GN -
HỎI:
Tôi là Phật tử luôn nghiên cứu và ứng dụng Phật pháp vào đời sống, không ngừng nỗ lực kiềm chế phóng dật và buông lung. Tôi rất muốn và đã từng khuyên nhủ bạn bè, đồng nghiệp (phần lớn có học thức và danh phận), người thân hướng về Phật pháp; khơi dậy lòng từ bi, giúp họ nhận diện tham, sân, si là xấu ác để hạn chế bớt nhưng quả là rất khó. Phải chăng cá nhân tôi thực hành Phật pháp chưa sâu, hay là sự si mê tham đắm của người đời quá lớn, khiến cho họ tuy có duyên nghe được Phật pháp mà cũng như không?
(QUANG THANH, quangthanhtvgt @gmail.com)
Ảnh minh họa
ĐÁP:
Bạn Quang Thanh thân mến!
Bạn biết tu học theo Chánh pháp, biết trau dồi đạo đức “kiềm chế phóng dật và buông lung” là tốt. Nhưng để khuyến hóa những người khác hướng thiện như bạn thì không dễ dàng, bởi lẽ mỗi người đều có một quan niệm sống khác nhau. Phần đông thì thỏa mãn ngũ dục là mục đích, là hạnh phúc, là cứu cánh của đời sống. Do vậy mà khuyến khích, kêu gọi họ kiềm chế, tiết dục, vị tha, đi ngược với sở dục thì rất khó, không nhiều người theo. Nếu không biết tùy duyên mà cố ‘giáo hóa’ thì có thể khiến người khác bực bội, khó chịu, thậm chí xem bạn ‘có vấn đề’.
Như người gieo hạt, trước phải biết chọn đất, thấy đất tốt thì hãy gieo mới mong hạt giống nảy mầm. Cũng vậy, bạn muốn gieo hạt Phật pháp cho người thì trước hết bạn hãy sống tốt, mẫu mực, song hành giữa lời nói với việc làm, bạn có hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Khi mọi người thấy bạn là tấm gương sáng, luôn an lành, đáng tin cậy, muốn thân gần thì đã đúng thời để gieo hạt Phật pháp cho họ. Bạn cần phải biết người, biết lúc, biết chỗ để khuyến hóa người khác hướng thiện. Không nên tùy tiện, tuyệt không vì mình, từ bi phải thường được trí tuệ soi sáng, thiện xảo trong các phương tiện…, hội đủ duyên lành để bạn giáo hóa thành công.
Chúc các bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)