tại một ngôi chùa xa xôi hẻo lánh của xứ Miến Ðiện lúc vừa lên bảy. Từ đó ngài chuyên cần tu tập trong cả pháp học lẫn pháp hành và trở thành một trong những vị thiền sư lỗi lạc nhất theo truyền thống Mahasi Sayadaw.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày