Chợ Tết: bán cái vất vả, mua cái may mắn

GNO - Trời vẫn còn nhá nhem nhưng cả nhà đều dậy sớm để chuẩn bị gánh rau và hoa bán chợ Tết. Bà nội nói: “Hôm ni đã là hăm tám Tết rồi. Phải đi chợ sớm để có được cái chỗ mà ngồi. Năm ni chắc chợ Tết sẽ đông vì cả rau và hoa đều trúng mùa...”.

Bà nội tôi vẫn bán chè xanh hàng ngày ở chợ nhưng đến giáp Tết thì bà bán thêm rau cải hay hoa vườn nhà để kiếm thêm mấy đồng đầu năm lì xì cho mấy đứa cháu trong nhà.

Mọi ngày mạ tôi vẫn là người dậy sớm nhất trong nhà để lo nấu nước sôi cho ba chế trà và bữa ăn sáng cho mấy đứa con. Những ngày giáp Tết mạ tôi thức dậy còn sớm hơn từ khi chuông chùa sớm vừa điểm.

chotet.jpg


Chợ Tết quê - Ảnh minh họa

Trời chưa sáng nên mạ phải thắp đèn dầu nhổ rau ngoài vườn rồi đưa vô sân bó từng bó một cùng bà nội. Cải bẹ, tần ô, xà lách được bó từng bó nhỏ thêm mấy mớ ngò, ném, rau thơm… Tờ mờ sáng, uống xong mấy chén trà, ba ra vườn cắt thêm mấy nhánh lay ơn, vạn thọ, cúc đại đóa rồi đưa vô sân để bà nội bó từng bó nhỏ rồi chất lên trên mấy bó rau… Trời vừa hửng sáng đã thấy một gánh rau xanh điểm xuyết màu vàng của bông vạn thọ, bông cúc; màu hồng của mấy nhánh lay ơn để tươm tất trước sân nhà…

Thằng bé tôi cũng dậy thiệt sớm chỉ để được theo bà đi chợ Tết. Bà dặn dò: “Cháu ưa đi chợ Tết thì phải đi bên cạnh bà, mà không được níu triêng gióng kẻo ế hàng đó nghe!...”. Tôi lon ton chạy theo sau gánh rau của bà ra khỏi lũy tre đầu xóm thì trời sáng  đã sáng tỏ. Những con đường nhỏ từ các xóm nhỏ dẫn đến chợ đi qua cánh đồng làng ngày giáp Tết là một thước phim đẹp nhiều âm sắc khi trên những đôi triêng gióng của những phụ nữ trong làng là màu xanh của rau, của lá chuối; màu hồng, màu vàng, màu đỏ của các loài hoa, mấy nải chuối đã chớm vàng hươm; tiếng người í ới nói cười trao đổi.

Chợ Tết không như chợ ngày thường chỉ gói gọn trong khuôn viên chợ mà kẻ bán người mua tràn ra ở tất cả các ngã đường đến chợ. Hàng hóa thì đủ thứ, từ rau cải hành ngò, đến mấy mớ cát trắng tinh, mấy sạp con bột nặn hình nải chuối, con gà, chiếc thuyền đủ màu bắt mắt và nhiều nhất vẫn là hoa và quả. Hoa quả của người làng tự trồng rồi cả những chậu hoa đẹp được buôn từ Huế về. Có người bán đắt hàng vội vàng thu gọn triêng gióng chạy tất tả về nhà nhổ thêm rau, cắt thêm hoa bán cho kịp buổi chợ.

Còn bà mua cho tôi mấy lát bánh đúc gói trong ngọn lá chuối xanh ăn lót dạ. Ngồi coi chợ Tết là cái thú vui thời bé dại của tôi. Hình như chợ Tết không có những gương mặt cau có mà ngời ngời là những nụ cười của cả người mua kẻ bán. Chợ Tết mà. Sau một năm nhọc nhằn vườn ruộng, người làng đi chợ tết để bán cái vất vả, mua cái may mắn lo cho gia đình mâm cỗ tất niên đón Tết. Như lời bà nội tôi nói: “Đi chợ Tết là phải vui để năm tới mua may bán đắt…”.

Phi Tân

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

GNO -  Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 đến 23-11-2024; với nội dung: Thiết lập truyền thông vào tổ chức sự kiện (Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Square Võ Thành Trung và ông Nguyễn Huy, Giám đốc sáng tạo thuộc Tập đoàn Square đảm trách chia sẻ); Thiết kế đồ họa, nguyên lý và ứng dụng cơ bản...
Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.

Thông tin hàng ngày