"Chỉ có giới luật mới có thể giữ gìn phạm hạnh người xuất gia"

HT.Thích Minh Thông
HT.Thích Minh Thông

GN - Trước lễ khai mạc Đại giới đàn Trí Đức PL.2559 - DL.2015, trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ về giá trị cũng như trách vụ giữ gìn giới luật của hàng đệ tử Phật trong thời hiện đại, HT.Thích Minh Thông, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM, một vị giáo phẩm thâm hiểu về Luật tạng chia sẻ:

- Giới luật chính là hệ thống các điều khoản đạo đức do Đức Phật chế định để hàng đệ tử xuất gia và tại gia thọ trì, nhằm đem lại an lạc cho bản thân, cho Tăng đoàn và cho xã hội.

Luật bao gồm cả giới, còn giới chỉ là một phần của luật. Trì giới chỉ là việc của cá nhân, còn trì luật là việc của cộng đồng đại chúng trong Tăng đoàn.

Và cũng cần hiểu rằng, cả một đời giáo hóa của Đức Thế Tôn, việc chế giới không ngoài ba nguyên nhân như sau: Đẩy lùi những trở ngăn trên con đường giải thoát và quả chứng, xóa bỏ những điều làm tổn thương đến sự đoàn kết, hòa hợp và an lạc Tăng đoàn, dứt trừ những gì ảnh hưởng đến tâm tín cùng sự chê bai, phỉ báng của người thế gian.

Nói như thế để thấy rằng bất cứ thời đại nào, dù cuộc sống và xã hội có thay đổi nhưng giới luật vẫn mang giá trị vĩnh cửu trong việc xây dựng và giữ gìn phẩm hạnh của người xuất gia. Giới luật theo cách hiểu đúng nhất không chỉ là 250 giới cho vị Tỳ-kheo, 348 giới dành cho vị Tỳ-kheo-ni, 10 giới cho vị Sa-di, 5 giới dành cho hàng tại gia mà đó là tất cả những phạm trù giúp cho người vâng giữ tạo dựng những hàng rào, thành quách để bảo vệ chính bản thân và phạm hạnh của mình. Đặc biệt, đối với vị xuất gia đăng đàn thọ giới, việc hành trì giới luật sẽ giúp tạo ra vô tác giới thể, một trong những điều kiện cơ bản để hình thành nên vị Tỳ-kheo đúng pháp và là cơ sở để tiến xa hơn nữa trên con đường tu tập, giải thoát sau này.

ANH BT (25).JPG

Giới tử Đại giới đàn Trí Đức phát nguyện thọ trì giới pháp - Ảnh: Bảo Toàn

* Nhưng xã hội đang có những thay đổi chóng mặt và theo Hòa thượng, giới luật có cần đi theo hướng được cập nhật để mang tính thực tiễn?

- Giới luật Phật giáo bao giờ cũng được xây dựng trên hai phương diện: Tánh giới và Giá giới. Qua đó, Đức Phật khuyến cáo những gì thuộc về Tánh giới thì có giá trị vượt không gian, thời gian và không bao giờ được thay đổi hay khai mở. Ngược lại, đối với Giá giới thì có thể thay đổi vì bản chất chỉ nhằm bảo vệ sự an lạc của người thọ giữ từng giai đoạn ở từng địa phương.

Và trên thực tế, giới luật phải được áp dụng một cách linh hoạt, mang tính khế lý, khế cơ. Quyển thứ 22, Luật Ngũ phần, Đức Phật dạy rằng những gì mà Ngài chưa chế định nhưng người đời sau thấy cần thiết cho cuộc sống tự thân và sự phát triển Tăng đoàn thì nên đưa vào áp dụng. Riêng những gì Ngài đã chế ra nhưng do những đổi thay của xã hội, không còn phù hợp nữa thì nên bãi bỏ.

Ví dụ lúc còn tại thế, Phật không cấm hút thuốc, không cấm xem phim có nội dung đồi trụy nhưng hiện nay theo quan điểm chung của tất cả mọi người trên thế giới, hút thuốc hay xem phim đồi trụy là những hành vi xấu, gây ra hậu quả không tốt nên không được chấp nhận thì người xuất gia cũng tự biết rằng đó là một phần của giới luật. Tương tự, ngày xưa Đức Phật quy định chư Tăng nửa tháng mới tắm một lần nhưng so với sự vận động tay chân của thời buổi này thì nội dung đó không còn phù hợp nữa, cần phải bỏ đi.

* Nếu làm một phép so sánh và với tư cách là vị giáo phẩm đã nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực này, Hòa thượng đánh giá thế nào về việc vâng giữ giới luật của Tăng đoàn ngày nay so với các bậc tiền nhân?

Có 3 nhân tố chính để có thể đắc giới, đó là giới sư thanh tịnh, đàn tràng trang nghiêm và giới tử phát tâm dũng mãnh.

- Đúng là xã hội ngày nay làm cho người tu sĩ bị xao nhãng và khó bề giữ gìn giới luật bởi những tác động của ngoại cảnh. Không những thế, lối sống chuộng về vật chất phần nào đó đã len lỏi vào đời sống thiền môn đã ảnh hưởng đến một bộ phận Tăng Ni và họ lung lạc, xa rời giới luật ở một khía cạnh nào đó.

Nếu Giáo hội các cấp không có chính sách và vị bổn sư thế độ cũng không khuyên nhắc thường xuyên thì hệ lụy của thực trạng này sẽ khó lường, đặc biệt là những vi phạm liên quan đến thiên “Ba-la-di” được ví như “cực ác, đoạn đầu hoặc đọa phủ xứ”. Bởi lẽ việc vi phạm trong thiên này thì bất khả hối, bất khả sám, cũng giống như người bị chặt đầu rớt xuống đất; cây cau, cây dừa bị chặt ngang, tảng đá bị vỡ làm hai, cây kim bị sứt lỗ, lá vàng lìa cành…, sự sống hướng thượng, giải thoát sẽ không còn cơ hội phát triển.

* Hòa thượng vừa nói đến vai trò của vị Thầy bổn sư trong việc giáo hóa đệ tử vâng giữ giới luật, vai trò ấy được biểu hiện như thế nào?

- Vị thầy tế độ có vai trò quyết định đối với sự nghiệp xuất gia, tu học của đệ tử. Trước hết, đó là việc đồng ý để người đệ tử mình có thể bước lên địa vị “Chúng trung tôn” sau rất nhiều gian lao thử thách, trau dồi giới hạnh tinh chuyên, thâm nhập Phật pháp.

Tiếp đến là trách nhiệm cả một đời làm người mô phạm, định hướng con đường thực hành lời dạy Đức Phật và khuyên nhắc đệ tử vâng giữ giới luật đã thọ, luôn hướng về tâm niệm xuất gia ban đầu để làm động lực thôi thúc một lối sống thanh tịnh, chuẩn mực. Theo như luật tạng, nếu làm thầy mà không có trách nhiệm hướng dẫn tu học và hành trì giới luật đối với đệ tử thì tội còn nặng hơn đồ tể.

BTN_0340.jpg


Chùa Huê Nghiêm (quận 2) - Đại giới trường Đại giới đàn Trí Đức - Ảnh: Bảo Toàn

* Gần một ngàn giới tử trúng tuyển của Đại giới đàn Trí Đức đang đứng trước bước ngoặt lớn trên con đường tiến tu đạo nghiệp, kính xin Hòa thượng có những lời nhắc nhở dành cho họ?

- Một trong những mong muốn tha thiết nhất của mỗi giới tử khi đăng đàn thọ giới là phải đắc giới để hình thành nên vô tác giới thể. Có 3 nhân tố chính để có thể đắc giới đó là giới sư thanh tịnh, đàn tràng trang nghiêm và giới tử phát tâm dũng mãnh. Về phía giới tử, trong thời khắc quan trọng này phải luôn mang một tâm niệm khát khao hành trì giới luật. Tránh quan niệm thọ giới để lấy lệ, cho có với người khác vì như thế vô tác giới thể sẽ không phát sinh được. Khi vô tác giới thể không phát sinh thì vị giới tử đó không thành một Tỳ-kheo như pháp mà thành Tỳ-kheo giả.

Khi đã hoàn tất việc thọ giới, trở thành Tỳ-kheo như pháp có nghĩa là giới tử đã được hàng Thập sư trao cho của báu với tên gọi “bản thể Tỳ-kheo”. Một khi đã có của báu thì phải giữ gìn để không bị mất. Phải dụng công xây tường  rào thật cao, mua khóa thật tốt, làm cửa thật chắc để giữ của báu, tránh giặc cướp. Điều này có nghĩa, sau khi thọ giới hoàn mãn, giới tử phải kiên trì học giới và trì giới.

Nếu thọ giới mà không học giới dù có trì giới cũng khó đúng với ý Phật chế giới. Còn nếu đã thọ giới, học giới mà không trì thì chẳng khác gì mang đầu hói mà rao bán thuốc mọc tóc, làm bánh mà không ăn. Nói một cách xác thực đó là cất của báu trong nhà không có tường rào, không có cửa khóa, không bảo vệ thì chắc chắn sẽ bị giặc cướp lấy đi mất.

Bảo Thiên thực hiện

>> Hôm nay, 2-12, khai mạc Đại giới đàn Trí Đức, GNO sẽ cập nhật nhanh tin tức, hình ảnh đến bạn đọc sớm nhất...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày