Cách nào để buông?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Cuộc sống liên tục đổi thay với cả hai chiều thuận nghịch. Mỗi người cần tiếp xúc và đón nhận mọi nhân duyên của cuộc đời mang đến cho mình một cách tỉnh táo, sáng suốt và chân thành nhất.

Hỏi: Tôi 35 tuổi, là người nữ khá mạnh mẽ và dứt khoát. Tôi đã dành trọn tuổi xuân chăm lo cho cha mẹ và các em nên chưa yêu ai và cũng chưa có ai khiến con tim mình rung động. Rồi một ngày, tôi gặp người đồng nghiệp mà khi mới gặp đã có ấn tượng là người thân thuộc, như đã quen nhau từ kiếp nào. Tôi đã khởi lên tình thương với anh ấy, một cảm giác mà trước đây tôi chưa bao giờ có. Tôi tìm nhiều cách tiếp cận và chinh phục anh gần hai năm trời nhưng không thành công. Và nay, tôi đã quyết định dừng lại tình cảm của mình mặc dù trong lòng vẫn còn thương anh nhiều lắm. Những lúc đau khổ, tôi đã quỳ trước Phật đài để cầu xin sám hối. Có thể kiếp trước tôi đã nợ tình cảm của anh ấy. Đến giờ, tôi cũng không giải thích được tình cảm của chính mình. Tại sao tôi lại yêu đơn phương một người nhiều như vậy? Hiện tôi muốn buông nhưng không được, tôi phải làm sao? Mong được quý Báo hướng dẫn và sẻ chia.

(THỦY NGUYÊN, ntthuy...@gmail.com)

Bạn Thủy Nguyên thân mến!

Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường nói “Hỡi thế gian, tình là chi…”. Tình yêu, nhất là “tiếng sét ái tình” đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn với con người. Mỗi nền văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục… có một quan niệm và cách giải thích vấn đề này khác biệt nhau.

Theo tâm lý học, mỗi người thường xây dựng cho mình một hình mẫu lý tưởng. Đến khi gặp đối tượng có nhiều nét tương đồng với hình mẫu thì tự nhiên ta cảm thấy thân thuộc, gần gũi, dễ phát sinh tình cảm. Trường hợp này, đối tượng là người trong mộng (ý trung nhân) của mình mà thôi, và đôi khi các đối tượng cũng không có bất kỳ tương tác hay quan tâm nào đến ta cả.

Theo Phật giáo, một người mà “khi mới gặp đã có ấn tượng là người thân thuộc, như đã quen nhau từ kiếp nào” là có nhân duyên trong quá khứ xa hoặc gần. Tuy vậy, nhân duyên ban đầu này cũng chỉ là tiền đề, cần nuôi dưỡng và phát triển mối nhân duyên ấy thì tình cảm mới có thể đi xa hơn. Còn không có tương tác và vun đắp thì cũng như ta có hạt giống mà không khéo gieo trồng và chăm sóc, chẳng thể có kết quả tốt đẹp.

Người Phật tử tin vào nhân duyên nhưng không tin rằng tình cảm là duyên số thuộc định mệnh hay do trời định. Tình cảm hay tất cả mọi thứ ở đời đều theo nhân duyên mà kết nối, vận hành để kiến tạo nên kết quả tương ứng, do vậy mỗi người cần chú trọng đến việc kiến tạo duyên mới thiện lành để hy vọng tốt đẹp ở tương lai.

Bạn đã có rung động, sau đó tìm cách tiếp cận và chinh phục, khi không thành công như mong muốn bạn đã quyết định dừng lại… là chuyện rất bình thường. Ai trên đường đời cũng có một vài lần kinh qua những trải nghiệm như bạn. Không hề có lỗi trong chuyện “say nắng” một người. Yêu đơn phương thật nhiều cũng chẳng có gì xấu và sai, dù cho có phần mông lung và hư ảo.

Điều cần quan tâm ở đây là đau khổ của bạn trong chuyện này lại rất nhiều. Vậy ai khiến bạn đau? Cái gì làm bạn khổ? Bạn muốn buông nhưng có khi nào tự hỏi là buông cái gì khi chưa từng nắm giữ? Có ai trói buộc bạn đâu, tất cả đều ở trong tâm của bạn. Bạn giống như người vừa diễn kịch vừa xem kịch với nhiều cung bậc cảm xúc.

Thế nên hãy nhìn rõ vào tâm của mình, tôn trọng và trân quý nhân duyên đã cho mình rung động trước một người, sau đó hãy tùy duyên với cuộc sống. Dĩ nhiên, mình phải cố gắng thật nhiều để thực hiện ước mơ nhưng kết quả là được hay mất, thành hoặc bại… cần tùy duyên để thanh thản, nhẹ nhàng. Sau cơn mưa trời lại sáng, việc gì cũng có hai mặt, trong cái rủi có cái may, trong cái được có cái mất… là điều bạn cần chiêm nghiệm để vượt qua những cố chấp, định kiến và đau khổ trong tâm.

Cuộc sống liên tục đổi thay với cả hai chiều thuận nghịch. Mỗi người cần tiếp xúc và đón nhận mọi nhân duyên của cuộc đời mang đến cho mình một cách tỉnh táo, sáng suốt và chân thành nhất. Trong tình cảm, có duyên mà không nợ đôi khi cũng là phúc (trường hợp nợ xấu). Vậy nên chuyện gì đã qua hãy cho qua, nỗ lực trong mọi việc ở hiện tại, tùy duyên với kết quả được mất, yên vui với những gì đang có, hy vọng điều tốt đẹp ở tương lai là tâm thái cần có để sống thanh thản và an yên.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày