GN - Tôi nhớ, Trung thu năm nào đó có người đã tặng tôi chiếc trống cơm be bé và chiếc lồng đèn hình con trâu. Người đó còn nói cái thấy của mình về chiếc trống, rằng, do bên trong ruột trống rỗng rang nên chiếc trống mới có thể phát ra âm thanh tung tung - nghe vui tai đó - để hiến tặng cho người.
Và, bạn rút ra, lòng mình cũng cần rỗng rang như thế, để có thể phát ra những "thanh âm" của từ, bi, hỷ, xả, để mình có thể yêu và thương lắm đời này, để mình nhìn ai, đối với vật gì cũng thấy trong đó sự dễ thương, đáng thương.
Khi lòng mình chất chứa một khối đau, một khối sầu, khối giận, khối hận hay chỉ mải lo toan tính chuyện thiệt hơn, tỉ ti chuyện người ta nhìn mình, đối đãi với mình thì ta sẽ cứ mãi loay hoay trong mớ bòng bong đó mà chẳng thể nghĩ được đến ai, sóng lòng ta không thể phát ra, đến với người khác, với số đông người và của vạn loại chúng sinh.
Khi ấy, cái mà ta gọi là "thương mình", để mình không thiệt thòi ấy thực ra lại là cái làm khổ mình. Do vậy, bậc trí hay mắng những người còn trầm luân trong những suy nghĩ quẩn quanh cho mình là người điên, người mê, người say.
Vì mê (chưa ngộ) nên mình cứ nghĩ, nói, làm những chuyện chỉ để hơn thua và trả đũa; mình cứ nghĩ là làm thế thì mình sẽ hả giận, nhưng thực ra mình cũng không hả được, bởi cơn giận nó như cái cồi của mụt nhọt, cắm rễ vào trong tâm mình. Nên, mình chỉ có thể "hả giận" khi mình thương người, thương mình, hỷ xả mọi thứ để có thể bước tới phía trước - phía có ánh sáng của lòng độ lượng và tình thương không ngăn ngại bởi bất cứ bờ vách nào.
Phải để lòng rỗng rang, bằng cách lắng lòng nghe tiếng chuông huyền nhiệm, tiếng chuông đi thẳng vào tâm thức và nhắc mình thở đi, cười đi, cuộc đời đó có bao lâu mà cứ hơn thua... Nhắc mình, nếu có, hãy hơn chính mình hôm qua, hôm kia - trong ý nghĩa bình an hơn, vững chãi hơn, nhẹ nhàng hơn, an lạc hơn giữa phong ba bão táp cuộc đời (vốn) đôi khi là nghiệp báo mình phải nhận nhưng lắm lúc cũng là thử thách mà ai đó đã dụng công dành để rèn mình thêm cứng chắc!
Đỗ Thị Hiền