Cho con bầu trời bình an, tỉnh thức

Gia đình anh Hiệp, chị Cát Anh đưa con tham gia nhiều khóa tu học, gần gũi các vị thiện tri thức
Gia đình anh Hiệp, chị Cát Anh đưa con tham gia nhiều khóa tu học, gần gũi các vị thiện tri thức
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chiều cuối tuần, anh Hiệp và chị Cát Anh (Q.12, TP.HCM) thường dắt cậu con trai 12 tuổi về ngôi chùa gần nhà. Thật ra, từ lâu rồi, anh chị đã gieo cho con mình những nhân duyên để con đến gần với Tam bảo bằng cách dắt con theo các khóa tu, đảnh lễ chư tôn đức, đi từ thiện…

Uốn “măng”

Từng tham dự cùng khóa tu với gia đình chị Cát Anh, chúng tôi cảm được năng lượng tích cực của gia đình nhỏ này. Cả hai anh chị đều ngộ đạo, hiểu được sự vô thường của cuộc sống nên khuyến tấn nhau tu tập.

“Có những chuyến đi cả nhà tham gia chung nhưng cũng có khi một trong hai người tham gia, chúng tôi thường cho con trai theo cùng để con được sống trong môi trường thiện lành”, anh Hiệp bày tỏ.

Cậu con trai của họ mỗi ngày nhìn thấy ba mẹ biết tu thông qua việc tụng kinh, ngồi thiền, đi chùa, làm từ thiện hay đọc sách Phật học… nên ít nhiều cũng thấm tương chao. Nhìn cách bạn nhỏ cúi người, chắp tay hình búp sen đủ hiểu những giáo dưỡng của ba mẹ đã có tác động khá nhiều tới con trai.

“Khi cho con đi cùng, tôi sẽ để con quan sát, lắng nghe và hỏi con có vui không, hiểu hay không hiểu chỗ nào, có gì thắc mắc… Sau đó, tôi từ tốn giải đáp cho con hiểu. Nhờ đó, bạn nhỏ cũng từng bước biết kính Tam bảo, tập thương yêu có hiểu biết”, chị Cát Anh kể.

Một cặp vợ chồng khác, anh Hồng Nguyên và chị Thúy Vi thì thường xuyên dắt hai con của mình tham gia các công tác từ thiện, hòa mình cùng thiên nhiên, rèn luyện các kỹ năng.

“Tôi không nặng chuyện điểm số của con và càng không ép con học hết tốc lực để đạt được thành tích. Tôi muốn con mình phát triển toàn diện hơn, cả kiến thức khoa học lẫn kỹ năng trong cuộc sống, từ bài vở ở trường đến thể thao, mỹ thuật, nghệ thuật…”, chị Thúy Vi bày tỏ.

Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, chị đã cho con mình học bơi, học võ, tập đàn, vẽ. “Tất nhiên, sau đó sẽ lắng nghe con, quan sát xem con có thế mạnh nào, tiếp tục định hướng chứ không phải cứ theo ý ba mẹ. Ép con học hay rèn luyện cái con không thích hay không có sở trường cũng là làm khổ con - một cách làm cho con và cả mình đều không hạnh phúc, gia đình mất niềm vui”, anh Hồng Nguyên bày tỏ.

Theo các phụ huynh này, muốn con như thế nào thì ba mẹ phải như thế ấy - một cách nói khác của thân giáo - giúp thấm sâu trong suy nghĩ và hành vi của con qua cách ba mẹ sống.

Gia đình là trường học

Người Việt có quan niệm xây dựng “nếp nhà” rất hay. Đó chính là cách tạo ra một thói quen sinh hoạt mà ở đó, người lớn dạy cho người nhỏ, không phải chỉ bằng lý thuyết mà thông qua hình thức nêu gương đã giúp cho các thế hệ phấn đấu, nỗ lực để cùng đạt được những giá trị tích cực.

“Nhờ anh trai cố gắng vượt khó, học giỏi, đỗ đạt và có công việc ổn định mà tôi mới cố gắng theo”, Lê Hoài Nam (Quảng Nam) chia sẻ về truyền thống học của nhà mình. Ba mẹ Nam đều làm nông nhưng luôn đau đáu “dù gì cũng phải cho con cái chữ”, chính vì thế ông bà tập trung lo cho cậu con trai lớn. Anh của Nam - Lê Hoài Thanh khi vào Sài Gòn học đã nhắn nhủ em trai kém mình 6 tuổi: “Ráng học, em thi đậu vào đại học, anh vừa ra trường, có thể đi làm, phụ ba mẹ lo cho em”.

Có bảo chứng từ anh, Nam đã tìm hiểu ngành nghề yêu thích, đối chiếu năng lực và chọn trường phù hợp nối gót anh. “Tôi nghĩ, gia đình là một môi trường học tập, đào luyện, giúp những đứa trẻ trưởng thành”, Nam bày tỏ.

Cũng theo Nam, một sự thật rất phổ biến trong cuộc sống, ai cũng dễ nhìn thấy, một người trẻ sẽ khó trưởng thành nếu không lớn lên trong bầu trời bình an của gia đình. Những cuộc cãi vã hay những lựa chọn công việc, nghề nghiệp không tốt, gây hại người hại vật từ bố mẹ thì không thể nuôi-dạy con cái trở thành người tử tế.

Giúp con vững chãi bằng sự tinh tấn của bố mẹ

ThS.Tâm lý Võ Hồng Tâm

ThS.Tâm lý Võ Hồng Tâm

Đến với Phật giáo, người Phật tử nào cũng nằm lòng bốn câu kệ: “Thường làm các việc lành/ Không làm các việc ác/ Giữ tâm ý trong sạch/ Là lời chư Phật dạy”. Theo đó, khi dạy con, một phụ huynh - Phật tử có thể bám vào ý pháp này để khuyến hóa trẻ năng làm các việc lành, như yêu thương loài vật, gần nhất là không đánh đập chó mèo nuôi, tập cho trẻ phóng sanh, giúp đỡ một cụ già khi qua đường hay đơn giản là phụ giúp bố mẹ việc nhà...

Phụ huynh cũng có thể dạy con qua phim ảnh, câu chuyện cổ tích và hình ảnh trực quan để con có thể nhìn thấy. Có một sai lầm phụ huynh hay mắc nhất đó là áp đặt trẻ. Ngay cả Đức Phật cũng không áp đặt ai. Thay vào đó, có thể khuyến khích trẻ làm việc tốt để nhận một phần thưởng, hoặc khơi gợi cho trẻ sự tò mò, quan sát cuộc sống để tự rút ra bài học, cách ứng xử. Ví dụ, khi tôi muốn cháu mình không bắt thạch sùng để chơi, ngoài việc bảo con không nên làm vậy, tội bạn thạch sùng, trong nhiều tình huống khi cháu cảm thấy sợ ai đó, tôi sẽ nhắc lại việc bạn thạch sùng cũng cảm thấy sợ y vậy khi con bắt bạn ấy để chơi.

Tôi cũng không khuyến khích phụ huynh tô hồng cuộc đời. Nhưng thực tế cuộc sống vô thường, cần chỉ cho con thấy sự thật này cùng cốt lõi về nhân quả. Không phải lúc nào làm việc tốt cũng ngay lập tức nhận về điều tốt. Có những lúc con làm việc tốt nhưng vẫn gặp trắc trở, đừng nản lòng. Và không phải chỉ làm việc tốt, biết thương yêu mà còn phải có trí tuệ trong tình thương đó nữa. Như trường hợp của cháu mình, khi bạn ấy bị bạn bè đánh, cháu thắc mắc là đã không làm gì, sao vẫn bị đánh. Tôi giải thích, tuy con không làm gì nhưng con chơi với bạn ưa gây hấn với nhóm khác nên con bị liên lụy. Từ đó, bạn có vẻ hiểu ra, cuộc sống không phải đơn giản, mỗi người phải chịu đựng, tinh tế quan sát đa diện để có ứng xử đúng đắn, phù hợp.

Đối với trẻ, giữ tâm ý trong sạch chính là cách phụ huynh hướng dẫn con quan sát. Hôm nay con nói “mẹ ơi con buồn quá”, bố mẹ thay vì nói đừng buồn, không nên buồn hãy gợi cho con suy nghĩ, “tại sao con buồn”. Nếu do con chưa làm bài được, vậy con bình tĩnh cố gắng hơn, xem do con không học bài chưa kỹ hay con chưa hiểu. Trẻ tìm thấy câu trả lời sẽ có cách giải quyết vấn đề.

Để con mình nếm trải các cảm xúc khác nhau, chấp nhận khó khăn, chưa như ý để sửa mình hoàn thiện, theo tôi đó cũng là cách giúp trẻ giữ tâm ý trong sạch. Với sự thực hành này, đôi khi trẻ phải mất nhiều thời gian để có kết quả nhưng không sao, sự kiên nhẫn dành cho con cũng là sự thực tập của bố mẹ. Tu cùng con là vậy!

ThS.Tâm lý - Phật tử Võ Hồng Tâm

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày