Chắp vá

Giác Ngộ - Những cuộc hôn nhân đổ vỡ mà những người trong cuộc cũng không hề biết nguyên nhân là do họ chưa bao giờ tĩnh tâm để nhìn thẳng vào “bức tranh” gia đình. Có những vết thương mà họ nghĩ rằng che khuất nó một cách tạm bợ thì coi như không có gì, nhưng họ không ngờ càng che thì nó càng dễ bộc phát!

1.

Lạnh trong lòng. Cái cảm giác ấy làm người ta dễ hoang mang, lo sợ, vì cô đơn. Đôi khi vì quen với những nơi chốn chộn rộn, quen với những nụ cười, tiếng nói hay những thói quen nào đó nên người ta sẽ lạnh trong lòng khi nó mất đi, hoặc “biến mất”.  

Chắp vá ảnh 1

Ảnh minh họa

Cái gì cũng cần có một quá trình để tích luỹ, trưởng thành và rồi đến một lúc nào đó nó cũng cần một quá trình (hoặc một nguyên nhân) để già cõi, và biến mất. Chúng ta càng cố gắng kéo dài quá trình (hay thời gian) cho sự tồn tại của một thực thể mà bản chất của nó có sinh, có diệt thì ta dễ bó buộc, cột chặt hoặc lệ thuộc nó.

Có khi vì muốn sống thật lâu mà người ta đã làm quá nhiều thứ để… rút ngắn tuổi thọ của mình, chẳng hạn như ăn uống quá bổ dưỡng. Vậy mới biết, đôi lúc vì quá nôn nóng, quá sợ hãi ta đã dùng sai thuốc, chăm sóc bản thân (hoặc một mối quan hệ nào đó) quá kỹ, nhưng thực tế ta lại vô tình làm hại nó. Lý do còn vì mình không hiểu bản thân (hoặc mối quan hệ nào đó) cần gì, nên như thế nào, liều lượng gia giảm tuỳ lúc, tuỳ hoàn cảnh!

Quá nuông chiều một cái gì đó cũng làm cho nó ỷ lại, và trên hết là mình sẽ bị nó dẫn dắt đến mức phải… làm bậy! Làm bậy có nghĩa là làm không đúng, không đúng là bởi vì mình nhìn nhận, đánh giá, hoặc có thái độ thiếu trung dung.

2.

Có một người bạn tâm sự với tôi rằng: “Trong tình yêu tôi luôn hết lòng, thế sao người ta vẫn bỏ tôi mà đi?”. Ờ, thì trong tình yêu mình cần chân thành, thuỷ chung, tôn trọng… nhưng có những cái thuộc về ứng xử cũng có khả năng làm tình cảm “sống còn” hoặc “chết yểu”. Tất nhiên, khi yêu thì người ta sẽ quan tâm chăm sóc, nhưng đó không phải là sự chăm bẵm một cách đầy quyền lực và mang tính ràng buộc, cột chặt người ta vào mình. Định nghĩa về một hiện tượng, một hành động hoặc một danh xưng nào đó… quan trọng lắm lắm. Nếu chúng ta không định nghĩa được tình yêu và chưa có “chiến lược” yêu đương thì đừng vội vàng nói yêu.

“Chiến lược” yêu chính là những gạch đầu dòng trong tình cảm, dự định tương lai, ứng xử phù hợp với “đối tác”… Nhiều người “chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì” nên khi bước vào tình yêu, đến một lúc nào đó, sau những chếch choáng, đê mê của cái “thuở ban đầu” với những xúc cảm (một dạng endorphin) thì người ta thường… chông chênh (vì có quá nhiều “bài toán” đặt ra mà người ta không thể lường trước được).

Nếu có “chiến lược” thì khi bước qua từng giai đoạn người ta sẽ có cách ứng phó phù hợp, chuyển hoá một cách uyển chuyển để làm mới mình và cả mối quan hệ. Chỉ có những người yếu đuối thật sự mới làm mới cuộc sống mình bằng cách thay đổi mối quan hệ, tìm hoàn cảnh khác!

3.

Thầy tôi là một giáo viên, gắn bó với nghề trên 20 năm, có lúc, đứa học trò là tôi phỏng vấn rằng: “Hai mươi năm, cứ nói đi nói lại một nội dung, có bao giờ thầy chán?”. Thầy điềm tĩnh nhìn tôi, cười hiền khô, rồi thầy nói: “Không em ạ, mỗi giờ lên lớp của thầy đều là một giờ mới toanh, vì sau một bài giảng thầy không bao giờ nghĩ rằng mình đã từng nói bài ấy một (hoặc nhiều) lần rồi”.

Chắp vá ảnh 2 

Nếu chúng ta không định nghĩa được tình yêu
và chưa có “chiến lược” yêu đương thì đừng vội vàng nói yêu.

Câu trả lời của thầy phù hợp với triết lý vô thường tồn tại hiển nhiên, như kiểu “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Nếu ai mặc định về sự thường còn, bất biến của sự sự-vật vật nào đó thì chắc chắn sẽ thấy mình chai sạn một sớm, một chiều. Chai vì mình không nhận diện sự thay đổi, vì ngại làm mới tâm hồn. Học cách quên là một bài học khó nhưng nếu thực tập thành công thì mình sẽ nhẹ nhàng rất nhiều…

4.

Tôi bảo bạn đừng nên cố gắng phản kháng bất kỳ điều gì đang diễn ra. Hãy ngồi thật im, quan sát thật khẽ, để xem nó sẽ đi đâu về đâu. Nếu vội vàng phản kháng, đưa ra những nhận định e rằng sẽ có những sai lầm. Có những điều mắt thấy, tai nghe chưa chắc đã là sự thật, huống hồ nó chỉ là một biểu hiện tức thời.

Có cái mình cần phải truy đuổi nguyên nhân đến cùng, để tìm ra chân tơ kẽ tóc, nhưng có những cái chẳng có nguyên nhân to tát nào cả, đến lúc nó biểu hiện vậy thôi, nguyên nhân có khi là một sự vô hình, không thể gọi tên, không thể cầm nắm. Ví như chuyện, có anh chàng hai mươi mấy đi yêu điên cuồng một bà sồn sồn, dù bà chẳng có của nả gì; hoặc chuyện một ông có vợ xinh ơi là xinh đi yêu một bà bán nước đá đầu hẻm cơ quan, vừa già, vừa xấu hơn vợ. Câu trả lời có thể đó là sự đồng cảm, thứ cảm xúc ẩn tàng trong con người mà một khi tìm thấy nó ở một nơi nào đó thì người ta xem đó là “bến đổ”.  

Tất nhiên, như thế là không tốt, nhưng nếu nó biểu hiện thì cũng là một trong muôn vàn những biểu hiện của cuộc sống, và rồi thì điều mọi người quan tâm chính là người trong cuộc có đối mặt để giải quyết nó một cách tốt nhất, nhân văn nhất?

Cũng giống như chuyện một người bị bệnh ung thư, lúc đi khám, bác sĩ của năm bảy bệnh viện lắc đầu bảo về ăn gì rồi chết, thế nhưng năm tháng sau người bệnh đi khám lại và không còn ung thư. Bác sĩ lắc đầu bảo không hiểu. Nhưng, cuộc sống có những cái không (chưa) chứng minh được, vì nó không thuộc tầm hiểu biết của con người. Mà những cái chưa chứng minh được thường bị liệt vào dạng… bất thường. Hoặc những cái số ít tồn tại thì bị cho là dị biệt, không theo lẽ tự nhiên!

Con người cứ cố sống theo lẽ tự nhiên, và luôn đặt ta chuẩn mực, càng ngày càng gắt gao thì con người càng khổ. Và đó chính là sự phản kháng trước tự nhiên, tác động quá nhiều vào cuộc sống… Đương nhiên, khi ấy mình sẽ phải bị tác động lại bằng một phản lực từ cuộc sống, từ tự nhiên! Song, đâu phải ai cũng lường trước phản lực ấy, bởi có những phản lực nó đi âm thầm, nếu chỉ nhìn bằng mắt, nghe bằng tai thì không thấy được.

Những cuộc hôn nhân đổ vỡ mà những người trong cuộc cũng không hề biết nguyên nhân là do họ chưa bao giờ tĩnh tâm để nhìn thẳng vào “bức tranh” gia đình. Có những vết thương mà họ nghĩ rằng che khuất nó một cách tạm bợ thì coi như không có gì, nhưng họ không ngờ càng che thì nó càng dễ bộc phát!

5.

Tôi lại đọc hai câu thơ của Xuân Diệu, hai câu mang triết lý vô thường: “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua/Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”. Nghĩ về hai vế đối nhau giữa tới và sẽ qua (đang qua), non và già, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ông nhà thơ này sao mà… lo xa quá. Tôi không nghĩ vậy, tôi nghĩ ông đã có một trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống, tình yêu, và nhiều thứ khác.  

Song, khi đọc hai câu ấy tôi lại muốn sống khác, không phải là sống “vội vàng” như chính ông - Xuân Diệu đề xuất: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ” mà là sống chậm rãi, ngồi ngắm mây trời, nghe gió thở và cùng thở, cười với mùa xuân đang đến, đang qua và sẽ già…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày