Cảm niệm ngày Đức Phật đản sanh

Giác Ngộ - Lịch sử tôn giáo luôn ẩn hiện màu sắc huyền thoại. Đối với hầu hết tín đồ tôn giáo, giáo chủ của họ là những bậc phi phàm. Có một số vấn đề liên hệ đến cuộc đời của các ngài tư duy con người không bao giờ đặt chân đến được, mà chỉ có thể tin. Trong lãnh vực tôn giáo, đức tin là phương tiện giao cảm giữa tín đồ và giáo chủ. Cầu nguyện là phương pháp phổ biến khi người ta muốn cảm nhận được sự giao thoa huyền bí ấy.

Nhiều người cho rằng đức tin đã tạo ra những điều thần kỳ trong đời sống, không chỉ giới hạn trong phạm vi tín ngưỡng mà ngay trong cuộc sống đời thường. Đối với số người có khuynh hướng nặng về lý trí và khoa học, các sự kiện huyền bí liên hệ đến tôn giáo là khó tin, không thể tin; thậm chí nếu khởi niềm tin là mê tín. Tuy nhiên, trong thực tế, có rất nhiều việc người ta không thể lý giải được, không thể phân tích qua lăng kính khoa học được, bởi vì chúng vượt ngoài sự hợp lý, logic! Một bà mẹ tin tưởng rằng chứng bệnh nan y của con bà sẽ được chữa khỏi trong khi các giáo sư, bác sĩ trong ngành y học khẳng định bệnh nhân ấy chắc chắn sẽ chết. Người ta đã cảm thấy tội nghiệp và đáng thương cho một bà mẹ dường như đã quẫn trí, vì bà đã không chấp nhận sự thật mà giới khoa học kết luận. Nhưng không! Linh cảm của người mẹ đã đúng khi bà tin rằng con bà sẽ được chữa lành bệnh. Niềm tin ấy đã tạo một phép màu: đó là sự sống. Niềm tin kiên định hình thành trên nền tảng của tình mẫu tử thiêng liêng đã khiến cho các giáo sư, bác sĩ sững sờ, không nói nên lời khi bệnh nhân mà họ tuyên bố chắc chắn sẽ chết trước đó mười năm đã sống lại và sinh hoạt bình thường1.

A Tu Da xem tuong cho Thai tu.jpg

Phật đản sanh - Tranh PG Thailand

Tương tự như thế, trong lãnh vực tâm linh, có rất nhiều sự kiện vượt ngoài tầm kiểm soát của chiếc đũa thần khoa học kỹ thuật, của lý trí, nhưng nhờ có niềm tin mà con người đạt được những ước mơ và hy vọng của mình. Có nhiều vấn đề trong cuộc sống thường ngày người ta không thể lý luận hoặc tư duy mà chỉ nhờ vào việc thực nghiệm khiến sự cảm thông, hiểu biết mới được thiết lập. Những lúc như thế, mọi lý giải sẽ không hiệu quả bằng cảm nghiệm. Đây là ý nghĩa của lời Phật dạy: "Như người uống nước tự biết nóng lạnh"2.

Niềm tin cũng đóng một vai trò quan trọng đối với tín đồ Phật giáo. Rất nhiều Phật tử đã đến với đạo Phật bằng cửa ngõ niềm tin. Không thế chối cãi rằng khi bạn hay tôi đặt niềm tin vào một tín ngưỡng hay tôn giáo, ít nhiều gì đi nữa yếu tố tâm linh cũng chiếm ngự trong tâm mỗi người. Nhưng nhờ có đức tin vào thế giới tâm linh mà không ít lần chúng ta đã vượt qua được khổ đau, thất vọng. Đức tin tạo ra niềm hy vọng tốt đẹp cho cuộc sống, dù hy vọng ấy đến sớm hay muộn. Không có hy vọng thì cuộc sống sẽ vật vờ, buồn bã, ảm đạm. Nói khác đi, không có đức tin cuộc sống sẽ mất định hướng.

Đức tin là động lực chính đưa tôi đến với đạo Phật. Cho đến bây giờ tôi vẫn tin Đức Phật sanh ra từ hông bên phải của hoàng hậu Maya. Hình ảnh "Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc…" 3 khi thái tử Tất-đạt-đa đản sanh vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí mỗi khi suy niệm về Ngài. Tôi rất thích thú mỗi khi hình dung cảnh tượng hoàng thái tử được tắm gội trong dòng nước mát của chư thiên từ các cõi trời khi vừa mới sanh ra. Tâm thức tôi như bị chấn động 4 mỗi khi trầm tư và cảm nghiệm những sự kiện hy hữu liên hệ đến cuộc đời của Ngài 5. Sở dĩ tôi luôn nuôi dưỡng niềm tin này, bởi vì nó đem đến cho tôi một thứ cảm xúc thiêng liêng, thanh cao và trong sáng. Niềm tin liên hệ đến các bậc vĩ nhân, những con người cao thượng luôn khiến cho lòng chúng ta thanh thản, nhẹ nhàng, thanh thoát. Niềm tin này sẽ giúp chúng ta tạm quên gánh nặng lo toan cơm áo gạo tiền, tiền tài danh vọng, thế thái nhân tình. Niềm tin ấy sẽ xóa sạch những rào cản giữa tôi và bạn, giữa quen và lạ, giữa giàu và nghèo, trí thức và bần nông. Thay vào đó, niềm tin này sẽ khiến trái tim chúng ta ngập tràn tình yêu thương, lòng hỷ xả bao dung với con người, với cuộc đời. Những đóa sen vàng nâng gót chân thái tử Tất-đạt-đa gợi cho chúng ta biết rằng trong tấm thân xương thịt do cha mẹ sanh, chúng ta còn có một cái pháp thân thanh tịnh, vô nhiễm như sen vàng kia. Hình ảnh dòng nước mát từ các cõi trời đổ xuống tắm sạch hình hài của thái tử sẽ rửa sạch những tư tưởng bất tịnh, hận thù, giết chóc trong tâm chúng ta, và v.v… Bạn đã từng cảm nghiệm những cảm xúc tôn giáo này chưa! Và bạn có ước ao cảm nhận loại cảm xúc này không! Chắc chắn rằng những xúc cảm ấy không thể diễn tả bằng ngôn từ để sẻ chia cùng bạn, ngoại trừ chúng ta có sự đồng cảm; bởi lẽ, cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc tôn giáo, vượt ngoài mọi chức năng của ngôn ngữ.

Tuy nhiên, đối với đạo Phật, niềm tin chỉ là bước khởi đầu trong lộ trình học đạo; vì nếu chỉ một có niềm tin đơn thuần người ta sẽ dễ dàng ngộ nhận Phật giáo. Đây là ý nghĩa của lời dạy: "Tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta". Nói theo ngôn ngữ của thi hào Nguyễn Du: "Người yêu ta xấu với người/Yêu nhau âu chỉ bằng mười phụ nhau". 6

Yêu người mà không hiểu người chắc chắn ta sẽ tạo khổ đau cho người mình yêu và cho cả chính mình. Cảm xúc hay tình cảm là bước khởi đầu của tình yêu. Nhưng nếu muốn đạt được tình yêu thật sự, người ta cần sự hiểu biết hay trí tuệ. Vì thế, Tổ sư Long Thọ dạy: "Đức tin là lối vào biển giải thoát, nhưng trí tuệ là chiếc bè để vượt qua đại dương ấy" 7.

Trong giáo lý Phật giáo, trí tuệ là nhân tố quan trọng để bạn soi rọi và kiểm chứng niềm tin và lý tưởng sống. Là đệ tử Phật, bạn lại cần phải có trí tuệ (tức cái thấy biết đúng còn gọi là chánh kiến) với chính đức tin của mình. Đức tin là kích thích tố cho trí tuệ. Trí tuệ là nguồn sáng để dẫn lối đức tin. Hai thứ này là hành trang không thể thiếu để mọi người bước vào đời. Do vậy, bên cạnh những cảm xúc do niềm tin đem lại mỗi khi nghĩ về Đức Phật, những lời dạy mang tính khoa học, thực tiễn khiến niềm tin của tôi mỗi ngày mỗi sâu sắc và vững chắc vào giáo lý của Ngài. Bởi lẽ, hiếm có bậc giáo chủ nào lại khuyến khích quần chúng phải suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định trở thành tín đồ của mình. Hiếm thấy vị giáo chủ tôn giáo nào lại giáo dục mọi người đừng tin bất cứ điều gì, kể cả giáo lý của mình, nếu như sau khi áp dụng chúng mà không cảm nghiệm được kết quả tốt đẹp cho mình và tha nhân, ngoại trừ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni 8. Trí tuệ là chiếc chìa khóa vạn năng để mở mọi cánh cửa của cuộc đời mà đạo Phật muốn trao gởi cho bạn khi chủ trương rằng: "Duy tuệ thị nghiệp". 9

Ngược dòng lịch sử các tôn giáo trên thế giới, có lẽ cuộc đời của vị sáng lập đạo Phật là gần gũi với loài người nhất, đậm chất người nhất, và là người nhất. Tôi vô cùng tâm đắc những yếu tố "đời thường" liên hệ đến lịch sử của Đức Phật. Tôi thật sự xúc động khi cảm nhận được tâm trạng "rất người" mà thái tử Tất-đạt-đa trải qua khi Ngài đối diện với cảnh thăng trầm, vinh nhục của nhân thế. Bởi lẽ, chỉ có con người mới cảm thông được cái vui, cái buồn của kiếp người. Chỉ có con người mới cảm nhận được nỗi đau sanh, lão, bệnh, tử của con người. Chỉ có con người mới hiểu thấu nỗi khổ "ái biệt ly" khi lìa xa hay mất mát những người thân yêu của mình. Ai đang cưu mang thân phận kiếp người mới biết được con người đang thiếu gì, đang cần gì và đang muốn gì. Thậm chí, ngay cả đồng loại của nhau nhưng chưa chắc người giàu đã cảm nhận được niềm hạnh phúc to lớn mà người nghèo mơ ước: một bữa ăn no, một chiếc áo mới, một giấc ngủ bình an. Giai cấp thống trị có lẽ không bao giờ cảm thông được nỗi thống khổ của tầng lớp bị trị, dù họ ý thức rằng cái quyền lực, lợi danh của họ được xây dựng trên mồ hôi, nước mắt và máu của kẻ khác; huống chi là những nhân vật đến từ cõi khác!!!

Từ đó, sự kiện Đức Phật Thích Ca sinh ra trong thế giới này với vị thế của một con người và trở thành bậc Thầy tôn quý của trời người thật sự vô cùng có ý nghĩa; vì nó mở ra một chương mới trong lịch sử tư tưởng nhân loại: Con người là chủ nhân của tôn giáo chứ không phải là nô lệ của thánh thần. Theo quan niệm của người phương Tây, không có khổ đau nào khốn khổ bằng sự nô lệ tư tưởng. Do vậy, sự giác ngộ và giải thoát khỏi sự nô lệ thần linh của Đức Phật có thể xem là cuộc cách mạng tư tưởng vĩ đại nhất.

