Người thầy đặc biệt

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1276 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1276 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày làm công nhân, tối đứng lớp, anh Hoàng Trọng Khánh (40 tuổi, ngụ tại phường Phước Long B, TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã mang sự tử tế để làm đẹp cho đời bằng công việc “gieo chữ” cho những trẻ em nghèo với một lớp học 0 đồng.

“Người thầy” bất đắc dĩ

Cứ đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, vừa tan ca, anh Hoàng Trọng Khánh, công nhân Công ty Liên doanh BiO lại vội vã trở về căn nhà trọ trên đường Tăng Nhơn Phú B. Nơi đây, 42 em học sinh, chủ yếu là con em công nhân nghèo khó, từ lớp 6 đến lớp 9 chờ đợi anh về dạy miễn phí. Đó là lý do vì sao, khi vừa về đến nhà trọ, anh vẫn còn mặc nguyên bộ đồ công nhân, say sưa giảng bài, cùng các em giải bài môn toán, lý.

Các em học sinh gọi anh là thầy và dành cho anh tình yêu thương, sự kính trọng vô bờ. Dù chưa học nghiệp vụ sư phạm nhưng khi học cùng anh, các em vừa tiếp thu được bài, vừa thoải mái đầu óc. Lớp học của anh Khánh không chỉ là những hằng đẳng số khô khan, những phép tính khó tiếp thu mà luôn xen lẫn những hình vẽ minh họa vui nhộn, những ví dụ gần gũi, dễ hiểu và đôi khi còn là những câu đố dân gian vui nhộn khiến các em thích thú, lớp học vì thế luôn sôi động, vui vẻ, đầy hào hứng. Trong căn phòng trọ rộng chừng 20m2, nhưng cả thầy lẫn trò say sưa đuổi theo giấc mơ con chữ, quên cả cái nóng bức hầm hập.

Thầy Khánh cặm cụi chỉ dạy những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn
Thầy Khánh cặm cụi chỉ dạy những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn

Chia sẻ về việc trở thành “thầy giáo” bất đắc dĩ, anh Khánh kể, đó là một sự bén duyên tình cờ. Năm 2010, trong một lần đến chơi nhà bạn ở đường Tăng Nhơn Phú, thấy một số bé nhỏ đang lấy ngôi mộ lát đá làm bàn học, nhưng không ai chỉ dạy. Anh hỏi thăm thì chỉ nhận được cái xua tay lắc đầu của phụ huynh: “Tụi nó biết gì đâu mà học, mai mốt lớn theo ba mẹ đi phụ hồ”. Nghĩ lại bản thân cũng sinh ra trong gia đình nghèo, không được học hành đến nơi đến chốn giờ đi làm công nhân vất vả nắng mưa nên anh Khánh lại gần thủ thỉ: “Chú chỉ các con nha”.

Buổi học đầu tiên cứ thế kéo dài đến khi trời nhá nhem tối, lúc về các em còn níu kéo: “Mai chú lại qua chỉ tụi con tiếp nha”. Từ đó, chiều nào cũng vậy, vừa tan ca, anh Khánh lại đến khu Gò Mả để làm thầy giáo cho đám nhỏ. Điểm chung của các em hầu hết đều bị mất căn bản trầm trọng, bố mẹ lao động chân tay lo chạy cơm từng bữa không có điều kiện kèm cặp, hay cho đi học thêm nên để dạy cho các em cực kỳ vất vả, phải có cách dạy riêng, vừa học vừa chơi để các em hứng thú với việc học trở lại. Khó khăn hơn còn là sự hoài nghi, cấm cản của phụ huynh, như trường hợp của trò Trần Lê Minh Sơn rất mê học, ban đầu em lén theo bạn đến lớp học nhưng bố với anh trai biết nên cấm cản, sợ phải đóng học phí, còn khuyên em cẩn thận bị lừa. Khi em Sơn học hết học kỳ 3 mà không phải đóng một xu nào thì bố của em hiểu ra và đến cảm ơn.

Lớp học ban đầu chỉ với cái bàn nhỏ nhô ra ở khu đất trống, dần chuyển vào khu chòi lá, đến lúc lớp học ngày càng đông hơn, bà con phụ giúp cho mượn quán nước, xưởng gỗ để thầy trò học có cái che nắng mưa. Mãi sau này, chủ nhà trọ cất nhà trong hẻm số 15, đường số 22, phường Phước Long B, TP.Thủ Đức đã ngăn một phòng riêng cho anh Khánh ở và cũng là lớp học hiện tại để thầy trò không phải nghỉ học mỗi ngày mưa gió.

Ròng rã suốt 14 năm qua, từ lớp học sơ khai chỉ 4 em tại khu vực Gò Mả nay đã lên tới 42 em, trong đó có 6 em là con công nhân cùng công ty với anh Khánh. Chưa từng qua các trường đào tạo nghiệp vụ sư phạm và vẫn phải mưu sinh kiếm sống, nhưng vì tương lai các em, anh Khánh chủ động học hỏi thêm những kiến thức trên mạng thông qua các diễn đàn dạy học. Ngoài việc mua thêm sách về tự nghiên cứu, thậm chí anh còn xin học sinh số điện thoại của thầy, cô giáo ở trường rồi liên hệ trao đổi, tương tác trực tiếp về các bài tập, cách dạy sao cho phù hợp.

Những đứa trẻ đã đồng hành cùng anh từ những lúc mới bắt đầu giờ đây có người đã lập gia đình. Những đứa trẻ ấy theo học từ lớp 6 đến lớp 9 và cũng đã hình thành tính cách của con người có trách nhiệm, đó là những tấm gương cho các bé đằng sau hướng theo. Anh Hoàng Trọng Khánh khẳng định: “Con đường học vấn là con đường duy nhất thoát khỏi được sự khó khăn về sau trong công việc”.

Những người học trò đặc biệt

Sinh ra và lớn lên ở TP.Huế, tuổi thơ anh Khánh đã thiếu thốn tình cảm, bàn tay chăm sóc của mẹ từ lúc mới lên 4 tuổi. Ba mẹ mỗi người có tổ ấm mới nên 3 anh em của anh Khánh phải tự lo cuộc sống và đùm bọc lẫn nhau. Có lẽ cũng bởi vậy mà từ trong bản tính, anh Khánh vừa cần cù vừa đầy lòng trắc ẩn, yêu thương muốn bảo bọc những đứa trẻ có cuộc sống khó khăn, thiếu thốn.

“Khi mình đi làm rồi mới cảm nhận được sự thiếu thốn vòng tay yêu thương bảo ban tác động rất lớn đến những đứa trẻ, mình nhìn cuộc đời mình tự dưng thấy thương các bé, chỉ mong các con không bỏ học, đừng trở thành người xấu. Rất vui vì việc mình làm có thể thay đổi suy nghĩ của ba mẹ các bé. Chỉ cần thay đổi được suy nghĩ có thể thay đổi được cả cuộc đời con trẻ”, anh Khánh chia sẻ.

Không chỉ truyền đạt kiến thức, thầy Khánh còn chỉ dạy các em kỹ năng giao tiếp, cách đối nhân xử thế
Không chỉ truyền đạt kiến thức, thầy Khánh còn chỉ dạy các em kỹ năng giao tiếp, cách đối nhân xử thế

Mong mỏi những em nhỏ sẽ có được tương lai tươi sáng hơn, nên ngoài làm công nhân tại công ty thuốc thú y, thời gian rảnh, anh Khánh còn tranh thủ nuôi gà, ấp trứng kiếm thêm thu nhập. Mỗi tháng anh có khoảng 7 triệu đồng để trang trải mọi chi phí. Tiền lương ít ỏi, anh vẫn tự mua bảng, bàn ghế, sách vở, sắm sửa quạt… cho lớp học nghèo thêm tươm tất. Được tiền thưởng, cộng thêm được bạn làm cùng san sẻ, anh Khánh tích cóp dành dụm mua chiếc ti-vi nhỏ thay máy chiếu để mở những đoạn phim, ảnh, nhạc… minh họa cho tiết học thêm sinh động.

Không chỉ truyền đạt kiến thức, anh Khánh chỉ dạy các em kỹ năng giao tiếp, cách đối nhân xử thế. Những đứa trẻ vì thế rất ngoan ngoãn, cư xử lễ phép và nghiêm chỉnh trong giờ học. Bên cạnh đó, anh còn là một người đáng tin để các trò chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, cũng như học được cách ứng xử trong trường học khi bị bạo hành học đường.

Đối với anh Khánh: “14 năm, một con số không quá dài trong cuộc đời của một con người, tôi đam mê và yêu thương công việc hiện tại lắm, tôi có thể vứt bỏ những ham muốn bình thường để gắn bó, vừa dạy học, vừa có thời gian chơi với các bé nhỏ. Và 14 năm cũng là con số mà tôi và các bé cùng đi qua chặng đường đó”.

Ai cũng có một cuộc đời để sống và sống không chỉ cho mình mà còn cho người khác, đó là cách nghĩ của anh Khánh. Tình cảm của học trò, những tiếng chào và niềm tin của phụ huynh khi gửi gắm khiến anh thấy mình giàu có.

Nhìn lại hành trình 14 năm “gieo chữ”, đã có những học sinh thành tài nhưng cũng có những đứa trẻ vẫn còn phải bươn chải với cuộc sống đầy những khó khăn. Mỗi học trò đều mang một câu chuyện riêng, nhưng nghị lực của bọn trẻ chính là động lực để anh Khánh tiếp tục gắn bó với lớp học này, tiếp tục là “người nâng đỡ” ấm áp trong lòng các em.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tịnh khẩu

Tịnh khẩu

GNO - Tôi được biết, trong các pháp môn tu tập của Phật giáo có đề cập đến tịnh khẩu. Tuy vậy, trong đạo tràng an cư của chúng tôi có một vị lập hạnh không nói hoàn toàn, có điều gì cần thì ra dấu hoặc ghi ra giấy mà thôi. Tôi nghe khá nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Phật giáo quan niệm về vấn đề này thế nào?

Thông tin hàng ngày