Theo giới bổn, Đức Phật chế định Tỳ-kheo không được cầm giữ vàng bạc, kinh doanh, buôn bán. Trước lúc viên tịch, Ngài còn thiết tha khuyên: “Giữ tịnh giới thì các thầy không được buôn, bán, đổi chác, sắm sửa đất nhà, nuôi người, tôi tớ và súc vật, lo việc gieo trồng, kinh doanh tài bảo. Tất cả việc này, hãy tránh như tránh hố lửa”. Thậm chí, “kể cả việc chặt phá cỏ cây và đào cuốc đất đai. Những việc chế thuốc thang, coi bói tướng, coi thiên văn, đoán thời tiết, tính lịch số, đều không thích hợp với các thầy” (kinh Di giáo). Theo đó, việc thích hợp với các thầy là “phải tự đoan tâm, chánh niệm”.
Như vậy, tu sĩ Phật giáo (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni) kinh doanh, buôn bán có phạm giới hay không? Xin thưa rằng có. Dĩ nhiên đó là những giới “nhẹ” (khinh giới). Đối với những giới nhẹ, Đức Phật từng cho phép lược bỏ nếu không phù hợp với thời đại, nhưng chư Thánh đệ tử quyết định giữ nguyên, vì e sẽ không có giới hạn nào, dẫn đến việc đổi bỏ tùy tiện, gây tranh cãi…
Sở dĩ chúng tôi đặt lại vấn đề này là nhân chuyện một Sư cô bán hàng online mạnh miệng tuyên bố việc làm của cô “luật pháp nhà nước không cấm”; cô buôn bán là vì muốn “tự nuôi sống bản thân mà không phụ thuộc vào kinh tế của bá tánh, không muốn làm gánh nặng cho xã hội”. Nhằm bình thường hóa việc kinh doanh của mình, cô cho rằng, “các chùa mở phòng phát hành cũng là một hình thức kinh doanh. Các sư cô ra chợ bán tương chao cũng là một hình thức kinh doanh”. Đáng nói là tuyên bố này được không ít người ủng hộ.
Trong xã hội ngày nay, việc tu sĩ kinh doanh không còn là điều xa lạ. Ngoài việc phát hành kinh sách, tranh tượng, đồ thờ cúng, nhiều chùa còn mở quán chay, tổ chức các tour hành hương; một số vị còn bán thư pháp, trà cụ v.v… Lợi nhuận từ việc kinh doanh ấy thường được biết là để trang trải chi phí cho chùa, hoặc cho mục đích cá nhân. Thông thường, nếu kinh doanh lành mạnh, không tranh giành, hơn thua với đời thì sẽ không có những phản ứng tiêu cực. Thậm chí có trường hợp một sư cô bán rau củ sạch (do chùa trồng) ở góc chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) còn được cộng đồng mạng kháo nhau đến ủng hộ. Trên phương diện xã hội, đó là một hình ảnh đẹp; nhưng về mặt giới luật, đó là điều vi phạm cấm giới.
Theo luật Tứ phần, những giới điều không cho phép Tỳ-kheo kinh doanh, buôn bán nằm trong thiên Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề (Xả đọa); thiên này tập trung vào việc không tích trữ tài sản dư theo quy định (chủ yếu là y, bát), nhằm ngăn ngừa lòng tham, không cho nghiệp sinh tử lớn mạnh khiến đọa lạc vào ba đường ác.
Giới luật Phật chế là để giúp cho người tu chuyên tâm, trực chỉ đến mục đích giải thoát, giác ngộ. Nhưng cũng cần thấy rằng, có nhiều điều giới được Phật chế còn vì “tị thế cơ hiềm” (tránh sự chê bai của người đời). Điển hình như câu chuyện của Tỳ-kheo Bạt-nan-đà. Khi đi đến thôn nọ, Bạt-nan-đà đã dùng gừng sống để đổi lấy thức ăn. Sau, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đến nơi ấy khất thực, chủ quán yêu cầu ngài nên có thứ gì để đổi. Chuyện đến tai Phật, Ngài chế định Tỳ-kheo không được buôn bán, đổi chác.
Ở đời, trao đổi hàng hóa là việc tất yếu. Thậm chí người ta còn dùng đủ mọi cách để kích thích nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng. Thế nhưng, Đức Phật và chư đệ tử của Ngài khước từ việc kinh doanh, nuôi sống thân tứ đại bằng cách khất thực - nhận vật phẩm từ sự hỷ cúng, ngon không ham, dở không bỏ. Việc khất thực được Ngài ví: “Như ong lấy hoa, chỉ lấy mùi vị mà không tổn thương hương sắc, người xuất gia cũng vậy. Thọ dụng cúng phẩm của người vừa khỏi đói khát thì thôi, không được ham cầu cho nhiều, phá vỡ thiện niệm của họ” (Kinh Di giáo).
Thuở Phật còn tại thế, có lần Ngài đi đến chỗ phân phát thực phẩm cho những người làm ruộng của Bà-la-môn Bà-la-đậu-bà-giá. Người này thấy Phật, bảo rằng ông ta cày ruộng, gieo giống để có lương thực, Sa-môn Cù-đàm (Phật) cũng nên như thế. Phật đáp, Ngài cũng gieo trồng. Rằng: “Tín tâm là hạt giống/ Khổ hạnh mưa đúng mùa/ Trí tuệ là cày, ách/ Tàm quý là cán cày/ Tự gìn giữ chánh niệm/ Là người giỏi chế ngự/ Giữ kín nghiệp thân, miệng/ Như thực phẩm trong kho/ Chân thật là xe tốt/ Sống vui không biếng nhác/ Tinh tấn không bỏ hoang/ An ổn mà tiến nhanh/ Thẳng đến không trở lại/ Đến được chỗ không lo/ Người cày ruộng như vậy/ Chứng đắc quả Niết-bàn/ Người cày ruộng như vậy/ Không tái sinh các hữu”. Nghe xong, Bà-la-môn Bà-la-đậu-bà-giá tăng trưởng tín tâm, tán thán: “Cù-đàm rất giỏi cày ruộng! Cù-đàm cày ruộng thật hay!”. Ông dâng thức ăn cúng Phật nhưng Ngài không nhận, vì: Thế Tôn nói pháp là vì lợi ích cho người chứ không phải vì thọ thực (theo Tạp A-hàm, kinh số 98).
Trở lại câu chuyện của vị sư cô bán hàng online nêu trên, một câu hỏi khác được đặt ra: Liệu tu sĩ có phải là gánh nặng cho xã hội? Thực ra, đây không là câu hỏi thích hợp. Câu hỏi thích hợp phải là: Người tu làm gì để không trở thành gánh nặng cho xã hội? Và câu trả lời đã được Đức Phật giải đáp trong bài kinh nêu trên.
Ở đời, mỗi người cần làm tốt chuyên môn của mình. Giáo viên thì dạy học; bác sĩ thì chữa bệnh; nhà khoa học thì nghiên cứu, sáng tạo; tu sĩ thì tu hành - chuyển hóa thân, khẩu, ý cho tốt đẹp, qua đó tạo tín tâm cho người khác. Họ tuy không trực tiếp tạo ra lương thực, thực phẩm nhưng lại đóng góp một phần không nhỏ cho xã hội. Một bác sĩ mà lấy việc cấy cày làm chính thì không còn là bác sĩ nữa. Người tu cũng vậy, không thể để việc kinh doanh cản trở đường tu. “Người xuất gia là cất bước thì muốn vượt tới phương trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối một cách rạng rỡ dòng giống của Phật, làm cho quân đội của ma phải rúng động khuất phục, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi” (văn Cảnh sách - Tổ Quy Sơn).
Chư Phật ba đời đều hành hạnh khất thực. Khất thực là cách tốt nhất để chúng sanh gieo duyên với Phật và chúng Tăng. Chúng sanh có duyên với Phật mới được Phật hóa độ. Đệ tử xuất gia của Phật ngày nay nhiều nơi không còn hành hạnh khất thực, nhưng bằng cách này hay cách khác, các vị vẫn gieo duyên với thập phương bá tánh, nợ bá tánh, để từ đó canh cánh việc tri ân, báo ân mà chuyên tâm tu hành. Người tu thọ ân đàn-na tín thí, ân ấy được sánh với ân chư Phật, thầy tổ, cha mẹ. Một người tu nếu tự kinh doanh kiếm sống thường sẽ không cảm thấy ân nặng trong từng hạt gạo, do đó dễ xảy ra chuyện hành hoạt tùy thích, miễn “luật pháp nhà nước không cấm”. Mối quan hệ tứ chúng đệ tử Phật theo đó có nguy cơ bị phá vỡ.
Trong lịch sử phát triển Phật giáo, nhất là Phật giáo Bắc truyền, đời sống Tăng theo phương xứ đã có những biến cải nhất định. Như ở Trung Quốc, chư Tăng do khó giữ hạnh khất thực, nên hình thức “nông thiền” được cổ xúy. Ngài Đạo An - thời Tấn, thường: “Tề kinh nhập điền, nhân tức tựu lãm” (Mang kinh vào ruộng, lúc nghỉ ngơi thì đem ra xem); ngài Bách Trượng - thời Đường, lập nên tinh thần tác vụ: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (Ngày nào không làm, ngày đó không ăn); ngay như Bố Đại hòa thượng - thời Ngũ đại, lội ruộng cấy lúa, miệng ngâm nga: “Thủ niết thanh miêu chủng phước điền/ Đê đầu tiện kiến thủy trung thiên/ Lục căn thanh tịnh phương thành đạo/ Hậu thối nguyên lai thị hướng tiền” (Tách nhánh mạ non cấy phước điền/ Cúi đầu là thấy “thủy trung thiên”/ Lục căn thanh tịnh mới thành đạo/ Lùi bước chính là đã tiến lên). Từ đó, nhiều thuật ngữ nhà nông đã đi vào thiền ngữ, như: “xuất thảo nhập thảo” (ngoài việc tự tu chứng, cần phải hóa độ chúng sanh), “hắc đậu kham định” (chấp trước văn tự, khó có thể giải thoát) v.v…
Một khi giới luật thời Phật vẫn còn được giữ nguyên, trong khi đời sống Tăng thay đổi theo phương xứ, thời đại, thì việc một vị Tăng vi phạm giới luật là điều khó có thể tránh khỏi. Đơn cử như việc giữ tiền hay tài khoản ngân hàng chẳng hạn. Chấp nhận việc phương tiện tùy duyên, thì hẳn nhiên cũng chấp nhận làm một vị Tăng khuyết giới. Mang danh một vị Tăng khuyết giới hẳn vị Tỳ-kheo ấy sẽ cảm thấy hổ thẹn, nhưng hổ thẹn để tấn tu chứ không phải để buông xuôi. Nhờ hổ thẹn, tự xoa đầu mình, mà dẹp bớt bản ngã, tạo thêm thiện căn công đức.
Cho nên, trong việc tu hành, chúng ta không nên nhìn đồng đạo có giữ giới hay không - cho rằng người đó phạm giới nên tôi cũng phạm - mà nên nhìn những pháp lữ tinh cần giữ giới như thế nào, để mình noi theo. Đó mới là con đường thẳng ngay để vào đạo.