Cư sĩ Hồ Phước Vinh (HPV): Phật giáo chúng tôi coi việc bố thí pháp, tức là trao tặng, cung cấp đến cho mọi người sự hiểu biết về giáo lý, là phương thức bố thí bậc nhất, hơn cả tài thí, của cải vật chất… Vì vậy, tôi nghĩ, thư viện sách Phật giáo sẽ là một công cụ hết sức hiệu quả để các tự viện hành trì hạnh bố thí pháp. Với chuyên môn thư viện học, ông nghĩ sao về quan niệm nền tảng này?
Ông Nguyễn Tài Đức (NTĐ): Điều đó là rõ ràng và hiển nhiên. Trong công tác tư tưởng văn hóa, nhất là từ những năm 1990 trở về trước, khi chưa có internet, hoạt động của thư viện công cộng, cả tại Mỹ, Liên Xô và các nước phát triển của cả hai khối chính trị lớn trên thế giới, đều được hết sức coi trọng.
Thư viện là một trong những phương tiện tạo ảnh hưởng tư tưởng, là công cụ của quyền lực mềm.
Cho nên, tôi nghĩ, Phật giáo Việt Nam muốn thực hiện tốt Phật sự hoằng pháp, thì cần có một mạng lưới thư viện tốt.
HPV: Tôi đã đưa ông thăm qua một số thư viện, phòng kinh sách của nhà chùa. Vậy ông có nhận xét ra sao? Những thư viện và phòng kinh sách của các tu viện, tự viện Phật giáo có đáp ứng được nhu cầu hoằng pháp?
NTĐ: Chỉ thăm qua một số thư viện, phòng kinh sách (mà trong thư tịch cổ gọi là “tàng kinh các” và Phật giáo từ lâu đã có truyền thống này), nên tôi không dám trả lời câu hỏi mà anh đưa ra.
Tuy nhiên, qua một số thư viện, phòng lưu trữ kinh sách tôi có dịp đến thăm, có thể nhận xét từ những cơ sở giới hạn đã khảo sát, rằng tại TP.HCM và một số tỉnh, hoạt động thư viện Phật giáo đã không đáp ứng được một cách hiệu quả yêu cầu của hoạt động truyền bá đạo Phật, mà thuật ngữ Phật giáo gọi là hoằng pháp.
HPV: Vậy, xin ông vui lòng phân tích chi tiết hơn vì sao hoạt động của thư viện, phòng kinh sách của tự viện Phật giáo mà ông đã có dịp thăm qua chưa góp phần thích hợp, xứng tầm vào hoạt động hoằng pháp?
NTĐ: Có thể những ý kiến của tôi chỉ là những ý kiến chủ quan, phiến diện vì tôi chỉ thăm một số ít thư viện và phòng kinh sách các chùa trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, cũng xin nêu ra đây để quý vị tu sĩ và tín đồ Phật giáo tham khảo.
Theo lý thuyết thư viện học, một trong những yếu tố căn bản để hình thành hoạt động thư viện, tức tạo cho thư viện giá trị như một công cụ truyền thông (nói theo cách nói của Phật giáo là phương tiện hoằng pháp), là bạn đọc. Nói đầy đủ hơn là hoạt động phục vụ bạn đọc: đọc tại chỗ hay mượn về nhà.
Không có hoạt động phục vụ bạn đọc, thì thư viện sẽ không thực hiện đầy đủ chức năng của mình.
Bạn đọc càng đông, số sách cho mượn càng nhiều, thì thư viện đó mới hoạt động hiệu quả.
Chùa Phật giáo là một nơi sinh hoạt tín ngưỡng công cộng. Như vậy, mặc nhiên, thư viện chùa phải là thư viện công cộng, tức là thư viện phục vụ đông đảo công chúng nhằm mục tiêu truyền bá đạo Phật. Loại thư viện này trong tiếng Anh gọi là “public library”.
Tuy nhiên, tôi lại nhận thấy ở một số chùa có thư viện, nhưng không được đưa vào phục vụ đông đảo công chúng. Một số chùa khác, thì mỗi tu sĩ có tủ sách riêng, gộp lại sẽ có rất nhiều sách, nhưng chỉ phục vụ riêng cho từng vị tu sĩ.
