Campuchia: Cuộc sống an lành nơi thiền môn

GN - Thoạt nhìn, đời sống của một vị tu sĩ Phật giáo ở Campuchia không khác gì nhiều so với cuộc sống của một người bình thường. Họ cũng ngủ, cũng ăn, cũng tắm rửa, nói chuyện và cười như bao nhiêu người khác. Tuy nhiên, chiếc y màu vàng cam nói lên rằng, họ là những người đang theo nếp sống thiền môn.

Có khoảng 130 tu sĩ trẻ hiện đang sống tại Wat Bo, một ngôi chùa ở trung tâm thành phố chùa tháp Campuchia - thành phố Siem Reap.

chon thien mon.jpg


Tu sĩ Campuchia

Khi vào tu học trong chùa, những người xuất gia phải cạo tóc, đối với các em nhỏ thì cạo tóc từ lúc lên 3 tuổi. Lối sống tự viện khá hấp dẫn đối với trẻ em con nhà nghèo, vì khi vào chùa, các em có cơ may được ăn uống đầy đủ và có cơ hội học tập.

Sư chú Piseth, một người tập sự xuất gia, lúc còn thiếu niên đã mong ước mình có đủ khả năng để giúp gia đình, chia sẻ: “Vì gia đình nghèo khó nên tôi xuất gia. Tôi biết rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở lại cuộc sống bình thường. Tôi ước mong sau này mình có thể giảng dạy Phật pháp và tiếng Anh cho trẻ em nghèo, vì tôi cũng từ đói nghèo mà lớn lên”.

Mỗi ngày, nếp sống của sư chú Piseth bắt đầu vào lúc bốn giờ sáng, khi tiếng trống báo hiệu vang lên, thông báo sự bắt đầu của một ngày mới. Sau khi nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân, sư chú và các vị tu sĩ khác cùng đi chân trần trên các đường phố của Siem Reap để khất thực, rồi về thọ trai.

Các nhà sư Campuchia đi bộ trong im lặng khoảng hai giờ mỗi ngày. Họ cầm một cái bát bằng bạc và đi vào những khu dân cư có đông tín đồ Phật tử để khất thực. Tuy nhiên, vì phải đi bộ bằng chân trần để khất thực hàng ngày này nên lòng bàn chân của các vị tu sĩ thường bị nứt nẻ.

Nền tảng của Phật giáo Campuchia là các nhà sư và những ngôi chùa (trung tâm của đời sống tinh thần).

Vào cuối những năm 1950, có khoảng 100.000 vị tu sĩ trong tổng dân số Campuchia khoảng 5.000.000 người. Tỷ lệ này rất cao bởi sự dễ dãi trong việc cho phép trẻ em có thể vào và ra khỏi Tăng đoàn. Trở thành một nhà sư hay rời khỏi Tăng đoàn là sự lựa chọn cá nhân, mặc dù về mặt lý thuyết, tất cả nam giới ở Campuchia trên 16 tuổi đều phải xuất gia một thời gian.

Phần lớn những người trẻ tuổi không có ý định trở thành tu sĩ suốt đời và thường sống đời sống tu sĩ ít hơn một năm. Thậm chí, dù việc xuất gia chỉ mang tính tạm thời, nhưng đối với các gia đình thì đấy là một nguồn tự hào khi gia đình có một nhà sư trẻ.

Có hai cấp bậc Tăng sĩ trong một ngôi chùa, đó là những người tập sự xuất gia (Sa-di) và những người xuất gia đã thọ giới cụ túc (Tỳ-kheo). Ngày nay, đời sống trong chùa đã được phát triển nhiều.

Tại Wat Bo, buổi sáng và buổi chiều là khoảng thời gian dành riêng gần như hoàn toàn cho việc học tập. Các môn học như toán, tiếng Anh và Phật pháp được đưa vào trong chương trình giảng dạy tại các trường học dành riêng cho tu sĩ.

Sư Piseth cho biết, trong tất cả các môn học, tiếng Anh là môn học được hầu hết học sinh ưa thích, mặc dù họ không có nhiều cơ hội để thực hành nó.

Ở đây, những tu sĩ trẻ không chỉ giữ gìn năm giới cấm mà còn giữ thêm giới không tham gia vào bất kỳ hình thức giải trí nào, như là ca hát, nhảy múa hoặc xem truyền hình, không sử dụng các đồ trang sức cá nhân, không nằm trên giường sang trọng và không giữ tiền của.

Khi ánh nắng thiêu đốt của xứ sở Campuchia ngả về chiều, bóng cây che mát, Wat Bo trở thành một trường học tạm thời, một vài nhóm tu sĩ trẻ cùng nhau thảo luận về giáo lý Phật đà mà họ đã học được trong lớp học buổi sáng.

Đột nhiên, âm thanh của tiếng trống phá vỡ sự yên tĩnh, báo hiệu đã đến giờ hành lễ trong chùa. Lần lượt, tất cả các tu sĩ sống trong Wat Bo tập trung về một trong những ngôi chánh điện nằm ở phía Đông tu viện. Từng người một đứng quay mặt về phía bức tượng Phật bằng vàng lớn ở trong chánh điện.

Mép bên trong chánh điện, có những người nữ mặc áo choàng màu trắng với đầu đã cạo sạch tóc, đang tụng kinh theo chư Tăng với lòng tôn kính. Mặc dù theo quy định thì người nữ không được phép tiếp xúc với chư Tăng, nhưng trong tu viện, người nữ tu đóng vai trò khá quan trọng.

Họ cũng tuân thủ các quy tắc tương tự như chư Tăng; họ sửa soạn các bàn thờ cho các buổi lễ và đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác để đảm bảo cuộc sống hàng ngày trong ngôi chùa được diễn ra một cách tốt đẹp.

Hoàng Lam dịch
(The Jakarta Post)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày