Cần có thời gian chuyên tu

GN - Ai cũng biết rằng đạo Phật là đạo giác ngộ. Tuy nhiên, sẽ không có ý nghĩa gì nếu sự giác ngộ đó chỉ nằm trong giáo lý, trong lời dạy của Đức Phật, mà điều quan trọng là làm sao để cho mình được giác ngộ.

Có nhiều pháp môn dẫn đến giác ngộ, nhưng dù là pháp môn nào đi nữa thì cũng phải thực hành mới có tác dụng. Cho nên tôi nghĩ rằng người tu muốn có sự chứng đạt trong tu tập thì cần phải có thời gian viễn ly để chuyên tu.

thientap.jpg


Người tu cần phải có thời gian viễn ly để chuyên tu - Ảnh: Pyxabay

Trước hết ta thấy rằng bản thân Đức Phật là một người ưa thích sống viễn ly. Ngài thường xuyên sống một mình trong rừng và cảm thấy an lạc, thoải mái khi sống như vậy. Trong kinh Đại không (số 122, thuộc Trung bộ kinh), Đức Phật nói về bản thân Ngài rằng: “Như Lai với tâm hướng đến viễn ly, thiên về viễn ly, nặng về viễn ly, sống độc cư, hoan hỷ trong ly dục”. Ngài cũng xem núi rừng là nơi trú ẩn lý tưởng cho những vị xuất gia tu tập, như được chép trong kệ Pháp cú 98 và 99:

- “Làng mạc hay rừng núi
Thung lũng hay đồi cao
La-hán trú chỗ nào

Đất ấy thật khả ái”.

- “Khả ái thay núi rừng
Chỗ người phàm không ưa
Vị ly tham ưa thích

Vì không tìm dục lạc”.

Đức Phật rất hoan hỷ khi thấy chúng Tỳ-kheo sống ở trong rừng dù vị đó có ngủ gục. Kinh Tăng chi bộ II, Đức Phật giải thích về điều này rằng: “Ở đây, này Nagita, Ta thấy một Tỳ-kheo ngồi ngủ gục tại trú xứ ở trong khu rừng. Này Nagita, Ta suy nghĩ như sau:

Nay vị Tôn giả này, sau khi đoạn trừ ngủ nghỉ và mệt nhọc, sẽ tác ý tưởng hoặc đạt được sự nhất tâm. Do vậy, Ta hoan hỷ với trú xứ tại rừng của vị Tỳ-kheo ấy”. Trái lại, Ngài không an tâm khi các Tỳ-kheo sống trong làng xóm hay chốn thành thị, dù vị ấy đang ngồi yên thiền định. Vì ở nơi có dân cư đông đúc, họ có thể bị phiền nhiễu, bị tác động và do đó có thể bị dính mắc hay thoái chuyển. Không phải chỉ có Đức Phật mới khuyên các Tỳ-kheo sống hạnh viễn ly mà chư thiên cũng không hoan hỷ khi thấy chư Tăng sống hòa lẫn với đám đông. Kinh Tương ưng bộ (tập I, chương IX, phẩm V: Ananda) ghi lại rằng, Tôn giả Ananda khi trú giữa dân chúng Kosala, sống quá bận rộn bởi nhiều liên hệ với cư sĩ. Thấy vậy, một vị thiên đến nhắc nhở rằng: “Ngài là người đã quyết chọn lựa con đường sống an tịnh, sống đời viễn ly ở nơi vắng lặng, nên hướng tâm mình về mục đích Niết-bàn. Do vậy, hãy thiền quán và sống không phóng dật. Tiếp xúc nhiều, nói chuyện tạp thêm vô ích mà thôi”. Ngài Ananda vô cùng cảm động với lời nhắc nhở này và kịp thời trở về sống với đề mục thiền quán.

Trong cuộc sống, có nhiều nguyên nhân làm phát sinh phiền não và tham dục, nhưng cơ bản là do tiếp xúc với cảnh trần. Do đó, muốn diệt trừ phiền não hay tham dục thì cách cơ bản là tránh tiếp xúc. Trong kinh Càtumà (số 67 thuộc Trung bộ kinh), Đức Phật có nói đến bốn điều đáng sợ hãi của người mới xuất gia. Đó là sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về nước xoáy, và sợ hãi về cá dữ. Trong đó sợ hãi về nước xoáy và cá dữ là do tiếp xúc với ngoại duyên:

“Và này các Tỳ-kheo, thế nào là sợ hãi về nước xoáy? Ở đây, này các Tỳ-kheo, có thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: ‘Ta nay bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này’. Khi được xuất gia như vậy, vị này buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng hộ thân, không phòng hộ lời, không phòng hộ tâm, niệm không an trú, các căn không phòng hộ, hưởng thụ được cung cấp đầy đủ, được thực hiện năm dục trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong ấy. Vị ấy suy nghĩ như sau: ‘Chúng ta xưa kia chưa xuất gia đã hưởng thọ, được cung cấp đầy đủ, được thực hiện năm dục trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong đó. Vì nhà ta có tài sản, ta có thể vừa hưởng thụ tài sản, vừa làm các công đức’. Vị ấy từ bỏ học tập và trở về hoàn tục. Này các Tỳ-kheo, đây được gọi là vị Tỳ-kheo bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về nước xoáy, từ bỏ học tập, trở về hoàn tục. Này các Tỳ-kheo, sợ hãi về nước xoáy là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là sợ hãi về nước xoáy.

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là sợ hãi về cá dữ? Ở đây, này các Tỳ-kheo, có thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau: ‘Ta bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này’. Khi được xuất gia như vậy, vị này buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng hộ thân, không phòng hộ lời, không phòng hộ tâm, niệm không an trú, các căn không chế ngự. Vị này thấy ở đây những phụ nữ mặc y phục không đoan chánh hay đắp y phục không đoan chánh. Khi thấy những phụ nữ mặc y phục không đoan chánh hay đắp y phục không đoan chánh, ái dục phá hoại tâm của vị ấy. Vị này, tâm bị ái dục phá hoại, từ bỏ học tập, trở về hoàn tục. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là vị Tỳ-kheo bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về cá dữ, từ bỏ học tập, trở về hoàn tục. Này các Tỳ-kheo, sợ hãi về cá dữ là đồng nghĩa với phụ nữ. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là sợ hãi về cá dữ”.

Rõ ràng, tiếp xúc với cảnh trần không chỉ là nguyên nhân của phiền não mà còn chướng ngại cho sự tu tập. “Vị Tỳ-kheo hữu học có nhiều công việc, có nhiều việc phải làm, khéo léo trong công việc phải làm, từ bỏ độc cư thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ nhất khiến Tỳ-kheo hữu học thối chuyển” (Kinh Tăng chi bộ, chương V, phẩm IX, kinh số 90).

Ngày xưa những người mới xuất gia thường được dạy trong ba năm đầu không được về nhà. Đó là vì sợ rằng khi đạo tâm chưa vững mà về nhà sẽ lưu luyến tình cảm gia đình, hoặc thấy cuộc sống ở nhà sung sướng, đầy đủ, thoải mái rồi so sánh với cuộc sống khổ hạnh ở chùa mà thối thất tâm Bồ-đề. Có lẽ vì vậy mà ngày xưa các vị Tổ khi khai sơn tạo tự đều chọn nơi thanh vắng, xa cách với xóm làng. Những bậc chân tu đều là những vị ẩn dật nơi rừng núi, quanh năm không bước ra khỏi chùa. Ví như Tổ sư Tịnh độ Huệ Viễn, ngài ở chùa Đông Lâm hơn ba mươi năm chưa bao giờ bước qua khỏi cầu đá Hổ Khê.

Chuyện kể rằng, một hôm, nho sĩ Đào Uyên Minh và đạo gia Lục Tu Tĩnh đến thăm ngài và đàm đạo rất tâm đắc. Đến khi tiễn hai vị khách về, do mải mê nói chuyện, bất giác Đại sư bước qua cầu đá Hổ Khê lúc nào không hay. Con cọp bên kia suối thấy lạ nên gầm vang. Cả ba vị như bừng tỉnh, đứng lại nhìn nhau cả cười, rồi chia tay tạm biệt. Sự tích này về sau trở thành một đề tài nổi tiếng. Người ta đã vẽ Tam tiếu đồ, dựng Tam tiếu đình tại nơi đây để lưu niệm, làm thơ vịnh để ghi dấu truyền thuyết đẹp đẽ này.

Thế nên Lục tổ Huệ Năng từ chối lời mời vào cung của vua Võ Tắc Thiên, “chỉ nguyện chung thân ở nơi rừng núi”. Quốc sư Phù Vân cả đời tu hành trên núi Yên Tử, “xương gầy mặt võ, ăn hạt dẻ, uống nước suối, chơi cảnh rừng, lòng nhẹ như mây nổi theo gió mà đến đây”. Hòa thượng Nhất Hạnh lập Phương Bối am ở Đức Trọng để tu, Hòa thượng Thanh Từ thì lên núi Tương Kỳ tại Vũng Tàu, dựng Pháp Lạc thất dốc chí tu hành cho đến sáng đạo. Còn Hòa thượng Thiền Tâm thì cất Hương Quang tịnh thất ở thôn Đại Ninh để ẩn tu. Cả ba vị Hòa thượng đều là bậc long tượng trong Phật pháp và đều có thời gian ẩn dật để chuyên tu. Nhìn lại trong Phật pháp từ xưa đến nay, không ai có thể giác ngộ mà không có một thời gian ẩn mình nơi hang đá hay thâm sơn cùng cốc để tu luyện.

Có quan niệm cho rằng thời mạt pháp tu hành không thể chứng quả. Thật ra không phải thời mạt pháp tu hành không chứng quả mà là tại vì người ta không chịu tu mà thôi. Chỉ cần chúng ta bớt ngoại duyên, bớt chạy theo thị hiếu của thời đại (như quan niệm về thành công…) mà dành nhiều thời gian để đọc “quyển sách tâm” của mình thì chúng ta cũng sẽ đạt được những gì người xưa đã đạt được.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày