GN - Dù ở bất cứ nơi nào, từ ngày này qua ngày khác, quả đất đều đang chuyển động với cùng một tốc độ. Nhưng trong thế giới hiện đại, chúng ta tự thuyết phục mình rằng “thế giới đang chuyển động nhanh hơn” và chính tốc độ đó “tham gia vào sự vận hành cuộc sống của chúng ta”. Dưới áp lực của lịch trình và những điều cam kết, chúng ta nghĩ “có thể thành tựu được nhiều hơn nếu mình ‘nhanh hơn’ mỗi ngày”...
Chậm lại để đi được xa hơn - Ảnh: Như Danh
Sự gấp gáp, thúc bách… là do chính chúng ta tạo ra
Tốc độ làm cho cuộc sống cuồng loạn. Trạng thái tâm lo lắng, bất an ngăn cản chúng ta an định và an trú trong những việc mình đang tiến hành. Trong suy nghĩ của chúng ta, luôn luôn có gì đó quan trọng hơn điều mình đang làm. Chúng ta đỗ xe bên ngoài một cửa hiệu, cố gắng tìm kiếm các món cần mua khi đang nói chuyện với người thân qua điện thoại. Thay vì hoàn thành các hoạt động một cách tốt đẹp, chúng ta lại “hủy hoại” chúng bởi vì ta không thật sự có mặt ở nơi đó, cho hoạt động đó.
Tốc độ hay sự gấp rút do mình tự tạo ra đó dần dần mạnh lên và có đà để “cai trị” chúng ta. Thật ra, đó là thứ tư duy tủn mủn “làm mù lòa” những gì cuộc sống thật sự mang đến cho chúng ta - cơ hội để phát triển trí tuệ và yêu thương.
Cái tâm bị thúc đẩy đó giống như động cơ đốt trong. Nỗ lực tối đa để tạo ra năng lượng, đồng thời các phế phẩm độc hại cũng được sinh ra nhiều hơn cùng với sự kiệt quệ và ô nhiễm. Thậm chí khi đọc sách hay xem phim, cái tâm cuống quýt của chúng ta cũng liên tục và ngấm ngầm hoạt động.
Với cái tâm đó, chúng ta không bao giờ có thể tận hưởng được các thành quả của lao động, của yêu thương hay của cuộc sống này. Chúng ta không thể thư giãn, nghỉ ngơi.
Tốc độ đó đến từ sự tham vọng quá mức. Không cảm thấy hài lòng, chúng ta trở nên thúc bách trong cách vận hành cuộc sống của mình. Trong nỗ lực kết nối với ý niệm hạnh phúc, chúng ta lấp đầy lịch trình của mình và dành cả ngày để bám riết vào danh sách công việc đó: chạy theo các cuộc hẹn, các cuộc gọi trong trạng thái tâm đố kỵ, hơn thua, dính mắc và bực dọc - bất cứ điều gì đưa chúng ta đến nơi ta nghĩ mình cần phải đến. Khi diễn tiến cuộc sống vẫn không trùng khớp với mong muốn của mình, chúng ta điên tiết lên - đôi khi chỉ đơn giản vì người khác đến muộn hay vì ta đến sớm. Chúng ta “nổi đóa” lên vì bản thân mình già đi, đổ bệnh và vì sự già đi, bệnh tật của người khác.
Trí tuệ “nói” với chúng ta rằng, nên sống trọn vẹn và ý nghĩa. Một cuộc đời thành công hay không, vốn không được định nghĩa bằng tốc độ sống của mỗi người. Nếu liên miên đập mãi đôi cánh của mình, không ngừng nghỉ mưu cầu điều mong muốn trong sự vội vàng, giục giã thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ kiệt quệ. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể tìm thấy điều mình thật sự tìm kiếm, đó chính là sự hài lòng.
Tốc độ chỉ mang chúng ta đến gần hơn với sự đòi hỏi cho một tốc độ khác nhanh hơn mà thôi.
“Nhanh hơn” không có nghĩa hiệu quả và tốt đẹp hơn
Lịch làm việc của tôi đầy kín hàng nhiều tháng, nhiều năm. Tôi cảm thấy ngạt thở bởi áp lực biết được những gì mình phải làm trong năm tới. Vì bị bủa vây bởi quá nhiều cuộc gặp, tôi nghĩ đến tốc độ - nếu tôi làm những việc này nhanh hơn, tôi sẽ được nghỉ ngơi sớm hơn.
Và bây giờ tôi nhận ra rằng, nếu tôi thư giãn ngay trong việc tôi đang làm và tận hưởng nó, tôi được nhẹ nhõm vì không phải điều khiển chính mình, không phải liên tục kiểm tra thời gian. Khi không phung phí năng lượng bằng cách “nhấn chìm mình” vào áp lực và tốc độ, tôi thật sự hoàn thành được nhiều việc hơn.
Quan sát các gôn thủ hay các nhà vô địch điền kinh, tôi thấy nguyên tắc này hiệu quả. Dường như họ thường bắt đầu chậm nhưng lại chạy nhanh hơn người khác hay đánh được quả bóng đi xa hơn. Thoạt nhìn có vẻ như họ thiếu quyết tâm hay không nỗ lực đúng mức nhưng thật ra họ đã loại bỏ hết các cử động hay sự dịch chuyển không cần thiết. Khi được hỏi về bí quyết để thành công, họ thường nói đến một sự thư giãn và cân bằng bên trong giúp cho họ biểu diễn và thi đấu tốt hơn, hiếm khi nào lại là sự tuyệt vọng thúc đẩy họ nhanh hơn để đánh bại người khác.
Nhiều năm trước đây tôi may mắn được học với ngài Dilgo Khyentse Rinpoche. Ngài là một thiền sư nổi tiếng, cũng là thầy của các vị thầy và các vị vua ở Tây Tạng. Ngài nói chuyện nhỏ nhẹ và năng lượng từ ngài được phát tỏa ra một cách rất nhẹ nhàng. Ngài đã lớn tuổi, ngồi trên giường, đắp chiếc chăn yêu thích quanh thắt lưng và các môn đồ quây quanh ngài. Trong sự hiện diện của ngài, dường như “không có gì xảy ra cả”. Ngài giảng pháp, viết lách, làm thơ… đều trong sự điềm tĩnh, không gắng công vì các hoạt động này đều được tiếp dưỡng bằng yêu thương, chứ không phải sự vội vã.
Nắm bắt và làm chủ cuộc sống bằng sự điềm tĩnh, cân bằng
Khi vội vã, chúng ta đang nắm bắt hay nắm giữ cuộc sống này? - Khả năng nắm bắt cuộc sống đến từ sự hài lòng với những gì đang diễn tiến.
Đầu tiên nhất là nhận diện được chúng ta có thể hạnh phúc và bình yên. Chúng ta có thể phát triển lòng nhẫn nại, nghĩa là không quá thúc bách với cuộc sống của mình. Chúng ta không cần phải lao đi với tốc độ cao. Hãy chậm lại. Ăn nhiều không nhất thiết làm cho thức ăn ngon miệng hơn. Nổi giận với giao thông không làm ta đi nhanh hơn được.
Thiền tập đem đến cho ta cơ hội “được chậm lại” mỗi ngày. Đây là cách chúng ta có thể từ từ, từng chút một bước ra khỏi vòng quay của tốc độ. Ngồi yên và tập trung vào tâm, chúng ta “tuyên bố” mỗi ngày, với bản thân rằng: đời người là quý giá. Việc tận dụng thời gian để trân trọng cuộc sống đến từ sự quyết tâm và trí tuệ. Bằng cách này, chúng ta đơn giản hóa cuộc sống của mình và tái lập được không gian để trân quý cuộc sống mà không mất đi gì cả. Hãy học cách đưa mình lên cao bằng những cơn gió, trân quý những gì nhìn thấy được từ mọi phương hướng. Hãy học cách thư giãn.
Các bậc thầy vĩ đại có nhiều thành tựu, không phải bằng tốc độ mà vì họ đang di chuyển trên những chiếc đồng hồ của trí tuệ và yêu thương. Trí tuệ cứ ngụ trong thời khắc của thời gian bất tận và yêu thương trân quý thời khắc vĩnh cửu đó. Sự vội vàng và thúc giục làm u mờ chúng ta bằng cảm giác rằng thời gian trước mắt đang cạn dần.
Hãy để chiếc đồng hồ hối thúc kia ở lại phía sau, dọn đường và đưa chiếc đồng hồ của trí tuệ, tình thương tiến lên phía trước. Chúng ta có thể đơn giản hóa cuộc sống của mình bằng cách hủy cuộc hẹn trong sân giận lúc 7 giờ, trong sự ganh tỵ giữa trưa, trong sự kiêu hãnh lúc 5 giờ chiều và trong sự hối tiếc lúc 7 giờ tối. Tỉnh giấc và nhận diện rằng chúng ta không cần phải cuống cuồng. Với yêu thương như là cuộc hẹn hò duy nhất, chúng ta có tất cả thời gian của thế giới này.
SAKYONG MIPHAM RINPOCHE
Trần Trọng Hiếu chuyển ngữ
(theo Lion’s Roar)
Thưởng thức từng việc mình làm Còn trẻ, ai cũng muốn làm được nhiều việc, vì thế luôn vội vã trong khi làm một việc cũng như thường nhận thật nhiều công việc để làm ngày làm đêm. Chính vậy, số lượng người trẻ kiếm nhiều tiền càng cao đương nhiên cũng tỷ lệ thuận với số người trẻ bị stress trong công việc, mệt mỏi, mất phương hướng… Thực ra, trong khi làm việc mà bạn không có an vui, hạnh phúc với việc mình làm thì công việc đó dù hoàn thành thì cũng không mang lại giá trị nhiều cho cộng đồng và bản thân. Thước đo chất lượng công việc thiết nghĩ không phải ở chỗ chúng ta làm nhiều và làm nhanh mà là làm có an vui, có hạnh phúc khi làm không! Đức Dalai Lama thứ XIV từng nói một vấn đề được cả thế giới suy ngẫm, đại ý là con người thật kỳ lạ khi cứ đổ thật nhiều sức khỏe để kiếm tiền rồi sau đó lại dùng rất nhiều tiền để mong có lại chút sức khỏe. Đây là sự thật do định nghĩa về thành đạt chỉ với một vế là kiếm thật nhiều tiền, từ đó xác định vị trí trong xã hội mà quên mất giá trị tinh thần (là sự thảnh thơi, hạnh phúc trong công việc). Có một định nghĩa cũng rất đáng suy ngẫm khác: hạnh phúc là con đường (chứ không phải đích đến). Theo đó, bạn hãy làm việc tùy sức và thưởng thức từng việc mình làm bằng sự chánh niệm: mình làm việc này và biết mình đang làm việc này, mỉm cười với công việc và với chính mình, biết ơn cuộc sống vì mình còn khỏe để làm việc. Được vậy, chắc chắn bạn sẽ thành công theo cách của mình, và đó là thành công bền vững! Đỗ Thị Hiền |