GN - Khi bạn nói mọi thứ ở đời đều do nhân duyên, tôi hiểu bạn đã cảm thông...
Mỗi khi nhắc đến thâm tình và ân nghĩa vợ chồng, người ta thường nói “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Tuy nhiên, quy luật vô thường không cho phép con người gắn bó với nhau cho đến trọn đời. Có người chung thủy giữ trọn lời thề non hẹn biển một mình, nhưng đôi khi vì nhiều lẽ khác nhau, người còn lại đành phải đi tìm một mảnh tình mới cho riêng mình.
Tôi có một người bạn, trước kia khi cha mẹ còn đầy đủ, cuộc sống rất hạnh phúc. Nhưng rồi “trời kêu ai người ấy dạ”, mẹ bạn vì bệnh hiểm nghèo mà qua đời, cuộc sống gia đình bạn từ đó bắt đầu thay đổi. Người cha một lúc phải đóng hai vai trò, thân gà trống nuôi con, nhiều khi nhìn thấy món ăn kỳ dị do ba bạn chế ra, tôi cũng ái ngại. Lúc đó mới thấy người phụ nữ quan trọng biết chừng nào cho cuộc sống gia đình.
Sau khi mẹ mất, bạn tôi quy y Tam bảo và trở thành Phật tử. Hơn ba năm sau, tôi được tin ba của bạn đang tìm hiểu một người phụ nữ khác. Tôi đã hỏi bạn suy nghĩ như thế nào về chuyện tái hôn của ba mình, bạn chỉ trả lời rằng “không thể chấp nhận được” với ánh mắt chứa đầy phẫn nộ.
Tôi chợt nghĩ nếu mình ở trong trường hợp như thế, không biết mình sẽ phản ứng và giải quyết ra sao. Và câu hỏi ấy cũng đeo bám tôi suốt một thời gian dài cho đến ngày gặp bạn, tôi cố tình gợi lại chuyện “đi bước nữa” để xem phản ứng của bạn mình thế nào, và tôi cũng chuẩn bị sẵn tâm lý là mình sẽ thất vọng. Tuy nhiên, mọi giả thuyết của tôi đều sai lầm khi thấy bạn chấp nhận chuyện ấy như một lẽ thường tình.
Bạn nói: “Nếu sau này, mấy chị em lập gia đình, ở riêng, lúc đó ba sẽ chỉ có một mình, không ai chăm sóc, nghĩ cũng tội nghiệp cho ba. Bây giờ mình thấy nhẹ nhàng vì đã chấp nhận được người bạn mới của ba”. Tôi nghe như vậy cũng vui lây, đúng là Phật pháp thật kỳ diệu đã chuyển hóa một người nóng tính, chỉ biết giận hờn lại thành một người thấu hiểu, nhu hòa, biết lo nghĩ cho người khác.
Khi bạn nói với tôi rằng mọi thứ ở đời đều do nhân duyên, tôi hiểu bạn đã cảm thông và làm tròn trách nhiệm của một người con trong tình cảnh ấy. Có vài người đã oán trách, phê phán người đàn ông kia phản bội lại người vợ quá cố, nhưng với riêng tôi, tôi chỉ cảm nhận được một điều rằng, người đàn ông ấy đang rất cô đơn và đau khổ vì không thể làm tròn bổn phận với vợ con mình.
Tôi nghiệm ra rằng “hãy cho đi rồi bạn sẽ nhận lại” vì “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Bản chất của con người thường là ích kỷ, trong tình cảm lại càng ích kỷ hơn. Khi nào thực sự thấu hiểu thì chúng ta mới có thể vượt qua được chính bản thân mình, cảm thông với mọi người, và nhất là tìm được sự yên vui trong cuộc sống hiện tại.