Bước qua cửa tử để trở về

Quỳnh Lê luôn đội nón khi đến với các bệnh nhi vì nhiều lần, khi thấy mái tóc dài của Quỳnh, các bé cứ nhìn chằm chằm ước ao, làm Quỳnh luôn không cầm được nước mắt
Quỳnh Lê luôn đội nón khi đến với các bệnh nhi vì nhiều lần, khi thấy mái tóc dài của Quỳnh, các bé cứ nhìn chằm chằm ước ao, làm Quỳnh luôn không cầm được nước mắt
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Vừa hoàn tất công việc ở Đài Truyền hình TP.HCM, MC - Biên tập viên, diễn viên Quỳnh Lê lại vội vã đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đồng hành với các bệnh nhi ung thư. Sự xuất hiện của Quỳnh luôn đem đến cho mọi người niềm vui, bởi nụ cười rạng rỡ và ấm áp tình thương.

Cuộc phỏng vấn của Phóng viên báo Giác Ngộ và Quỳnh Lê diễn ra nhanh chóng, trong lúc di chuyển từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM về Thư viện sách nói cho người mù (do cô Hướng Dương thành lập). Trên chuyến xe đặc biệt này, Quỳnh chia sẻ:

- Quỳnh có cơ duyên được cha mẹ cho đến ở trong chùa lúc bé. Quỳnh ở trong chùa, ăn cơm trong chùa, ngủ trong chùa luôn nên được quý Sư dạy cho rất nhiều về tình yêu thương. Khi bắt đầu học cấp 1, sống với ba mẹ, ba mẹ đã dạy Quỳnh cách tặng thức ăn cho những cụ già và chia sẻ phần ăn đến những bạn bán vé số. Học cấp 2, Quỳnh đã biết phải bảo vệ những bạn ốm yếu hơn mình. Lên đến cấp 3, Quỳnh tham gia nấu cơm cho người khó khăn, người bị tâm thần, Quỳnh rất hạnh phúc.

Lúc học đại học, Quỳnh đứng ra tổ chức các chương trình thiện nguyện, tổ chức ra lớp học tình thương dạy cho các bé ở khu xóm nghèo – xóm ve chai Sở Thùng, tìm học bổng cho trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo lang thang cơ nhỡ. Sau này khi làm việc tại Đài Truyền hình thành phố, Quỳnh thực hiện lan tỏa thương yêu được nhiều hơn và chia sẻ nhiều hơn. Thời gian của Quỳnh dường như kín hết tất cả thời gian trong ngày.

* Với lịch trình dày đặc như hiện nay Quỳnh có thấy mình sống vội?

- Quỳnh không cảm thấy sống vội, mà đang sống đầy. Quỳnh đặt mục tiêu mình muốn làm và phân định rõ ràng các đầu việc, nên dù trong ngày có bận rộn cách mấy mình cũng không cảm thấy cuộc sống mình vội vã, mình chỉ thấy bản thân làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn. Ví dụ như: việc gì kiếm sống, việc gì cho thiện nguyện, việc gì cho đam mê, việc gì cho tái tạo năng lượng, Quỳnh phân chia chi tiết.

Sở dĩ Quỳnh làm nhiều vì Quỳnh thấy cuộc đời rất vô thường. Có những việc nếu mình nghĩ “vội quá” thôi để từ từ làm, hay hôm nay làm nhiều quá rồi, để ngày mai, thì ngày mai mình không biết là có còn thở hay không? Quỳnh chứng kiến rất nhiều cuộc ra đi như vậy, trong phút chốc mình không nghĩ tới. Như chuyện hồi tháng trước, mình vô Bệnh viện Nhi Đồng 2 hát ca, chơi với các bé, dạy cho các bé học nhưng tháng này có bé mất rồi. Nên Quỳnh không muốn việc làm được hôm nay lại để ngày mai, để không phải nói hai tiếng “giá như” hay tiếc nuối.

Quỳnh Lê tại phòng thu âm của Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù

Quỳnh Lê tại phòng thu âm của Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù

* Thành đạt, thực hiện được nhiều việc làm thiện nguyện, có thể nói cuộc sống của Quỳnh là điều mà nhiều người mong ước. Quỳnh có thể chia sẻ bí quyết được không?

- Thật ra cuộc sống của Quỳnh cũng như nhiều người, trải qua nhiều thăng trầm và có nhiều biến cố. Nhưng may mắn là Quỳnh đã bước qua bằng nghị lực cá nhân và sự tiếp sức của nhiều người.

Tháng 10-2022, trong đợt luyện tập đi thi đấu cho đội tuyển thể thao thì Quỳnh bị tai nạn, gãy 2 đốt chính C5, C6 của xương cổ - đó là hai đốt quan trọng để nối cổ với thân và Quỳnh đã rơi vào trạng thái ngưng thở. Khi đưa vào Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình cấp cứu, mọi người đều tưởng Quỳnh sẽ không thể qua khỏi. Bác sĩ đã hỗ trợ chỉnh xương cho Quỳnh, điều trị bằng rất nhiều phương án, ba tháng sau Quỳnh sang Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ điều trị.

Trong thời gian bị nạn, nằm 6 tháng trời cứ ngỡ Quỳnh đã không còn niềm tin gì để sống. Nhưng vì những cuộc gọi của các chương trình thiện nguyện, họ không biết Quỳnh bị nạn nên họ nói “đợi Quỳnh tiếp tục làm các chương trình thiện nguyện cho bé mồ côi, bé lang thang cơ nhỡ”. Đó là một trong những sự đánh thức, Quỳnh thấy rằng mình cần làm gì đó cho các em, Quỳnh đã dùng ý chí cùng các phương pháp điều trị mới hồi phục nhanh như vậy.

