Các ứng cử viên là Tăng Ni TP.HCM: Mong tạo thêm nhịp cầu giữa chính quyền với Tăng Ni, Phật tử

Các ứng cử viên là Tăng Ni TP.HCM: Mong tạo thêm nhịp cầu giữa chính quyền với Tăng Ni, Phật tử
0:00 / 0:00
0:00
GN - Phóng viên Giác Ngộ đã có những trao đổi ngắn với chư Tăng Ni đại diện Phật giáo ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND thành phố nhằm ghi nhận những tâm tư, suy nghĩ và định hướng hoạt động trước thềm cuộc bầu cử năm 2021.

Theo danh sách 224 ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026 vừa được Ủy ban Bầu cử TP công bố vào ngày 23-4, Phật giáo có 5 đại biểu, trong đó có một ứng cử viên tái ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và 4 ứng cử viên ứng cử Đại biểu HĐND thành phố khóa X (một trường hợp tái cử).

Cụ thể, trong 50 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, đại diện Phật giáo có Ni sư Thích nữ Tín Liên (sinh năm 1951), Ủy viên Hội đồng Trị sự, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM (tái cử).

Về phía HĐND thành phố, Phật giáo có 5 vị đại diện bao gồm: Thượng tọa Thích Thiện Quý (sinh năm 1969), Hòa thượng Danh Lung (sinh năm 1964), Thượng tọa Thích Minh Thành (sinh năm 1959) và Ni trưởng Thích nữ Như Thảo (sinh năm 1956).

Giác Ngộ đã có những trao đổi ngắn với các đại diện Phật giáo ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND thành phố nhằm ghi nhận những tâm tư, suy nghĩ và định hướng hoạt động của những ứng cử viên này trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ni sư Thích nữ Tín Liên - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ni sư Thích nữ Tín Liên - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ni sư Thích nữ Tín Liên - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM (tái cử Quốc hội khóa XV):

“Khi ứng cử vào vị trí Đại biểu Quốc hội, tôi nhận thấy phạm vi hoạt động của mình sẽ rộng mở hơn, không chỉ tại TP.HCM, mà từ đây, góp phần tạo cầu nối gắn kết hệ thống Ni giới trên toàn quốc. Hơn nữa, với tư cách là nữ tu sĩ Phật giáo, cơ hội đại diện Ni giới nói riêng và Phật giáo nói chung tại nghị trường, nhằm đề xuất một số ý kiến, nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử sẽ cao hơn. Đây cũng là một trong những trách nhiệm trọng tâm mà tôi hướng đến nếu tái đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Có thể nói đối tượng của những chương trình hoạt động mà tôi luôn hướng đến trong nhiệm kỳ của mình cả trước và sau này đều là trẻ em, học sinh - sinh viên. Theo tôi, vấn đề giáo dục luôn là mục tiêu quan trọng nhất trong xã hội ở mọi quốc gia, vì từ giáo dục, đạo đức và nhân cách con người được hình thành. Ở Phật giáo chúng ta cũng như vậy, vấn đề đào tạo Tăng Ni trẻ luôn được các cấp Giáo hội đặt làm một trong những trọng tâm của chương trình hoạt động qua các nhiệm kỳ.

Trên cương vị Đại biểu Quốc hội, tôi cũng mong muốn sẽ có thể phát động, kêu gọi chư Ni, đặc biệt là chư Ni trẻ tham gia vào các lớp mầm non. Hiện nay, tại Học viện Phật giáo Việt Nam đang có lớp đào tạo cử nhân mầm non khóa II. Qua đó, các vị sau khi tốt nghiệp vẫn đảm bảo đủ năng lực trở thành giáo viên mầm non, hay thậm chí là hiệu trưởng mầm non khi học lên cao hơn.

Thượng tọa Thích Thiện Quý - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Thượng tọa Thích Thiện Quý - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Thượng tọa Thích Thiện Quý - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM:

“Việc người tu sĩ được ứng cử vào HĐND TP.HCM trước hết là vinh dự lớn của cá nhân nói riêng và của Phật giáo nói chung. Đây cũng đồng thời là thách thức đối với vai trò của một chức sắc tôn giáo.

Chúng ta đều biết rằng, trở thành một đại biểu HĐND thành phố, ngoài đảm bảo về năng lực và khả năng, hơn hết cần phải biết học hỏi, lắng nghe, trở thành cầu nối thiết thực, gắn kết người dân với chính quyền địa phương.

Với vai trò là một chức sắc tôn giáo, hơn ai hết, tôi hiểu được những khó khăn trong việc vận hành bộ máy nhân sự, xử lý các công tác Phật sự sao cho phù hợp và vẹn thành nhất. Cũng vậy, với vai trò là Đại biểu HĐND TP, tôi mong rằng mình sẽ có cơ hội tiếp nhận những quan điểm của cơ quan Nhà nước, đồng thời lắng nghe những chia sẻ từ người dân, từ đó, tìm phương hướng giải quyết các vấn đề còn tồn đọng. Đặc biệt là đối với Phật giáo, như vấn đề về Tăng Ni, tự viện v.v… góp phần tạo nhịp cầu vững chắc cho công cuộc xây dựng đạo pháp và dân tộc”.

Thượng tọa Thích Minh Thành - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Thượng tọa Thích Minh Thành - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Thượng tọa Thích Minh Thành - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó trụ trì tịnh xá Trung Tâm (quận Bình Thạnh, TP.HCM)”

“Hiện nay, số lượng tu sĩ Phật giáo cả nước vào khoảng hơn 50.000 người và số người được chọn để ứng cử vào vai trò Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND tỉnh, thành phố không phải lớn. Vì vậy, người được chọn tất nhiên có những vinh dự lớn đồng thời cũng kèm theo trách nhiệm lớn.

Từ nhân duyên được phân công giảng dạy bộ môn Phật giáo nhập thế tại Học viện Phật giáo VN TP.HCM và được mời tham dự phái đoàn đi thăm, tiếp xúc lãnh đạo thành phố, tôi nhận ra với vai trò là tu sĩ Phật giáo, mình cần đóng góp nhiều hơn nữa cho chính tôn giáo của mình và cho đời sống con người hiện tại.

Có thể thấy, hầu hết những quyết sách của thành phố đều được xây dựng dựa trên các hoạt động của HĐND. Như vậy, với tư cách là giáo thọ sư của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, việc ứng cử vào HĐND TP.HCM sẽ là cơ hội để tôi tìm hiểu, học hỏi và nắm bắt chuyên sâu hơn nữa về hệ thống và đường hướng trong công tác giáo dục của thành phố, góp phần ứng dụng có chọn lọc những phương hướng phù hợp vào công tác giáo dục Tăng Ni Phật giáo hiện nay.

Ngược lại, đây cũng sẽ là cơ hội để đại diện Giáo hội trao đổi, đề đạt và thảo luận cùng lãnh đạo Nhà nước, góp phần lan tỏa tinh thần Phật giáo tiếp cận thực tiễn hơn ngay trong hệ thống lãnh đạo và giáo dục, đặc biệt là trong thời buổi xã hội phát triển nhanh chóng như hiện nay”.

Hòa thượng Danh Lung - Ảnh: Tâm Nghiêm/BGN

Hòa thượng Danh Lung - Ảnh: Tâm Nghiêm/BGN

Hòa thượng Danh Lung - Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM:

“Khi ứng cử vào vị trí Đại biểu HĐND TP.HCM, điều tôi quan tâm trước hết là đời sống cộng đồng dân cư, tín đồ tôn giáo nói chung và đồng bào Phật giáo Khmer nói riêng. Thông qua đó, tôi mong có cơ hội tạo nhiều điều kiện, khuyến khích họ mở rộng học tập, tích cực tham gia vào các hoạt động của Giáo hội và chính quyền địa phương. Đồng thời, tôi sẽ cố gắng hỗ trợ, giúp người dân chuyển tải tâm tư nguyện vọng đến chính quyền và ngược lại. Từ đó tạo sự nối kết giữa chư Tăng Ni, Phật tử với Phật giáo và chính quyền.

Nếu đắc cử, tôi sẽ là đại diện cho Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung, làm cầu nối chuyển tải mong muốn của người dân đến chính quyền, giúp chính quyền có cơ hội tiếp cận, thấu hiểu hơn đời sống của nhân dân.

Các hoạt động thiết thực sau khi đắc cử, có thể là tổ chức các buổi tọa đàm về văn hóa Phật giáo các vùng miền, di sản Khmer Nam Bộ, v.v... như đã từng tổ chức. Tôi nghĩ qua đó sẽ giúp chính quyền có cái nhìn thực tế hơn về đời sống chư Tăng, Phật tử đồng bào Khmer, đồng thời đồng bào Khmer cũng có cơ hội bày tỏ ý kiến, quan điểm đến chính quyền địa phương, tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc.

Tôi luôn ý thức sâu sắc, công việc có thành công hay không tùy thuộc chủ yếu vào lòng dân, nhân dân là trung tâm của sự phát triển và ổn định. Do đó, tôi luôn lắng nghe ý kiến của dân, mong được nhân dân góp ý để tôi thấy được đa chiều và phong phú, có đầy đủ cơ sở, vừa hoàn thiện bản thân, vừa làm tròn trách nhiệm của một đại biểu đại diện cho dân, nói lên tiếng nói của dân, phát biểu ý kiến, kiến nghị trước hội đồng và chính quyền có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả thiết thực”.

Ni trưởng Thích nữ Như Thảo - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ni trưởng Thích nữ Như Thảo - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ni trưởng Thích nữ Như Thảo - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM (tái cử):

“Ứng cử vào HĐND TP.HCM là cơ hội để bản thân tôi trở thành cầu nối tạo sự cảm thông giữa cử tri với chính quyền. Bên cạnh đó, với vai trò là nữ tu sĩ Phật giáo, việc tham gia vào bộ máy nhà nước cũng là cơ hội để thắt chặt hơn sự thấu hiểu và liên kết giữa chính quyền và Phật giáo.

Ngoài ra, nếu đắc cử, với vai trò là nữ tu sĩ, tôi cũng sẽ vạch ra nhiều hoạt động thiết thực hướng tới Ni giới thành phố nói riêng và Ni giới Phật giáo nói chung”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày