Cần hiểu đúng về nhân quả - nghiệp báo

GN - Thuyết Nghiệp của Phật giáo được hình thành trên cơ sở tuệ giác của Đức Phật (trí tuệ giác ngộ thấy biết rõ nguyên lý của vũ trụ vạn hữu, chân tướng của sự vật hiện tượng, con đường vận hành của các pháp, bản chất của đời sống), có thể lý giải những nghi vấn, thắc mắc mà con người chưa tìm ra lời giải đáp.

nhaqua.jpg

Kinh Trung bộ, Đức Phật cho biết: “Với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhiên, vượt tri kiến phàm tục, ta thấy cách chúng hữu tình sinh tử như thế nào. Ta thấy rõ cao quý hay hạ liệt, thông minh hay ngu si, mỗi chúng sinh được tái sinh cõi lành hay cõi dữ tùy theo hạnh nghiệp của mình, và ta biết rõ: Những ai đã tạo ác nghiệp về thân, khẩu, ý, sau khi thân hoại mạng chung sẽ tái sinh vào khổ cảnh, vào đọa xứ, địa ngục. Song những ai tạo thiện nghiệp về thân, khẩu, ý sẽ được tái sinh vào cõi lành, lên thiên giới”. 

Ở một bài kinh khác, khi có người hỏi: “Do nguyên nhân nào mà trên cõi thế gian có người yểu mạng, có người thọ mạng; có người bệnh hoạn, có người khỏe mạnh; có người xấu xí, có người đẹp đẽ. Do nguyên nhân nào có người nghèo khổ, có người giàu sang; có người sinh ra trong gia đình bần tiện, có người sinh ra trong dòng dõi cao sang; có người ngu mê tăm tối, có người thông minh tài trí v.v..?”. Đức Phật đã trả lời: “Tất cả chúng sinh đều mang theo cái nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì cái nghiệp riêng của mỗi chúng sinh mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa các chúng sinh” (Trung A-hàm, kinh Anh vũ, 170; Trung bộ, kinh Tiểu nghiệp phân biệt, 135). Và trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật đã khẳng định rằng: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ tạo, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” (chương 10 pháp, phẩm Thân do nghiệp sanh).

Nghiệp là hành vi của thân, khẩu, ý (suy nghĩ, ý muốn, ý định, nói năng, hành động, thói quen), thuật ngữ Phật giáo gọi là “hành động có tác ý”. Đức Phật đã dạy, Nghiệp tạo ra đặc điểm, tính cách, tạo ra thân phận, hoàn cảnh sống của con người, tạo ra hạnh phúc hay khổ đau mà con người phải gánh chịu, dẫn con người tái sinh từ cảnh giới này sang cảnh giới khác (sau khi chết).

Tất cả những gì được tạo ra từ Nghiệp được gọi chung là Nghiệp quả. Nghiệp có nghiệp cũ và nghiệp mới, có biệt nghiệp và cộng nghiệp. Nghiệp cũ là những nghiệp đã tạo ra trong quá khứ gần hoặc lâu xa; nghiệp mới là những nghiệp vừa mới tạo ra trong hiện tại. Nghiệp cá nhân của mỗi con người gọi là biệt nghiệp; những biệt nghiệp giống nhau hoặc gần giống nhau sẽ họp lại thành cộng nghiệp, tạo ra đời sống cộng đồng, xã hội, quốc độ, cảnh giới. Có thể hiểu cộng nghiệp là nghiệp chung của một nhóm người, một tập thể, một cộng đồng, một xã hội, quốc gia, thế giới, nó có sự tương đồng, có mối quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau.

Theo luật Nhân quả, nghiệp nhân sẽ dẫn đến nghiệp quả, nhưng thời gian đưa đến nghiệp quả (mau hay chậm, trong hiện tại hay tương lai, đời này hay đời khác) và mức độ, tính chất của nghiệp quả như thế nào (nặng hay nhẹ và giống nghiệp nhân nhiều hay ít) còn tuỳ thuộc vào năng lực nghiệp nhân mạnh hay yếu và nhiều điều kiện nhân duyên khác nữa.

Người ta không nhớ hết những nghiệp nhân mà mình đã tạo trong quá khứ đời này và càng không biết những đời trước mình đã tạo những nghiệp nhân gì. Nhân quả - Nghiệp báo trong ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai) không ai tường tận được. Đức Phật đã từng nói điều này trong kinh Tăng chi bộ: “Có bốn phạm trù không thể tư duy, đó là Phật giới, thế giới tâm, thiền định của người tu thiền định và quả dị thục của Nghiệp”. Chỉ có bậc Thánh giác ngộ (Phật, Bồ-tát, A-la-hán…) mới có thể tường tận đường đi phức tạp của Nhân quả - Nghiệp báo.

Tuy nhiên, bản chất của Nghiệp là duyên sinh vô ngã, là bất định, có thể chuyển hóa. Trong kinh Tăng nhứt A-hàm, Đức Phật có dạy: “Nếu ai cho rằng, con người phải gặt hái trọn hậu quả của tất cả những hành động trong quá khứ thì không thể có đời sống đạo đức, và con người cũng không thể có cơ hội tận diệt phiền não. Nhưng nếu hiểu rằng, quả phải gặt tương xứng với nhân đã gieo thì ắt có đời sống đạo đức và con người có cơ hội dập tắt phiền não”.

Nếu nghĩ rằng: Do nghiệp mà một người không thông minh nên người đó phải chấp nhận, không cần phải học tập, trau giồi trí tuệ. Do nghiệp mà một người phải sống trong cảnh nghèo hèn khốn khó, người đó phải cam chịu, dù cố gắng phấn đấu cũng không ích gì. Do nghiệp mà người có tính hung dữ, tham lam ích kỷ, có tính đố kỵ v.v… người đó phải chấp nhận, người khác cũng phải chấp nhận, không thể nào sửa đổi cho tốt hơn, không thể nào trau giồi nhân cách để trở thành người có đạo đức. Cho rằng phàm phu vẫn mãi là phàm phu, phàm phu không thể trở thành bậc Thánh, vì cái nghiệp đã định như thế nên không cần phải nỗ lực tu tập… Đó đều là những quan niệm tiêu cực, là nhận thức sai lầm về Nghiệp.

Có thể trong quá khứ gần hoặc lâu xa, người nọ tạo những nghiệp nhân như thế nào đó (nghiệp cũ) mà hiện tại họ phải mang thân tật nguyền, nghèo khó (quả báo, nghiệp quả). Nhưng nếu trong hiện tại người ấy biết tạo nghiệp nhân (nghiệp mới) tốt, có tính chất tích cực (chẳng hạn như biết nỗ lực học tập, trau giồi nhân phẩm đạo đức, rèn luyện bản thân, làm nhiều việc tốt, khéo sống, biết tu tập) thì họ vẫn sống vui vẻ hạnh phúc, đời này họ không còn nghèo khổ khốn khó hoặc đời sau họ sinh làm người giàu sang. Mọi trường hợp khác cũng thế, con người có thể thay đổi hoàn cảnh, thay đổi bản thân nhờ sự chuyển hóa nghiệp (thay đổi quan niệm sống, thay đổi tư duy, hành động, thái độ sống). Nếu cho rằng Nghiệp định sẵn điều kiện bản thân, hoàn cảnh sống của con người và con người không thể làm thay đổi, con người phải chấp nhận “trả nghiệp”, gánh lấy hậu quả của tất cả nghiệp nhân đã tạo trong những đời trước và quá khứ của đời này thì không đúng.     

Có nhiều người quan niệm sai lầm, tiêu cực về Nghiệp: Hiện tại tôi phải cố gắng cam chịu sự bất công, oan ức, nghèo khó hoặc bệnh hoạn, tật nguyền, các nỗi bất hạnh để “trả cho hết nghiệp” v.v… vì tôi đã tạo nghiệp xấu, ác, bất thiện trong quá khứ (đời này hoặc các đời trước). Phải trả hết nghiệp, nhận chịu đủ quả báo của những nghiệp quá khứ rồi tôi mới có thể thọ hưởng sự an lạc, hạnh phúc, những quả báo tốt đẹp của những nghiệp nhân hiện tại. Còn mọi cố gắng nỗ lực trong hiện tại là để mười năm, hai mươi, ba mươi năm… hay nhiều hơn nữa (hoặc đến đời sau), sau khi đã trả hết nghiệp cũ thì mới có thể thọ hưởng kết quả của nghiệp mới, mới có thể hết khổ, mới được giàu sang, sung sướng, hạnh phúc. Đó là quan niệm sai lầm về Nghiệp.

Nếu nghĩ những gì đang thọ nhận trong hiện tại đều là kết quả của nghiệp quá khứ, nghĩ như thế là hiểu chưa đúng về Nghiệp. Như Đức Phật đã dạy, con người là chủ nhân của Nghiệp. Trong hiện tại, con người có thể tạo những nghiệp mang lại an lạc, hạnh phúc cho mình cho dù mình đang sống trong hoàn cảnh nào, đang phải nhận chịu quả báo của những nghiệp trong quá khứ đời này hay đời trước. Con người có thể tạo ra những nghiệp mới theo chiều hướng tích cực để khắc phục hậu quả của những nghiệp đã tạo trong quá khứ. Con người có thể chuyển nghiệp ngay trong hiện tại và hoàn toàn đạt được an lạc hạnh phúc, giải thoát khỏi phiền não khổ đau ngay trong hiện tại. Cuộc đời Đức Phật, các vị Thánh đệ tử, chư Tổ, các vị thiền sư… đã chứng minh điều này. Ngay cả những người tu tập Phật pháp, dù chưa đạt đến cảnh giới giác ngộ giải thoát cũng có được an lạc hạnh phúc khi biết chuyển nghiệp. Và không chỉ người tu hành, những ai có quyết tâm cải thiện bản thân, thay đổi tư duy, hành động, lối sống của mình theo chiều hướng tích cực cũng đều có được an vui, hạnh phúc ngay trong hiện tại.

Trong vô lượng kiếp sống quá khứ, con người đã tạo biết bao nhiêu nghiệp nhân thiện (tốt, tích cực) và bất thiện (xấu, tiêu cực), nếu phải nhận lãnh quả báo của tất cả những gì đã tạo, và những gì đã làm trong hiện tại là vô nghĩa thì thật là điều vô lý (Tại sao nghiệp nhân quá khứ có nghiệp quả mà nghiệp nhân trong hiện tại mới tạo ra đây lại không đưa đến nghiệp quả?). Như thế thì con người không thể thay đổi bản thân, không thể làm cho đời sống của mình tốt hơn, không thể thay đổi xã hội hay sao? Nghiệp cũng như các pháp hữu vi khác đều là duyên sinh, bất định, vì thế khi nghiệp quả chưa hình thành thì con người vẫn có cơ hội làm thay đổi nghiệp. Quá trình thay đổi nghiệp, trong đạo Phật gọi là chuyển nghiệp, chuyển hóa nghiệp. Chính vì có thể chuyển nghiệp, làm thay đổi nghiệp (chuyển nghiệp xấu, tiêu cực, có hại thành nghiệp tốt, tích cực, có lợi cho mình và cho người) mà con người có thể cải thiện đời sống, hoàn thiện bản thân, có thể tu tập để giác ngộ, giải thoát, chuyển phàm thành Thánh.     

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày