Định nghĩa hạnh phúc của “đóa hồng”

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1189 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1189 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Từ khi mắc bệnh đến nay, Tường Vy luôn dũng cảm như một nữ “chiến binh” đối mặt với mầm bệnh ung thư bên trong thân thể mình.

Hơn thế, chị còn dùng chính câu chuyện của mình để lan tỏa năng lượng tích cực, cổ vũ niềm khao khát sống, và sống ý nghĩa cho người xung quanh, đặc biệt là những bệnh nhân cùng hoàn cảnh.

Sống với “phiên bản tốt nhất” của mình

Nụ cười tươi, khuôn mặt rạng rỡ, nhanh nhẹn, chiếc mũ vành nhỏ che đi mái tóc đã rụng gần hết sau 8 lần hóa trị - điều trị ung thư vú, là những ấn tượng đầu tiên khi gặp chị Lim Tường Vy (38 tuổi, hiện kinh doanh tại TP.HCM). Trẻ trung, nhiều năng lượng với một người đã khó, một người mắc ung thư lại càng là điều không tưởng, nhưng ở Tường Vy có vẻ như nó rất đơn giản.

Kết hôn hơn 4 năm, cũng từng đó thời gian vợ chồng Tường Vy chịu đủ mọi vất vả để điều trị hiếm muộn. Cách đây hơn một năm, khi chuẩn bị cấy phôi vào cơ thể để chờ đón giây phút được làm cha mẹ, cả hai bàng hoàng nhận tin dữ, bác sĩ thông báo: Tường Vy có khối u lạ bên ngực phải.

Ngày nhận kết quả xét nghiệm, Tường Vy bảo: “Tim Vy như vỡ vụn khi khối u được xác định ác tính”. Trời đất như sụp đổ trước mặt người phụ nữ trẻ chưa một lần làm mẹ. Có lẽ cuộc đời chị chưa bao giờ bế tắc, đớn đau đến vậy. Ngay lúc tưởng như mất hết tương lai, không còn gì để bấu víu, người đàn ông nhân hậu, hiểu biết và yêu thương nhất mực mà chị chọn gắn bó đã luôn song hành cùng chị vượt qua bóng tối tuyệt vọng.

“Vy bất chợt hỏi chồng rằng có khả năng em sẽ phải đoạn nhũ, sẽ không thể sinh con cho anh nữa, nếu vậy, thì sao? Anh trả lời rằng không sao đâu em. Anh không cần con nữa, anh sẽ đồng hành cùng em. Câu trả lời của chồng dẫu ngắn gọn nhưng cũng đủ kéo Vy ra khỏi vòng luẩn quẩn”, Vy nhớ lại. Từ đó, Tường Vy nhanh chóng trấn an bản thân, đón nhận bệnh một cách nhẹ nhàng như một phần cuộc sống và bắt đầu hành trình chiến đấu với nó.

Lim Tường Vy tham gia hoạt động chạy bộ vì cộng đồng
Lim Tường Vy tham gia hoạt động chạy bộ vì cộng đồng

Chị tìm đến thăm khám nhiều bác sĩ, nhận được không ít lời khuyên để hiểu hơn về bệnh và quyết định ra nước ngoài điều trị ở bệnh viện Singapore vào cuối tháng 4-2022. Cứ thế đều đặn 3 tuần một lần, Vy lại sang Singapore để truyền thuốc. Trong 4 lần truyền hóa chất đầu tiên, Vy mệt mỏi, sốt nhiều, chân tay bị tê, và rồi... tóc bắt đầu rụng. Khoảnh khắc một nửa lượng tóc trên đầu rụng cũng là lúc cả nhà chị rơi nước mắt.

“Thật ra khi Vy bệnh, những người thân xung quanh mới là đáng thương nhất. Ai cũng lo lắng tới mức Vy phải an ủi, trấn an ngược lại. Mình rất sợ bị nhìn với ánh mắt thương hại. Việc gì xảy ra đều có lý do của nó, đôi lúc chuyện không may xảy ra không phải là kết thúc mà biết đâu nó là mở đầu cho một chặng hành trình mới. Ung thư làm cho mình tỉnh lại, sống ý nghĩa hơn, đón nhận bệnh như một người bạn, hiểu được nó và enjoy cuộc sống”, Tường Vy trải lòng.

Giữ đúng “lời hứa” sống khác, cuộc đời thứ hai dường như “mở cửa” chào đón Vy. Được gia đình, bạn bè động viên, Vy bắt đầu tìm đến những hội nhóm, tham gia workshop làm bánh, làm nến, tập thiền và cả nghe pháp, nấu cơm chay từ thiện, những thứ mà trước đây bị cản bởi vì... bận. Vy dần sửa mình, ngày xưa khó với người ngoài dễ dãi với bản thân, giờ đổi lại Vy khó với chính mình, rèn mình lại, dễ với mọi người, sống chậm lại và cho đi nhiều hơn...

Truyền cảm hứng sống

Từ những hội nhóm nhỏ trên mạng xã hội, Tường Vy tìm đến các tổ chức thiện nguyện với hy vọng được đóng góp cho đời những giá trị nhỏ. Một lần, dù mới hóa trị xong, cơ thể còn sốt và mệt rã rời nhưng Vy vẫn cố gắng đến thăm, tặng quà tại một trường khiếm thị cách nhà rất xa. Lúc đó, thấy những sản phẩm của các em trường khiếm thính còn tồn nhiều, bán không được, “máu” kinh doanh của chị nổi lên, rồi quyết định đem về bán giúp.

Ngỡ ít, không ngờ nhận được cả thùng hàng lớn, lúc đó Vy cũng lo lắng, tới lui “vắt óc” suy nghĩ cách bán. Sau cùng Vy chọn livestream bán thử dù trước giờ chưa từng làm, không ngờ bán được 18 triệu cho các em nhỏ. “Khoảnh khắc đó vui sướng lắm, hơn cả những món hàng trước đây mình từng bán. Vy tự bỏ tiền túi để đóng thùng, ngồi xếp hàng đem gửi, lúc đó vừa cực, vừa tốn tiền mà vui lắm, bán được túi người ta mừng một, mình mừng mười”, Vy hạnh phúc chia sẻ.

Dần dần, Vy càng hiểu hơn bản thân cần cho cuộc đời những gì. Căn bệnh cắt ngắn cuộc đời Vy, đánh cắp quãng thời gian trải nghiệm đẹp đẽ nhất của đời người, cướp đi cơ hội làm mẹ cùng rất nhiều tổn thương, mất mát. Đối diện với những đoạn trường gian khó, phải làm bạn với những đau đớn về thể xác, kiệt quệ tinh thần mỗi đợt điều trị giúp Tường Vy đồng cảm sâu sắc với người bệnh ung thư.

Mong cầu giúp người cùng hoàn cảnh có thêm kiến thức, sự mạnh mẽ để vượt lên sợ hãi, qua lời giới thiệu của bạn bè, Vy tham gia Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) quyết tâm dùng câu chuyện của mình để lan tỏa sự tích cực và rất nhanh Vy trở thành gương mặt truyền cảm hứng và năng lượng tích cực cho cộng đồng BCNV, nhờ năng lực tích cực vốn có.

Hết gây quỹ cho thư viện tóc, lại thấy chị có mặt cùng các chương trình Nón hồng, Nơ hồng. Kinh nghiệm của một người “chung sống” hòa bình với ung thư nhiều năm liền đã giúp chị tự tin mỗi khi chia sẻ thông điệp về ung thư vú, về sự ổn định tâm lý, cổ vũ niềm khao khát sống cho những người không may mắc bệnh.

Có người chỉ cảm nhận những cơn đau của ung thư, còn những người như Tường Vy nhờ đó mà thực sự bắt đầu sống. Ung thư giúp Vy hiểu sâu sắc hơn về việc mình đang sống thông qua cái chết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày