GN - Tiếng trống trường thì thùng thì thùng sôi động, rộn ràng. Tiếng học sinh oang oang như ong vỡ tổ. Ở giữa không gian ấy là tiếng chuông chùa ngân nga, sâu lắng. Tâm thức thiện lành vì môi trường đó mà nẩy nở, bén duyên.
“Phàm làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó”. Lời dạy ấy của các bậc cổ đức được đúc chữ nổi bằng xi-măng đặt ở vị trí chính giữa chùa Phước Điền, thôn Thuận Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Lời dạy ấy dù muốn hay không cũng đập vào mắt của từng người mỗi khi bước qua cổng tam quan để vào chùa lễ Phật. Mưa dầm thấm lâu.
“Làm việc gì” ở đời sẽ có một số người hoặc một nhóm lợi ích không bao giờ muốn nghĩ đến “hậu quả của nó”. Bởi vì nếu nghĩ đến “hậu quả của nó” thì nhóm người kia sẽ mất hứng, cảm thấy khó chịu bởi tham vọng của mình bị chặn lại bởi những chuẩn mực đạo đức, những giá trị mà cha ông đã từng đúc kết trước đó hàng ngàn năm bằng những câu ca dao, tục ngữ. Đối với Sư cô TN.Đức Hải trụ trì ngôi Tam bảo này, vì là đệ tử Phật cho nên cách suy nghĩ của người tu đương nhiên, sẽ khác so với người thế gian. Đó là nghĩ đến kết quả thay vì hậu quả.
Bà con Phật tử quy tụ kinh kệ hàng đêm - Ảnh: U.Viễn
11 năm trước, từ một thuận duyên, Sư cô Đức Hải về chùa Phước Điền cùng với vị sư huynh là Thích nữ Đức Hiền để gieo duyên với bà con tín ngưỡng đạo Phật ở thôn Thuận Hòa. Hai huynh đệ về chùa không có mục tiêu nào khác ngoài việc xới lại mảnh đất tâm từ bi hỷ xả mà mọi người bị lãng quên giữa năm tháng mưu sinh nhọc nhằn và khói lửa từ những cuộc chiến tranh khốc liệt trước đó.
Trong ký ức của các vị bô lão trong Ban hộ tự nay đã ngoài bảy tám mươi tuổi thì chùa Phước Điền được thành lập cách đây khoảng hai thế kỷ. Xưa, chùa tọa lạc trên mảnh đất khác nằm gần bến sông. Phật tử, người mộ đạo bên Phan Rang - Tháp Chàm hồi đó muốn sang chùa phải đi bằng ghe. Như vậy cũng đủ để hình dung vị trí của ngôi Tam bảo nằm ở nơi hẻo lánh như thế nào. Đến thời kháng chiến chống Pháp, chùa Phước Điền bị giặc đốt cháy, chiếm làm đồn đóng quân. Không nỡ nhìn ngôi Tam bảo có nguy cơ bị xóa sổ, các vị bô lão trong thôn đã thỉnh các pho tượng Phật, Bồ tát, Hộ pháp, cũng như long vị các bậc cổ đức về an vị tại vị trí mới và tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Suốt một thời gian dài, chùa vì thiếu duyên cho nên hiếm có vị tu sĩ nào về trụ xứ lâu bền được. Mỗi tháng Ban hộ tự chỉ lên chùa vào dịp cuối tháng hoặc ngày rằm để thắp vài nén tâm hương dâng lên cúng dường chư Phật, Bồ tát, cũng như các vị Tổ sư. Đây chính là sự thiệt thòi rất lớn mà những người dân quê ở thôn Thuận Hòa phải cam chịu, những hạt giống tâm linh thiếu người vun bón để đâm chồi, nẩy lộc.
Nghĩ cũng đáng nhớ, vào năm 2000, vào ngày 13-4 âm lịch mùa Phật đản sinh, hai Sư cô Đức Hải và Đức Hiền đến chùa, lúc đó trong bếp chỉ còn đúng ba lon gạo. Cảnh nghèo, chùa vắng mông quạnh làm sao. Hai sư cô hỏi bà con trong thôn thì chẳng một ai biết đến Phật đản là ngày gì! Thay vì buồn, hai sư cô lúc đó cảm thấy thương cảm cho người con Phật ở vùng sâu vùng xa đến dường nào. Sư cô Đức Hiền vì nhân duyên Phật sự nên đã đến trú xứ ở một vùng đất khác. Mãi đến năm 2005, Sư cô Đức Hải mới được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Thuận bổ nhiệm trụ trì.
Về mặt huyết thống, Sư cô Đức Hải là cháu gọi cố Đại lão HT.Thích Vĩnh Lưu bằng bác ruột, trụ trì chùa Sắc tứ Kim Cang, phường 1, TP.Tuy Hòa (Phú Yên). Sư cô xuất gia tại Phan Rang. Từ năm 1985-1992, sư cô nhập chúng học thiền tại Thiền viện Linh Chiếu do Hòa thượng Thích Thanh Từ sáng lập tại huyện Long Thành (Đồng Nai). Trong một dịp về thăm quê ở Phú Yên rồi trở vào miền Nam, Sư cô Đức Hải đã gặp tai nạn khi đi tàu lửa làm khuyết một phần gót chân, chính vì thế không thể tiếp tục nhập chúng tại thiền viện. Mặc dù rời thiền viện, thời khóa tu trì hàng ngày vẫn được sư cô thực hiện đúng như hồi nhập chúng.
Học Phật là hành trình không có điểm dừng nếu chưa thể nhập tâm tông. Khoảng năm 1995-1996, Sư cô Đức Hải tham gia lớp học phiên dịch Hán Nôm do Hòa thượng Thích Đỗng Minh khởi xướng được tổ chức tại chùa Già Lam, quận Gò Vấp (TP.HCM). Học được 8 tháng do thân mẫu bệnh nặng cho nên sư cô đã về quê thể hiện hạnh hiếu nuôi mẹ trong vòng 4 năm cho đến lúc cụ bà qua đời. Đến năm 2000, sư cô trở lại Phan Rang nơi đã từng thế phát xuất gia để làm những công việc khai tâm mê, bồi trí đức do chư Phật bổ xứ.
Chùa là nơi nương tựa tâm linh đồng thời cũng là điểm chăm sóc sức khỏe cho bà con - Ảnh: U.Viễn
Chùa Phước Điền tọa lạc tại vùng đất mà cư dân rất nghèo, mưu sinh bằng nghề trồng nho, trồng táo hoặc làm ruộng làm vườn. Đời sống bà con trong thôn cơ cực đến như vậy, Phật pháp còn chưa biết đến thì làm gì có chuyện phát tâm hộ trì ngôi Tam bảo. Chùa Phước Điền cũng vì thế mà xuống cấp, hư hoại nghiêm trọng. Năm 2008, có một cô Phật tử sau nhiều lần đến chùa tụng kinh chứng kiến cảnh chánh điện bị mưa dột rần rần, gió lùa bốn phía, đã về vận động toàn thể gia đình, dòng họ phát tâm gom góp cúng dường được 50 triệu đồng để sư cô dùng làm kinh phí sửa chùa. Đây là số tịnh tài đầu tiên góp phần tạo động lực, sự tự tin cho vị trụ trì nghĩ đến việc khởi công đại trùng tu ngôi phạm vũ.
Vì suy nghĩ mỗi lần trùng tu chùa là mỗi lần khó, do đó sư cô đã thành tâm khấn nguyện oai thần Tam bảo gia hộ cho ngôi phạm vũ được hoàn mãn sau 5 năm khởi công, tính từ năm 2008. Quả thật phước trùng duyên khởi tâm hằng sản, rất nhiều đàn na tín chủ ở trong và ngoài nước hễ ai nghe đến việc trùng tu chùa Phước Điền gặp khó khăn bỗng dưng tín tâm phát khởi cúng dường công sức lao động, người góp viên gạch, kẻ bao xi măng. Chỉ sau 3 năm đại trùng tu, ngôi chánh điện chùa Phước Điền phần nào đã hoàn tất phần xây dựng thô có diện tích 8 x 20m. Hiện nay thay vì tiếp tục hoàn tất phần lắp đặt cửa, trang trí chánh điện, cũng như nhà Tổ, trai đường, giảng đường, nhà trù v.v... thì công trình đang tạm ngưng vì cạn kiệt nguồn kinh phí. Cũng trong thời gian này, Sư cô Đức Hải đã vận động được một số y bác sĩ, mạnh thường quân tổ chức chương trình khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các cụ già trong thôn xóm mỗi tháng hai lần, với chi phí khoảng 1 triệu đồng. Công tác từ thiện này sở dĩ được duy trì đều đặn suốt 3 năm nay chính là nhờ vào sự phát tâm cúng dường tịnh tài và thuốc của quý Phật tử ân nhân xa gần.
Trong một lần viếng chùa Phước Điền gần đây, người viết bài đã chứng kiến vài chục cụ già lọm khọm hàng đêm vẫn đến chùa tụng kinh niệm Phật. Lực lượng Phật tử “gần đất xa trời” này chiếm đến 80% tổng số bổn đạo gắn bó với chùa. Hạnh phúc thay cho những ai biết tìm về cửa đạo, bến đỗ tâm linh trong kiếp người ngắn ngủi. Người dân trong thôn Thuận Hòa cho biết đời sống tu tập của Sư cô Đức Hải rất giản dị, thanh bần mà vui với đạo, đặc biệt là không bao giờ đi tụng đám theo yêu cầu của thí chủ. Là con cháu của Tổ sư Liễu Quán tha phương hành đạo, hẳn Sư cô Đức Hải có cớ để tiếp bước giữ gìn truyền thống của gia đình tâm linh.
Những năm gần đây cây bồ đề và cây sa la long thọ được trồng trước cổng chùa mỗi ngày mỗi vươn cao, bắt đầu tỏa bóng mát sau 5 năm bén rễ. Nằm ở phía trước chùa là ngôi trường mầm non, còn ở phía sau chùa là ngôi trường tiểu học. Tiếng trống trường thì thùng thì thùng sôi động, rộn ràng. Tiếng học sinh oang oang như ong vỡ tổ. Ở giữa không gian ấy là tiếng chuông chùa ngân nga, sâu lắng. Tâm thức thiện lành vì môi trường đó mà nẩy nở, bén duyên.
Ngày chúng tôi rời chùa để trở lại TP.HCM, hai con chó có tên là “Tu đi” và “An” được sư cô tập ăn chay từ nhỏ giờ đã quen nếp sống đạm bạc nhà chùa, cứ lẽo đẽo chạy theo sau vị trụ trì. Nhìn chúng thật đáng yêu và có phúc duyên để chuyển kiếp tốt hơn sau khi mãn phần, tôi nghĩ. Công tác đại trùng tu của chùa Phước Điền chưa biết đến lúc nào sẽ hoàn thành nếu không nhờ nhiều bàn tay vỗ nên tiếng, nhiều ý kiến hay góp lại thành.
Ghi lại vài dòng dưới đây kính tặng Sư cô Thích nữ Đức Hải, trụ trì chùa Phước Điền và cũng để gửi gắm tấm lòng hướng đến mọi tấm lòng nhân đó gieo duyên ngay trong đời hiện tại.
Cảnh chùa Phước Điền
Cảnh vắng thôn nghèo khách bên sông
Chùa hoang mấy độ trâu chạy rông
Phước trùng duyên khởi tâm hằng sản
Điền nhân điền quả lúa trổ đồng...