Loại thư viện nhà chùa này, nếu theo lý luận thư viện học của Liên Xô trước đây, thì không được coi là thư viện, vì nó không phục vụ công chúng rộng rãi.
Còn theo quan điểm của các nhà thư viện học phương Tây, thì đây gọi là thư viện cá nhân (personal library) hay là một bộ sưu tập (collection).
Ở một số chùa, tôi có thấy kinh sách đóng bìa da mạ chữ vàng rất đẹp, trưng bày trong các tủ kính có khóa, đặt ở phòng khách. Trong số này, có nhiều kinh sách chữ Hán. Còn khóa tủ kính, thì ở một số trường hợp, có dấu hiệu rĩ sét, tức là lâu ngày không mở. Có nghĩa là chính Tăng Ni trong chùa cũng ít sử dụng, mà sách chỉ để trưng bày cho đẹp cho sang, như một bộ sưu tập.
Trường hợp thứ hai là sách đặt trong tủ kính, có phục vụ, nhưng đối tượng chỉ giới hạn là Tăng Ni trong tự viện. Đây cũng là một kiểu “personal library”.
Trường hợp thứ ba, là sách vẫn được đặt trong tủ kính, thường là tủ gỗ, rất đắt tiền sang trọng, có cho bạn đọc mượn đọc tại chỗ, và cũng có nhưng ít hơn, là cho mượn mang về. Tuy nhiên, trong trường hợp này sách cũng ít, bạn đọc cũng ít, không sắp xếp chuyên nghiệp, không thư mục. Những trường hợp thư viện tự viện Phật giáo dạng này chưa đạt đến chuẩn “public library” đúng nghĩa.
HPV: Có một trở ngại, là nhiều chùa có thể huy động nguồn sách, nhưng không có người làm công việc quản thủ thư viện, và càng không có quản thủ thư viện được đào tạo chuyên nghiệp. Như vậy, các tự viện Phật giáo làm sao xây dựng được “public library” như ông nói?
NTĐ: Xin đừng hiểu một thư viện phục vụ hiệu quả là một thư viện thiết kế đúng chuẩn, xếp sách đúng theo chuyên môn ngành, có thư mục (bây giờ không dùng thư mục bằng tủ phích mà đã chuyển sang thư mục vi tính hóa), cũng như phải có thủ thư là cử nhân khoa Thư viện thông tin học.
Nếu hiểu như thế thì thư viện phải tốn nhiều kinh phí cho bộ máy nhân sự, cũng như cơ sở vật chất, cơ chế vận hành. Điều này, không thích hợp với các tự viện Phật giáo. Và nếu có làm được thì sẽ có rất ít thư viện Phật giáo công cộng.
Một thư viện công cộng hoạt động tốt (mà thư viện tự viện Phật giáo là dạng thư viện chuyên ngành), chỉ khi nó phục vụ đông đảo bạn đọc, với chi phí hoạt động thấp, nhân sự hoạt động tối thiểu, bảo quản được sách…
Điều này các tu viện, tự viện Phật giáo đều có thể làm được, nhưng trong thực tế thì rất hiếm.
HPV: Vậy, đề nghị ông hoan hỷ chỉ dẫn cách thức tổng quát để xây dựng thư viện tu viện, tự viện Phật giáo phục vụ hiệu quả cho hoạt động hoằng pháp.
NTĐ: Tôi xin đưa ra một số gợi ý tham khảo, còn việc áp dụng cụ thể là tùy hoàn cảnh mỗi tự viện. Không nhất thiết phải áp dụng đúng các quy chuẩn giáo khoa về thư viện.
Ở thư viện, cái cần có nhất là sách, càng thật nhiều sách càng tốt, chứ không phải là tủ đựng sách mỹ thuật. Chúng tôi thấy một số thư viện tự viện Phật giáo chú trọng đến tủ kính để sách hơn là số lượng sách. Ở nhiều nơi, tôi ước lượng trị giá tủ kính đựng sách làm bằng danh mộc giá trị hơn số sách để ở bên trong nhiều lần. Thiết tưởng, quan niệm này cần nên thay đổi. Giá trị của một thư viện là sách và bạn đọc, không phải là tủ kính để sách (trừ trường hợp chỉ để trưng bày).
Phân chia kinh sách làm 2 loại, loại có giá trị cao, loại cần bảo quản chặt chẻ thì để trong tủ kính có khóa, hoặc trong kho đóng (không cho bạn đọc vào).
Loại có nhiều bản, kinh sách ấn tống, cần phổ biến rộng rãi, thì đặt trong không gian mở (tức là kệ không kính, không cửa, bạn đọc tự chọn và lấy sách trực tiếp trên kệ, không làm thư mục). Như vậy, sẽ không cần quản thủ thư viện được đào tạo chuyên nghiệp và không tốn chi phí cho thư mục.
Phân loại sách Phật giáo, có thể theo tông phái, theo thể loại, càng chi tiết càng tốt, và xếp sách theo bảng phân loại đó trên kệ để bạn đọc dễ tự tìm được sách mình mong muốn theo định hướng đề mục phân loại.
Đối với kho mở thư viện tự viện Phật giáo, thì không nên dùng tủ kính, mà thay vào đó dùng kệ (không cửa).
Nếu tự viện không có đủ diện tích mặt bằng riêng thì kệ sách mở có thể đặt trong các phòng công cộng khác nhau. Gắn kệ sách vào tường, biến các bức tường thành các bức tường sách. Bàn ghế dành cho bạn đọc được thiết kế để khi cần có thể chuyển thành bàn học, bàn họp, bàn ăn, bàn tiếp khách…
Theo tôi, dọc theo tường chánh điện tự viện có thể lắp kệ gỗ chứa sách vào tường vừa để kinh tụng, vừa để sách Phật học. Khi cử hành các khóa lễ, đó là chính điện. Ngoài khóa lễ, đó là thư viện, người đọc có thể hướng về Đức Phật đọc kinh sách đặt trên các kệ tụng kinh.
Hoặc các tự viện có thể lắp các kệ mở chứa kinh sách loại cần phổ biến rộng rãi, ấn tống… vào tường của hội trường. Hội trường là phòng có diện tích lớn thường ít khi sử dụng, lại sẵn bàn ghế. Nếu bổ sung chức năng thư viện mở cho hội trường thì sẽ tận dụng khai thác diện tích hội trường cho hoạt động thư viện. Nhiều thư viện công cộng ở Mỹ áp dụng hình thức lưỡng dụng này.
Với kho mở, thủ thư không cần chuyên môn cao, mà chỉ đóng vai trò người giữ sách. Trong trường hợp một tựa sách có nhiều bản (có thể đánh dấu thể hiện sách có nhiều bản lên chính bản sách), thì thư viện nên mở rộng hoạt động cho mượn về nhà. Để bảo quản sách, bạn đọc cần gửi tiền thế chân cho thư viện.
Như vậy, cũng không cần thủ thư được đào tạo đại học chuyên ngành thư viện thông tin học, mà chỉ cần người có trình độ trung học phổ thông là đủ.
Cần vận động bổ sung sách cho thư viện từ những Phật tử hảo tâm, tặng lại cho thư viện tự viện Phật giáo những quyển sách Phật học, sách triết học, sách khoa học xã hội đã đọc qua.
Tổ chức việc đọc sách báo ngoài vườn chùa, tạo không gian đạo vị, thích hợp cho người đọc sách.
Sách Phật giáo phần lớn không có ràng buộc về bản quyền, nên thư viện chùa có thể nhân bản phục vụ bạn đọc những bộ sách quý hiếm (bảo quản trong kho đóng) bằng dạng sách photo để có những tựa sách quý hiếm trong kho mở.
Thư viện ngày nay không chỉ lưu trữ, phục vụ sách, mà còn gồm cả phim ảnh, băng đĩa các loại. Thư viện tự viện Phật giáo có thể phát triển theo hướng này, trong bối cảnh chương trình ghi âm, ghi hình Phật giáo hiện đã có rất nhiều.
Ngoài ra, thư viện công cộng kiểu mới còn là một thứ sa-lông sách. Đối với Phật giáo, có thể là nơi trí thức Phật giáo gặp nhau để đàm đạo về Phật sự, kiến thức Phật học, thu hút Phật tử tới chùa, phục vụ hữu hiệu bạn đọc Phật tử bằng hoạt động thư viện. Là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, tu học, thiết nghĩ chùa nào cũng cần có thư viện mở như thế.
HPV: Xin cảm ơn những ý kiến đóng góp bổ ích của ông.