Đến bây giờ khi đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe, bác sĩ cũng rất ngạc nhiên vì sự hồi phục của Quỳnh. Bởi người bị trường hợp tương tự Quỳnh đều rất khó giữ mạng sống hoặc phải liệt hết tứ chi.

Với kỳ tích này Quỳnh cũng mong là những bạn trẻ khi gặp bất kỳ trở ngại gì, tai nạn gì cho dù là lớn đi chăng nữa thì chỉ cần mình sống lành, tin vào nhân quả của Phật pháp thì chắc chắn kỳ tích sẽ xuất hiện.

* Được biết Quỳnh ăn chay trường từ nhỏ, thường chủ động thực hiện mọi việc. Có bao giờ Quỳnh thấy cô đơn?

- Mình không cô đơn, vì mình có người thân và nhiều bạn tốt. Dù có những lúc mình không chia sẻ được với ai đi chăng nữa thì mình vẫn không cảm thấy cô đơn, bên cạnh mình luôn có Đức Phật và quan trọng hơn hết là mình là bạn của chính bản thân mình; mình độc thoại với chính bản thân để thay đổi, tìm đến cảm xúc tích cực.

Khi trải nghiệm cuộc sống, Quỳnh đúc kết được rằng, cô đơn của mình xuất phát từ suy nghĩ của mình, sự ngộ nhận của mình. Quỳnh có lúc nghĩ rằng gia đình mình không quan tâm, hỏi thăm khi Quỳnh bệnh, thậm chí Quỳnh từng hờn mẹ, hờn chị của Quỳnh và cảm xúc tiêu cực xuất hiện. Nhưng thật ra, khi quán chiếu, Quỳnh thấy rằng khi Quỳnh bệnh, sáng ra có tô cháo, có ly nước, có thuốc ngay cạnh giường, không ăn là bị chị chửi. Đó là sự quan tâm, chẳng qua là gia đình mình không thể hiện bằng lời nói, mà bằng hành động.

Quỳnh muốn chia sẻ rằng, hạnh phúc hay không, cô đơn hay không là do mình suy nghĩ. Khi mình hướng đến điều tích cực, mình điềm tĩnh suy nghĩ, không có sự tức giận chen ngang thì mình sẽ sáng suốt và dễ dàng nhận diện được tình thương đang bao phủ xung quanh mình, có hạnh phúc hay không còn là sự lựa chọn của mình nữa.

* Nếu có một thông điệp, Quỳnh muốn chia sẻ điều gì với bạn trẻ trong quá trình kiến tạo hạnh phúc?

- Mục tiêu mỗi ngày của Quỳnh đó là đem đến thêm niềm vui cho những người đang có số phận kém may mắn, để họ có cơ hội làm mới cuộc đời, và cùng Quỳnh nở nụ cười tươi.

Một trong những điều Quỳnh cảm thấy may mắn là chia sẻ được cho xã hội bằng chính nghề nghiệp của mình. Giọng nói giúp cho Quỳnh có công việc ở đài truyền hình để lo cho cuộc sống, và Quỳnh dùng giọng nói của mình để góp sức cùng thư viện sách nói Hướng Dương đem đến ánh sáng tri thức cho người mù. Quỳnh xúc động khi có nhiều bạn khiếm thị tâm sự rằng rất thích nghe Quỳnh đọc và nhờ những cuốn sách Quỳnh đọc mà bạn học lên đến cao học luôn chứ không chỉ là đại học.

Mỗi người đều có một sở trường để mưu sinh, Quỳnh nghĩ ai cũng có thể cống hiến thêm cho xã hội bằng điều mình có và tìm thấy hạnh phúc ngay tại thời khắc đó. Sở dĩ Quỳnh tự tin chia sẻ điều này vì nhiều lần Quỳnh bắt gặp hình ảnh cô bán xôi, chị bán bắp dù mưu sinh vất vả nhưng vẫn có thể chia một trái bắp, một gói xôi cho người kém may mắn hơn. Hạnh phúc cả người trao và người nhận. Nhiều bạn sinh viên đã nhờ gói xôi như vậy mà tốt nghiệp.

Quỳnh muốn nhắn gửi đến bạn trẻ, hãy sống hết mình, nhẹ nhàng hành động cho đi, bởi vì nó tương đồng với hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Thiện Thông thăm hỏi, động viên bà con có hoàn cảnh khó khăn TP.Trà Vinh

Chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu) trao quà tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre

GNO - Sáng 23-11, đoàn từ thiện chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Thượng tọa Thích Thiện Thông, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Liên Trì làm trưởng đoàn đã đến trao quà đến trẻ em và người già neo đơn tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre.
Chùa Thầy (Hà Nội)

Mái chùa che chở hồn dân tộc

NSGN - Bài thơ Nhớ chùa là một tác phẩm bất hủ của thơ ca Phật giáo Việt Nam. Bài thơ này đi vào lòng người mến đạo một cách dịu dàng và nồng ấm như câu ca dao của mẹ, tự nhiên và nhẹ nhàng như hơi thở, bình yên và trong sáng như một mảnh trăng chiều...

Thông tin hàng ngày