Cần ý thức rằng nếu lời tiên đoán thứ nhất của đạo sĩ Asita (A-tư-đà) mà đúng, có lẽ tên tuổi của hoàng đế Tất-đạt-đa hay là Chuyển luân Thánh vương Tất-đạt-đa 10 đã phai mờ trong tâm trí của nhân loại; vì quyền lực, sức mạnh, tiền tài, danh vọng của các vua chúa đế vương từ xưa đến nay dù lớn hay nhỏ, hùng mạnh hay yếu ớt cuối cùng cũng trôi theo ngọn thác vô thường, đi vào quên lãng. Nếu cuộc đời của Đức Phật chỉ bao quanh và phủ đầy những yếu tố phép thuật, thần thoại, chắc chắn Phật giáo cũng trở thành một loại tôn giáo hữu thần, ở đó số phận con người nằm trong sự thưởng phạt của năng lực siêu nhân như phần lớn các tín ngưỡng đương thời. Nét nhân bản đặc thù của đạo Phật, dù được hiểu dưới bất cứ danh xưng nào: tôn giáo, tín ngưỡng hay nghệ thuật sống, là do một con người tạo lập. Giáo lý Phật giáo là kết tinh từ những nỗ lực và trí tuệ của chính con người ngay trong cuộc đời này, chứ không phải là mớ lý thuyết kinh viện phát xuất từ tháp ngà, hoặc là sự mặc khải từ các bậc toàn tri, toàn năng siêu hình. Có lẽ, thế giới hữu thần bị tê liệt, quyền năng truyền thống siêu nhiên trở nên vô hiệu khi sự thật về vạn hữu và số phận của con người được phơi bày qua sự khám phá và chứng nghiệm của một con người lịch sử. Nói khác đi, từ vị thế nô lệ của thần linh, con người đã được đạo Phật trả về đúng với cương vị của mình qua lời tuyên bố sau: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành". 11 Theo Robindranath Tagore, "Đức Phật đã thánh hóa cuộc đời" 12 bằng chính sự giác ngộ chân lý của tự thân và hiển bày năng lực phi thường của con người.

Thêm vào đó, một điểm giáo lý đặc thù khác của Phật giáo là chủ trương về ý nghĩa và giá trị đích thực của cuộc sống, cũng như khả năng giải thoát, giác ngộ của con người chính ngay đời sống này. Trong lịch sử nhân loại, khi đề cập đến tôn giáo người ta thường bàn đến lãnh vực tâm linh (nói theo ngôn ngữ bình dân là phần hồn) của tín đồ. Phần lớn triết lý tôn giáo hữu thần thường đề cập đến kiếp sau của con người và giảng dạy cho họ phương cách để thọ nhận được ân sủng của Thượng đế hay đấng Sáng thế qua việc phục tùng những tín điều, giáo điều đã được giáo chủ mặc định. Trái lại, đạo Phật không tách rời cuộc sống hiện tại với mục đích tu dưỡng cho tương lai. Theo giáo lý nhân quả của Phật giáo, kiếp sau hay tương lai chỉ là kết quả của chính đời sống hiện tại. Cuộc sống hiền thiện, đạo đức, vị tha…, hay đời sống đầy dục vọng, sân hận, ích kỷ chính là nhân tố quyết định cái mà bạn sẽ trở thành. Nhiều kinh điển Phật giáo đã chứng minh rằng tín đồ (hay cư sĩ tại gia) có thể đạt được Thánh quả 13 ngay hiện đời này nếu họ áp dụng lời Phật dạy vào trong đời sống hàng ngày của mình. Vì thế, chính bạn sẽ là người quyết định mình là ai: Phật, Bồ tát, thánh hiền, là những con người đúng nghĩa, hay chỉ là những chúng sanh khổn khổ trong cái tâm địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh của chính mình. Bạn và tôi hãy dành một chút thời gian để suy niệm và nhận diện "mình đã là ai, đang là ai và sẽ là ai" nhân ngày Đức Phật đản sanh.

Ước mong muôn thuở của đời người là một cuộc sống hạnh phúc an lạc. Khát vọng nóng bỏng của nhân loại ngày nay là một thế giới không chiến tranh, không máu lửa, không hận thù, không giết chóc. Tất cả những thứ ấy đều phụ thuộc vào chính lối sống của con người. Tất cả đang nằm trong chính tư duy, lời nói và việc làm của mỗi chúng ta; vì "Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, là quyến thuộc, là điểm tựa, là sự phân chia các loài hữu tình" 14.

Thiền thất Từ Mãn - Củ Chi 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày