Cảm xúc mùa Vu lan: Bông hồng mầu nhiệm

Cảm xúc mùa Vu lan: Bông hồng mầu nhiệm
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hơn 10 giờ chị mới có khoảng thời gian kiểm tra những thông tin gửi tới mình qua email trong sáng nay. Lòng chị hẫng xuống khi thấy trên định dạng hộp thư đến có màu xanh da trời hiện rõ con số báo chỉ có một lá thư.

"Đã đến lúc chỉ còn ít người gửi thư, tin nhắn với mình rồi sao?", chị thầm nghĩ. Mũi tên trỏ vào cái khung nhỏ chứa dòng chữ "Thư gửi chị! Chị quý mến..." khiến lòng chị dâng lên một cảm cảm xúc gần gũi và ấm áp.

"Sáng nay, như mọi lần, em ngóng chờ chị ở Tao Đàn và hiểu rằng chị quá bận rộn nên trễ uống cà phê sáng. Em nhận ra mình quá bé nhỏ, không đủ sức giúp chị được đôi chút trong đời sống. Đã vậy, bây giờ em lại có việc cần sự hỗ trợ của chị đây.

Có một chị nhận làm giúp mấy ngàn bông hồng trắng, bông hồng đỏ cài áo trong mùa Vu lan đang tới và một phần trong số bông hồng vải ấy sẽ được gửi cúng dường để tặng các Phật tử còn mẹ hoặc không còn mẹ cài lên áo trong dịp lễ Vu lan. (Em không còn ba gần một năm nay thì áo em cài hoa gì hở chị?).

Em biết chị ấy chỉ có thể cúng dường công sức làm mấy ngàn bông hồng đó chứ không lo liệu đủ số vải để làm nên em tham gia quyên góp tiền mua vải giúp chị ấy. Em tin chị là người hiếu hạnh nên sẽ rất ủng hộ việc làm này, sẽ cúng dường một ít vải làm bông hồng cài áo trong mùa Vu lan này. Mong chị giúp và được Tam bảo độ trì. Em gửi chị lời chúc tinh tấn thay lời cảm ơn".

Chị lặng người trước những dòng thư của em - cô gái luôn gieo vào chị ý nghĩ về sự nhẹ nhàng, giản dị và đơn lẻ mỗi khi gặp em bên ly cà phê sáng ở hội quán Tao Đàn. Chị biết đến lễ Bông hồng cài áo từ thuở là một Oanh vũ mặc áo lam và đeo huy hiệu Sen trắng theo các anh, chị huynh trưởng sinh hoạt trong Gia đình Phật tử.

Chị cũng biết ý nghĩa biểu trưng của màu hoa hồng được cài trên ngực áo của mỗi người con dịp Vu lan về, hoa hồng đỏ dành cho những ai còn mẹ, hoa hồng trắng là của những người con không còn mẹ bên mình. Nhưng hôm nay, chị sững sờ trước câu hỏi trong lá thư của em: "Em không còn ba gần một năm nay thì áo em cài hoa gì hở chị?".

...

Chị rời văn phòng của công ty trước cái nhìn ngạc nhiên của những nhân viên chưa bao giờ thấy chị ngưng công việc trước những tiếng chuông đồng hồ điểm 12 giờ. Dòng thư của cô gái giúp chị nhớ mình cần đi viếng người cha vừa mất trong tháng trước của Quân. Vừa chạy xe băng qua trung tâm thành phố chị vừa nhẩm để biết hơn hai tháng nữa sẽ đến Vu lan, có nghĩa là chị còn nhiều thời gian để quyết định việc ủng hộ tiền mua vải làm bông hồng cài áo.

Trên một vùng đồi lồng lộng nắng gió của mùa hè, ngôi nhà của gia đình Quân êm đềm, thanh tĩnh và ngan ngát hương trầm. Bước chân của chị tự nhiên chậm lại, khẽ hơn và trong tâm trí của chị lan nhẹ một giọng nói bùi ngùi khi được đưa vào không gian thờ phụng và tưởng nhớ người cha của Quân. Tại đây, hai bức liễn đối: "Quán trọ Ta-bà xin từ biệt. Quê hương Tịnh độ quyết quay về" được treo trang trọng trên tường; những sách, những tranh ảnh đều in hình hoa sen nhắc chị nhớ các pháp hạnh Bi, Trí, Dũng của người con Phật.

- Di sản của mất mát này lớn quá. Những người con như chúng mình thừa kế di sản này có làm được gì không?

- Nghĩa thân sinh dày gian khó thì những người con dù có trưởng thành đến đâu cũng đền đáp chẳng khi nào vừa. Lúc ra đi, ba của mình không để lại tiền bạc và đòi hỏi con cái một điều gì nhưng đã để lại nụ cười với những người đang ở cạnh bên. Không còn Ba nữa, mình mới hiểu vì sao Đức Phật dạy, một trong những giá trị lớn nhất của việc làm người, làm con là báo hiếu...

Chị ngẩng lên. Tấm vải mịn màu lam được lồng trong khung kính trong suốt có thêu câu thơ bát cú:

Không ràng buộc cầu xin chi giải thoát

Đến và đi như dạo khúc vô thường

Bất chợt, lòng chị trào dâng cảm xúc khó tả. Chị nhớ, vị thiền sư là tác giả của đoản văn Bông hồng cài áo đã có lần nói: “Cha và Mẹ không phải là những thực tại có ngoài mình mà đang có ngay trong mình. Mình là sự tiếp nối của Cha, mình là sự tiếp nối của Mẹ. Và mình mang Mẹ mang Cha đi về tương lai. Phải biết mỉm cười cho Mẹ, thở cho Cha và bước đi cho cả hai. Sự tiếp nối đẹp đẽ của Cha Mẹ nơi mình là biểu hiện cụ thể nhất của lòng hiếu”.

Một ý nghĩ đến với chị tự nhiên như ngọn gió đang thổi trên đồi, hiện thực mất cha của Quân và câu hỏi xoáy lòng của cô gái cần có một bông hoa để phân ưu và thương yêu. Và, trong tiếng chuông công phu thong thả rơi trên tán bồ-đề thanh lặng, vị sư già ân cần nói: "Ta tin điều này, trong ngày lễ Vu lan, nếu được cài bông hồng trắng, nên quán chiếu là Cha hoặc Mẹ vẫn còn trong con và có trong từng tế bào của cơ thể con. Đưa bàn tay lên nhìn, con sẽ thấy bàn tay ấy của con cũng là bàn tay của Cha, bàn tay của Mẹ. Trong bàn tay của con có bàn tay của Cha, của Mẹ. Con đưa bàn tay ấy đặt lên trán và sẽ thấy, đó là bàn tay của Mẹ hay của Cha đang đặt trên trán con".

...

Ý nghĩ đầu tiên đến với chị trong lần tỉnh dậy sau cơn hôn mê dài vì người và xe rơi xuống một hố ga bị mất nắp ở bên đường là chị vẫn được cài bông hồng đỏ trong lễ Vu lan đang đến rất gần. Với niềm vui được hồi sinh trong tình yêu thương của mẹ và cả gia đình, chị tự tay kết một bông hồng bằng vải lụa màu đỏ và trong sự chân thành của tình bạn, chị kết hai bông hồng bằng lụa trắng trong hình dung ngọt ngào là chị sẽ cùng Quân và cô gái kia cài những bông hồng nhiệm màu này lên ngực áo trong ngày báo hiếu ơn nghĩa sinh thành.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Logo chính thức của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tổ chức tại TP.HCM, Việt Nam đã được ICDV chọn và thông qua

Đã có logo chính thức của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Việt Nam

GNO - Thông tin với Báo Giác Ngộ chiều nay, 2-12, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Việt Nam cho biết đã thống nhất chọn logo (biểu trưng) chính thức cho sự kiện quan trọng này.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đến Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM khảo sát công tác chuẩn bị Đại lễ Vesak 2025

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khảo sát nơi chuẩn bị tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025

GNO - Chiều 1-12, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM đã thăm, khảo sát Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM và Công viên Văn hóa Láng Le - Bàu Cò phụ cận để nắm bắt tình hình cải tạo mặt bằng, chuẩn bị cho Đại lễ Liên Hiệp Quốc Vesak 2025 dự kiến diễn ra vào tháng 5-2025.

Thông tin hàng ngày