Kiến trúc sư 9X nói về gốc rễ gia đình

Không gian tĩnh trong đồ án “On the floating leaves” giải vàng của Hội đồng Kiến trúc sư Khu vực Châu Á tổ chức năm 2021 - Ảnh: NVCC
Không gian tĩnh trong đồ án “On the floating leaves” giải vàng của Hội đồng Kiến trúc sư Khu vực Châu Á tổ chức năm 2021 - Ảnh: NVCC
0:00 / 0:00
0:00
GNO - “Gia đình là gốc rễ để mình phát triển sự nghiệp”, đó là lời khẳng định của Lê Anh Tài (sinh năm 1997, Huế), thủ khoa đồ án tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM năm 2022, giải nhì cuộc thi đồ án tốt nghiệp xuất sắc thế giới năm 2022 (do Tamayouz Award tổ chức).

Trong cuộc trò chuyện với Giác Ngộ, Lê Anh Tài đã cởi mở chia sẻ những trải nghiệm của mình về kiến trúc, những thay đổi từ một “cậu bé học không tốt” trở thành người truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trong và ngoài lĩnh vực đang theo đuổi.

* Có thể nói thành tích giải của bạn khá “dày” với rất nhiều cuộc thi từ trong nước đến ra nước ngoài. Bạn có thể chia sẻ kết quả của những giải thưởng đó đến từ đâu?

- Tôi nghĩ nó ảnh hưởng từ sự nghiêm túc. Hồi nhỏ, khi học võ, tôi học nghiêm túc vì rất mê. Thậm chí mỗi kỳ thi cũng phải thật cố gắng để được thủ khoa. Tôi luôn cố gắng là người tốt nhất.

Khi tôi đạt giải cao trong các cuộc thi thiết kế, hay được điểm cao trong cuộc thi đồ án tốt nghiệp nhiều người nghĩ tôi may mắn. Nhưng mọi người không biết, tôi đã làm việc nghiêm túc như thế nào, cụ thể là rất kiên trì. Tôi rớt năm sáu cái để được một cái, ví dụ như cuộc thi lễ hội kiến trúc thế giới, cuộc thi thiết kế Trung tâm Nghị Lực Sống, giải Loa Thành cuộc thi đồ án tốt nghiệp xuất sắc ở Việt Nam. Thậm chí là năm trước đạt giải vàng của Hội đồng Kiến trúc sư khu vực châu Á với đồ án “On the floating leaves” thì trước đó tôi cũng từng thi và rớt.

Nói chung để thăng hoa trong cuộc sống, đầu tiên mình phải tin vào bản thân mình, nghiêm túc, kiên trì và lạc quan. Tôi thi, rớt rất nhiều nhưng sau mỗi cuộc thi, phải xác định lý do rớt để biết mình có điểm cần thay đổi và có sự đánh giá để làm mình tốt lên và hoàn thiện hơn.

Nhưng hơn hết, có lẽ là thái độ sống không thể ngồi yên một chỗ.

Lê Anh Tài nhận giải nhì cuộc thi đồ án tốt nghiệp xuất sắc thế giới 2022 - Ảnh: NVCC

Lê Anh Tài nhận giải nhì cuộc thi đồ án tốt nghiệp xuất sắc thế giới 2022 - Ảnh: NVCC

* Điều gì đặc biệt ở sự “không thể ngồi yên một chỗ” như bạn chia sẻ?

- Tôi luôn làm mới bản thân mỗi ngày và thích thú với sự trải nghiệm. Với tôi đi làm, đi học đều là trải nghiệm. Đi nhiều nơi để biết thêm nhưng đúng nghĩa là đi chơi để mở rộng tầm nhìn.

Hồi nhỏ tôi học không tốt, đúng nghĩa rất ham chơi. Từ năm 3 tuổi tôi vẽ, mỗi khi học không tốt, mình có cái vẽ để cứu vớt lại. Đặc biệt năm cấp II, cấp III rất ham chơi, không học gì nhiều. Có thời gian chỉ thích lên rừng, đi tắm suối, chứ không thích ngồi vô bàn học.

Nhưng tới lớp 12, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về cuộc đời mình, mình cần phải làm cái gì, học cái gì, để làm được điều đó mình sẽ vô trường nào? Ban đầu tôi thi vô Trường Đại học Khoa học Huế, học được mấy tháng, thấy cần vô trường Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM sẽ tốt hơn. Ba mẹ ngăn cản nhưng không thay đổi được quyết định của tôi.

Khi đang học, tôi quyết định “gap year” một năm để đi nhiều hơn các workshop, hội thảo, trải nghiệm kiến trúc tại Nhật, Philippines, Thái Lan… Tôi nghĩ trải nghiệm nó quan trọng hơn. Mình có thể ngồi ở nhà xem công trình đó, nhưng ra thực tế nó sẽ cho mình nhiều cảm nhận, bên trong mình sẽ có sự sâu sắc về kiến trúc.

Những thay đổi diễn ra liên tục, theo chiều hướng tích cực. Tháng 4 năm 2023 sắp tới, tôi sẽ qua Mỹ làm việc tại văn phòng Kiến trúc B+A Architecture (bang Missouri), nhiều người bạn chúc mừng và bày tỏ sự ngưỡng mộ nhưng tôi tâm đắc nhất là khi được làm công việc yêu thích thì làm cũng như đi chơi.

* Trong quá trình theo đuổi đam mê, có lúc nào Tài gặp khó khăn?

- Có nhiều. Thậm chí là một thời gian tôi không làm kiến trúc. Sau mới nhận ra mình vẫn thích kiến trúc, giống như yêu lại người yêu cũ khi nhận ra được giá trị vốn có của nó. Tôi không chắc là trong tương lai còn theo không nhưng bây giờ vẫn thấy thích nó thì mình vẫn tiếp tục làm.

Để tạo nguồn cảm hứng trong thiết kế thì gần đây tôi chơi đàn melodica, chơi cũng tạm chớ không quá giỏi. Tôi cũng thích làm thơ lục bát vì thấy nó giống như làm kiến trúc, có cảm xúc, logic, khoa học.

* Trải nghiệm nhiều môi trường đào tạo kiến trúc chuyên nghiệp ở các nước, khi nhìn lại các bạn sinh viên của mình, bạn có cảm nhận gì không?

- Tôi thấy các bạn sinh viên một phần thiệt thòi, một phần là do tư duy. Khi tôi làm đồ án tốt nghiệp của mình “Trung tâm sinh hoạt văn hóa Phá Tam Giang” là đang muốn chứng minh sinh viên của mình không thua sinh viên các nước.

Trong vòng 4 tháng, nhờ sự hỗ trợ của các bạn sinh viên, đồ án tốt nghiệp của tôi được hoàn thành với nhiều mô hình rất công phu. Đó là tôi đang cố gắng để sinh viên thấy sức mạnh không nằm ở chỗ mình học ở đâu mà nó từ bên trong mình, mình hoàn toàn có thể làm được. Mà minh chứng là ở cuộc thi đồ án tốt nghiệp thế giới năm 2022 do Tamayouz Award tổ chức, cuộc thi nhận được 534 bài từ 147 trường đại học của 56 nước, tôi được trao giải nhì. Và tôi cũng rất vinh dự khi là sinh viên Việt Nam đầu tiên đạt giải thưởng cao quý này.

Đồ án tốt nghiệp "Trung tâm sinh hoạt văn hóa Phá Tam Giang” - Ảnh: NVCC

Đồ án tốt nghiệp "Trung tâm sinh hoạt văn hóa Phá Tam Giang” - Ảnh: NVCC

* Trong thiết kế của Tài thấp thoáng đâu đó là không gian tĩnh, ngồi yên…

- Nói về mặt kiến trúc, có một số thiết kế khoảng không gian tôi lấy cảm hứng từ đình làng và chùa, đều có những khoảng sân rất lớn. Tôi nghĩ nó là một đặc trưng của kiến trúc Việt Nam. Khoảng sân có khi để phơi lúa, lễ hội hoặc nghi lễ trang nghiêm. Khoảng sân mặc dù là một khoảng trống nhưng thực ra nó không trống, vẫn luôn được thay đổi công năng.

Quy y từ nhỏ với pháp danh Nhuận Trí. Kỷ niệm của tôi về chùa không phải là những lúc tụng kinh, vì đọc không hiểu. Sau này lớn hơn ngồi tụng bắt đầu mới hiểu câu chuyện nói trong kinh. Tôi ấn tượng với câu “Mẹ già trăm tuổi còn thương con sáu mươi”, và cũng rất thích câu đó. Hồi đó tôi mong cho tụng kinh xong, học Phật pháp xong là chạy ra sân chùa để chơi. Cái sân mới là nơi gắn bó nhiều nhất với tôi.

Từ nhỏ, mỗi chiều Chủ nhật tôi phải theo ba đi sinh hoạt Gia đình Phật tử nên phải đi chùa. Với lại cũng ham vui, có nhiều bạn để chơi, rồi dần dần thành thói quen. Có vài lần sau sinh hoạt là xin ở lại chùa. Lúc ôn thi đại học tôi cũng ở chùa một khoảng thời gian. Ở chùa tôi thấy dễ chịu và bình an.

Cảm ơn Lê Anh Tài về những chia sẻ với Giác Ngộ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày