Cần nhìn thẳng để điều chỉnh

GN - Phải nói rằng, gần đây, liên tiếp các vụ việc liên quan tới người tu sĩ Phật giáo, dẫu chỉ vài cá nhân, nhưng đã gây nên bão trong dư luận, với sức tàn phá niềm tin về Giáo hội nói riêng và Phật giáo nói chung là không hề nhỏ.

b1.jpg

Trao đổi với một vài vị giáo phẩm thuộc hàng lãnh đạo cao cấp của Giáo hội, được biết hiện chưa thấy một đánh giá chính thức nào về những cơn bão dư luận đã qua.

Tuy nhiên, trong tiếp xúc với một số vị giáo phẩm, Phật tử trí thức, nhiều người đã bày tỏ sự lo ngại trước những diễn biến và cách xử lý, ứng phó với các vụ việc được xem là “khủng hoảng truyền thông”.

Sắc thái nghĩa tiêu cực đã xuất hiện và thay thế các thuộc tính của một vài khái niệm; tần suất biếm họa tới hình ảnh Phật giáo (chùa chiền, tu sĩ, hoạt động tín ngưỡng…) xuất hiện nhiều hơn trên các báo, lan truyền trên mạng xã hội chưa từng có trước đây.

Đó là chưa kể tới những phát ngôn quá lố, quy chụp, với thái độ khinh bạc làm tổn thương và gây ngộ nhận cho số đông, vẫn không thấy sự động tĩnh từ các vị chức trách thuộc ban chuyên ngành của Giáo hội, tỏ thái độ và phát ngôn để giải tỏa dư luận, thậm chí để làm an lòng tín đồ quan tâm.

Thế giới hôm nay là thế giới của thông tin. Thông tin thâm nhập vào ngóc ngách của đời sống, theo đó, tác động đến cái nhìn, nhận thức của nhiều người.

Không quá xa lạ, như chúng ta đã từng biết, chỉ với một thông tin thiếu trung thực trong việc cam kết hàng hóa mà một doanh nghiệp gắn với hàng thủ công truyền thống Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng và bị sụp đổ, biến mất hoàn toàn khỏi thị trường.

Có người cho rằng, vàng thật chẳng sợ gì lửa, nên không màng dư luận nói gì; do đó chủ quan trong khi ứng phó với các sự cố truyền thông liên hệ hình ảnh tiêu cực, áp đặt những gì có thể can thiệp và bỏ ngỏ cho báo chí khai thác theo cách mà họ muốn.

Người ta đã cảnh báo khủng hoảng truyền thông trong bối cảnh hiện nay có sự phức tạp và không theo một quy trình nào, chính vì thế, dư luận là chiếc gương để theo đó soi vào và có những điều chỉnh phương thức, chọn giải pháp phù hợp, trên nguyên tắc chân thành.

Có những lúc nhiều từ ám thị liên quan tới vài cá nhân tu sĩ Phật giáo đầy dẫy trên mạng xã hội, lan ra cả đời sống thực với hàm ý mỉa mai, châm biếm. Nó làm chao đảo và tổn thương tình cảm tôn giáo của không ít tín đồ đạo Phật. Và trong cơn bão dư luận đó, tiếng nói minh định của Giáo hội là rất cần thiết, như ngọn hải đăng giúp người đi biển yên lòng vượt qua phong ba.

Giáo hội hiện hữu với mục đích là hoằng dương Phật pháp, bảo hộ cho Tăng Ni, tín đồ tu học và phụng sự trong tinh thần tôn trọng pháp luật, kế thừa truyền thống lịch sử hai ngàn năm của Phật giáo Việt Nam, đem lại sự an lạc cho số đông.

Do đó, Giáo hội không thể đứng ngoài thế giới hiện đại - thế giới thông tin. Trong tính tương đối của cuộc đời, không một tổ chức nào là hoàn bị, không có sơ suất đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó phần nhiều là từ sự biến chất, không trọn vẹn lý tưởng sống của các thành viên. Nhìn thẳng sự thật và có ứng xử chân thành là cách làm đem lại sự cảm thông, ổn định lâu dài. Và đó cũng thái độ mà người Phật tử được khuyến khích trong mọi việc làm đem lại lợi lạc cho tự thân, cho người khác.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày