Cần một quy chuẩn thống kê tín đồ

GN - Trong nhiều năm trước, khi báo Giác Ngộ đăng tải lại con số thống kê chính thức do các cơ quan chức năng của Nhà nước công bố là Việt Nam có 6.802.318 tín đồ Phật giáo, lập tức nhận được phản ứng của dư luận, theo nhiều chiều trái ngược nhau.

PG VN.jpg


"Tín đồ, Cư sĩ Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam là những người
tin tưởng Phật pháp, thực hành theo giáo lý Đức Phật..." - Ảnh minh họa

Một số ý kiến cho rằng con số thống kê đó không phản ánh được thực tế số lượng tín đồ Phật giáo, bởi lẽ theo thói quen, thường người ta ngại kê khai tôn giáo của mình, thường kê khai là “không” trong mục thông tin “tôn giáo”. Cũng có người dẫn trường hợp thông tin thể hiện qua giấy chứng minh nhân dân, trong khi bản thân là tu sĩ, nhưng thông tin về tôn giáo lại được thể hiện là “không”!

Cũng có người cho rằng con số tín đồ Phật giáo tại nước ta đang giảm đi so với trước đó, qua kết quả của các cuộc tổng điều tra dân số do Nhà nước chủ trương và thực hiện đồng bộ trên toàn lãnh thổ. Nhưng cũng có ý kiến ngược lại, bởi với tình trạng cởi mở về chính sách tôn giáo, nhiều hoạt động tôn giáo ở nước ta đã và đang được tổ chức với quy mô lớn, đối tượng tham dự cũng đa dạng, trong đó có rất nhiều hoạt động thu hút hàng ngàn người trẻ, ngoài các tổ chức sinh hoạt mang tính truyền thống như Gia đình Phật tử… Như vậy, số lượng tín đồ Phật giáo tăng trưởng so với trước đây là điều chắc chắn.

Tất cả ý kiến, kể cả những phản biện, xác nhận của chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, hay cơ quan quản lý về tôn giáo của Nhà nước là Ban Tôn giáo Chính phủ cũng không thống nhất được con số, mà chỉ mang tính ước định, cảm tính.

Nói như thế, có nghĩa là, ngoài kết quả thống kê của Cục Thống kê đã công bố qua thông tin tín đồ các tôn giáo, cho đến nay chưa có một cuộc thống kê nào khác, của Giáo hội cũng như các tổ chức nghiên cứu, quản lý liên quan tới tôn giáo được đưa ra khả tín, làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển lâu dài.

Trong những năm qua, chúng ta đã có được con số thống kê cập nhật số lượng cơ sở tự viện và Tăng Ni trên toàn quốc. Nhưng với số lượng tín đồ, trước đây Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã từng có quyết tâm thực hiện thống kê, dường như vẫn chỉ dừng lại ở ý tưởng, chưa thấy công bố kết quả nào dù là bước đầu.

Vấn đề tưởng giản đơn, nhưng đã mấy mươi năm qua, chúng ta vẫn chưa tiến hành để có được kết quả thuyết phục, và vẫn còn là vấn đề cần bàn thảo.

Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Chương X, Điều 60 định nghĩa: “Tín đồ, Cư sĩ Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam là những người tin tưởng Phật pháp, thực hành theo giáo lý Đức Phật và tùy khả năng, tự nguyện thọ trì Giới luật Phật chế”. Khái niệm này thiên về tính tự giác, không thể là quy chuẩn để xác định “tín đồ Phật giáo” theo nghĩa rộng, vô tình loại bỏ số có tín ngưỡng đạo Phật theo truyền thống gia đình như một số người đã đặt ra.

Hy vọng tại hội thảo của Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN tổ chức trong khuôn khổ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội, qua chủ đề “Thống kê Tăng Ni, Phật tử ở Việt Nam: Lý luận và Thực tiễn”, vấn đề này sẽ được giải quyết, để từ đó xây dựng quy chuẩn, nhằm đi tới thực hiện thống kê, có con số chính thức của Giáo hội, gần với thực tế đời sống tôn giáo ở nước ta.

>> Xem thêm: Đâu là con số thực về tín đồ Phật giáo Việt Nam? || 400 đại biểu dự hội thảo Tăng sự toàn quốc 2016 ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày