Cậu đã cứu sống mình đấy!

Cậu đã cứu sống mình đấy!

Một ngày nọ, khi đang đi bộ từ trường về nhà, Mark trông thấy một người bạn cùng trường đi phía trước vấp ngã làm đổ tung sách vở và vài thứ vật dụng ra đường. Mark cúi xuống giúp cậu ta nhặt lại các món đồ và mang giúp một số thứ. Trên đường đi, Mark được biết tên cậu là Bill, vừa chia tay với cô bạn gái đã yêu thương hai năm qua, điều đó khiến cậu rất đau buồn.

Sau lần chuyện trò đó, Mark và Bill đã có những dịp ăn trưa cùng nhau tại căng-tin trường. Họ vẫn thường xuyên gặp gỡ nhau cho đến năm cuối của bậc đại học. Ba tuần trước khi lễ tốt nghiệp diễn ra, Bill và Mark gặp nhau tại một tiệm cà phê gần trường.

Trong cuộc trò chuyện để chia tay này, Bill nhắc Mark nhớ lại cái ngày họ gặp nhau lần đầu:

Cậu có biết vì sao hôm đó mình lại mang nhiều đồ về nhà như vậy không? Bill hỏi. Hôm ấy, mình đã dọn sạch ngăn tủ vì không muốn để lại bất cứ thứ gì của mình cả. Lúc đó, mình đang rất tuyệt vọng vì mối tình đầu tan vỡ. Trước đó, mình đã mua được gần 30 viên thuốc ngủ ở các hiệu thuốc khác nhau và hôm đó mình về nhà là để tự tử. Nhưng khi gặp cậu, chúng mình cùng trò chuyện và cười đùa vui vẻ, mình nhận thấy rằng nếu chết đi mình sẽ rất hối tiếc khoảnh khắc vui tươi đó và có thể cả quãng thời gian sau này nữa. Cậu thấy đấy, vào ngày hôm đó, cậu nhặt hộ mình những cuốn sách, cậu đã giúp mình được hơn thế rất nhiều.

Cậu đã cứu sống mình đấy! (Theo Nghệ thuật sống)

BÀI HỌC ĐẠO LÝ:  Có câu chuyện về một cô gái trẻ đang gặp phải những nỗi tuyệt vọng. Cô quyết định tìm đến cái chết cho lòng nhẹ nhàng thanh thản hơn. Khi đi đến một cây cầu bắc qua dòng sông sâu, cô gái nhìn thật lâu xuống dòng nước cuồn cuộn như bị thôi miên và sắp sửa nhảy xuống thì chợt nghe tiếng nói chậm rãi của một cụ già vang lên bên cạnh:

- Cháu định nhảy xuống ư? Cháu nên về nhà chào mẹ cháu một câu rồi quay lại cũng chẳng muộn mà!

Nói rồi ông lão cầm cần câu thong thả đi về phía đầu cầu không ngoái lại.

Trong cuộc sống có những lúc chúng ta giúp người khác chỉ bằng một câu nói nhẹ nhàng thôi, nhưng ý nghĩa và ảnh hưởng của nó đôi khi lại rất lớn. Cô gái kia rất cần những lời êm dịu như vậy. Sự lắng nghe trong cái khoảnh khắc gần kề với địa ngục đã kịp thời giúp cô quay trở lại cuộc sống đáng yêu đang chờ cô phía trước. Khi sóng gió đi qua, cô gái thầm biết ơn cụ già đã xuất hiện đúng lúc như ông Bụt hiền trong cổ tích. Và cái cậu sinh viên Mark kia cũng là "ông Bụt trẻ", chỉ nhặt giúp bạn vài cuốn sách thôi, rất vô tư. Mark không nói gì cả, nhưng sự chân tình và thân thiện đã làm cho Bill thêm niềm tin vào cuộc sống, quên lãng chuyện quyên sinh.

Chúng ta vì nhiều lý do khác nhau nên đa phần sống theo kiểu "phớt tỉnh Ăng-lê". Mặc kệ, nhà nào biết nhà nấy, không ai còn thì giờ quan tâm đến những việc lặt vặt bên ngoài và sự vô cảm xuất hiện trong ta lúc nào không hay. May sao cái vô cảm đó chưa bị nhiễm nhiều trong cuộc sống. Con người ngoài việc thiếu cái ăn cái mặc, còn thiếu một cái rất quan trọng nữa, đó là thiếu người giúp mình vượt qua những bế tắc tuyệt vọng trong cuộc sống. Sự giúp đỡ ấy không đòi hỏi vật chất tiền bạc tốn kém, chỉ là những việc đơn giản như việc cậu Mark giúp Bill nhặt vài cuốn sách, việc cụ già giúp cô gái một câu nói nhẹ nhàng đầy sự cảm thông chia sẻ, đâu có tốn kém gì đâu. Vậy mà đã cứu sống được mạng người.

Đức Phật từng dạy rằng: Đừng khinh suất những điều nhỏ nhặt, vì nhân tuy nhỏ nhưng quả thì thật khó lường. Cứu sống người là quả phước lớn chỉ từ những việc nhỏ. Nếu ai cũng ý thức được điều này thì cuộc sống đâu còn chỗ cho sự vô cảm hững hờ…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày