Chọn pháp môn tu để giải thoát

GN - Hôm nay thật là hữu duyên, tôi về chùa này lần thứ hai, chứng kiến thành quả của Đại đức Phước Tiến, đã hoàn thành ngôi chùa trang nghiêm, rộng lớn, là việc đáng khen ngợi.

Tôi phụ trách giáo dục Tăng Ni nhiều năm, đã có nhiều học trò, nhưng số người làm được việc cho đạo không nhiều.

Riêng thầy Phước Tiến, chỉ trong một thời gian ngắn đã xây dựng được ngôi chùa Tường Vân và mỗi tháng có hàng ngàn Phật tử về chùa tu học. Hôm nay, lại có thêm ngôi chùa Nhị Mỹ, mà thầy Phước Tiến đã làm được, dâng lên cúng dường Phật. Ngoài ra, còn có một nghĩa quan trọng nữa mà thầy vừa tác bạch, đó là nhân duyên.

Khi thầy Phước Tiến mời tôi xuống chùa này giảng pháp, tôi liền nghĩ đến chùa Phước Hậu ở gần đây, là nơi có khoảng thời gian tôi dừng chân làm thị giả hầu Tổ Khánh Anh, Pháp chủ Giáo hội Tăng-già Nam Việt. Và chùa Phước Hậu cũng là di tích ghi dấu ấn hành đạo của Hòa thượng Thiện Hoa là bậc ân sư đã dạy dỗ tôi, khi tôi còn là Tăng sinh ở Phật học đường Nam Việt, chùa Ấn Quang.     

Tôi về chùa Phước Hậu đảnh lễ giác linh Tổ Khánh Anh và Hòa thượng Thiện Hoa, nhân đó về thăm chùa Nhị Mỹ để mừng thầy Phước Tiến đã làm được ngôi chùa này. Và tôi cũng có nhân duyên gặp quý vị hôm nay, xin chia sẻ vài điều.

anh vien ngo.jpg

Ngày nay, phong trào học Phật phát triển rộng và các giảng sư mỗi người dạy một cách, hướng dẫn một pháp môn. Vì vậy, đôi khi, pháp môn này được triển khai không thích hợp với pháp môn khác, khiến cho Phật tử hoang mang và chấp trước, thì dù tu pháp môn nào cũng không thành công và không giải thoát.

Cần nhớ rằng Phật nói nhiều pháp môn, nhưng mục đích chỉ có hai chữ giải thoát, tức làm sao chúng ta không bị phiền não chi phối, quấy rầy, không bị việc trần gian hành hạ. Tu pháp môn nào cũng nhằm giải quyết như vậy là chính yếu.

Riêng tôi, khi nghiên cứu giáo pháp và giảng dạy, thực tập trong đời tôi, nhận ra đúng nghĩa mà Phật nói nước bốn biển chỉ có một vị mặn; cũng vậy, pháp Phật có 84.000 pháp môn nhưng chỉ có một vị giải thoát mà thôi.

Vì vậy, học pháp môn này mà chê pháp môn khác là sai lầm và bị đọa. Chọn pháp môn thích hợp với mình, nên áp dụng để được giải thoát, nghiệp nhiều đời của mình được lắng yên. Được chừng đó, tôi nghĩ đã đủ và nếu tiến tu xa hơn, chúng ta đi trên lộ trình giải thoát, đến được thế giới chư Phật.

Một số Phật tử nghĩ tu pháp môn Tịnh độ, niệm Phật Di Đà để cầu vãng sanh Cực lạc của Ngài và họ nghĩ Phật Di Đà hơn Phật khác. Nghĩ như vậy không đúng.

Thuở nhỏ, tôi được các Hòa thượng lớp trước dạy pháp môn Tịnh độ. Riêng tôi nghĩ rằng mình theo học pháp của Phật Thích Ca, mà lại về Tịnh độ của Phật Di Đà thì cảm thấy nặng lòng, nửa muốn đi về Cực lạc, nhưng nghĩ đến bỏ Phật Thích Ca thì không muốn đi.

Từ ý niệm đó, tôi bắt gặp trong bộ kinh Pháp hoa, Tổ Huệ Đăng dạy rằng tụng Pháp hoa không cần tụng hết bộ kinh này, chỉ tụng quyển thứ bảy. Tôi nghĩ Tổ Huệ Đăng ngộ yếu chỉ kinh Pháp hoa trong quyển thứ bảy, nên tôi cố tìm xem quyển thứ bảy nói gì, vì Tổ không nói tại sao chỉ tụng quyển thứ bảy.

Năm 1963, Phật giáo bị Pháp nạn, tôi tham gia phong trào bảo vệ Phật giáo, vụt tôi nhớ Tổ đã dạy trong thời kỳ của mình, ở giai đoạn khó khăn, các thầy nên tu Pháp hoa, quyển thứ bảy thì thích hợp. Vì vậy, tôi không nghĩ mình niệm Phật Di Đà để vãng sanh, nhưng tôi thọ trì quyển thứ bảy kinh Pháp hoa và phát hiện ra ý của Tổ dạy trong giai đoạn nguy hiểm, muốn sống còn, phải tìm yếu chỉ của phẩm thứ bảy để thực hiện trong cuộc đời tu của mình.

Và đầu tiên, tôi nhận ra được trong quyển thứ bảy có Diệu Âm Bồ-tát. Khi ngài tới Ta-bà, 84.000 hoa sen hiện ra ở núi Kỳ-xà-quật. Ngài không tới bằng con người, nên người ta không thấy ngài, nhưng thấy 84.000 hoa sen.

Nói tới con người là có đủ thứ chuyện, trước nhất là mười nghiệp của thân, khẩu, ý, kết thành khối tội lỗi, đáng sợ. Vì vậy, phải chuyển đổi tội lỗi thành hoa sen tinh khiết, mới bảo tồn được Phật giáo. Đó là bước đầu tôi nhận ra yếu chỉ của kinh Pháp hoa ở quyển thứ bảy.

Khi bị bắt, tôi nhận ra người bắt tôi, lấy cung tôi, là ngoại đạo, trông hung dữ. Một thầy nói rằng nhìn mặt nó giống con dơi, con chuột, coi chừng thằng mặt dơi, mặt chuột. Nhìn mặt một người khác, phía trên nhỏ, ở dưới bành ra là tướng dữ của đầu con rắn.

Vì nhìn họ là dơi, chuột, rắn, tôi phát hiện mình đã đem chuột, dơi, rắn vào lòng mình, như vậy người đó ác hay không chưa biết, nhưng lòng mình đã ác. Tôi giựt mình. Vì mình mặc áo Phật, ăn cơm Phật, nhưng cái nhìn của mình rơi vô con đường khác rồi, nên tôi sợ, không dám nhìn họ, không dám nghĩ đến họ nữa.

Bấy giờ, lòng tôi chỉ nghĩ đến Bồ-tát Quan Âm, tôi liền nhớ đến 32 hiện thân của Ngài. Từng hiện thân một của Ngài in vào lòng tôi, nên lòng tôi đã có Bồ-tát, thì tướng hung dữ của tôi biến mất và trở thành tướng hiền lành của Quan Âm, khiến cho người chấp pháp cảm thấy thương hại tôi và muốn giúp đỡ tôi.

Chúng ta biết niệm Quan Âm sẽ được thoát nạn, nhưng ở đây, không phải Quan Âm cứu, nhưng anh ngoại đạo cứu, vì anh này muốn buộc tội mình, hay tháo gỡ cho mình là tùy ý anh. Lúc trước, mình nghĩ họ là chuột, nên thấy họ hung dữ; nhưng sau, lòng mình không nghĩ như vậy nữa, mà chỉ nghĩ đến Quan Âm, nên Quan Âm đã hiện thân vào họ, khiến họ thương xót tôi.

Tổ khuyên tụng quyển thứ bảy kinh Pháp hoa, trong đó có phẩm Phổ môn. Đọc phẩm này, nghĩ về hành trạng của Bồ-tát Quan Âm và ứng dụng tương đồng với hạnh của ngài, ngài sẽ giúp ta vượt qua tai nạn. Và cũng có nhiều lần nữa, tôi nghĩ khó mà vượt qua được, nhưng nhờ tôi nghĩ đến Quan Âm, thì người có thể giết mình, lại đổi thành thương mình.

Vì vậy, Quan Âm đối với tôi có thể là anh chấp pháp, hay là anh công an… Nói đúng hơn, 32 thị hiện thân của Quan Âm có đủ trong các thành phần xã hội, họ có thể thương mình, giúp mình. Đó là một ý mà tôi nhận ra trong quyển thứ bảy.

Và lúc đó, tôi say mê hành Bồ-tát đạo, tôi đến gặp Hòa thượng Trí Tịnh. Ngài khai thị một điều khiến tôi nhớ đến Tổ Huệ Đăng. Ngài nói Trí Quảng có nghĩ mình thương chúng sanh hơn Phật hay không, mình có khả năng như Bồ-tát hay không. Vậy tại sao các Ngài không làm.

Lời nhắc nhở của Hòa thượng Chủ tịch gợi tôi nhớ đến Phổ Hiền Bồ-tát trong quyển thứ bảy. Phổ Hiền thần thông tự tại, còn mình đối với các pháp, đối với xã hội, mình có được tự tại không. Rõ ràng mình còn bị nghiệp duyên ràng buộc đầy đủ, mình chưa có tự tại, thần thông càng không có. Người ta muốn bắt, giết mình, mình có tự tại không. Mình chẳng có gì mà đòi cứu vớt chúng sanh, thật là sai lầm lớn.

Tôi nhớ đến phẩm An lạc hạnh, Văn Thù Bồ-tát nói bốn điều an lạc là thân an lạc, khẩu an lạc, ý an lạc và thệ nguyện an lạc. Tu hành cần nhớ rõ bốn điều này. Một là làm sao thân được an ổn, vì có an thân, lập mạng, mới nói đến tu hành. Bây giờ, thân không an, thì tu đã không được, mà nói đến cứu nhân độ thế càng xa vời. Vì vậy, chúng ta có thệ nguyện độ chúng sanh như Bồ-tát, nhưng chưa đến lúc làm việc đó.

Kinh Di Lặc hạ sanh nói Đức Di Lặc đủ điều kiện làm Phật, nhưng Ngài không hạ sanh. Mình chưa đủ điều kiện mà làm là tự chuốc họa vào thân. Vì vậy, chúng ta có thệ nguyện để đó, chờ đủ duyên thì làm, không đủ thì thôi và giữ việc đó trong lòng, đợi đến khi thành Phật thì làm.

Phật Thích Ca xưa kia bị Ca Lợi vương chặt tay, móc mắt, nhưng Ngài nguyện khi nào thành Phật sẽ độ ông vua này trước, dù ông sanh ở bất cứ chỗ nào. Ý này ráp vô kinh Pháp hoa thấy đúng. Thật vậy, vì tiền thân Phật lúc đó là thầy tu nghèo khổ, làm sao độ được vua. Ngài bị vua sát hại, nhưng không khởi tâm sân hận là tốt rồi, lại còn khởi tâm từ, thệ nguyện sau này sẽ độ ông vua ác.

Học hạnh này của Phật, tôi tập không sân hận. Ngồi trong khám chờ chết, lòng tôi không sân hận, chấp nhận việc xảy đến, coi đó là nghiệp duyên quá khứ, mình đã từng hại họ, bây giờ gặp lại, họ hại mình là chuyện bình thường.

Có một vị Tăng tu hành, ai cho ông tiền, ông gom lại đổi thành vàng và để vô cái túi đeo trên vai. Thầy khác thấy vậy, chê rằng tu mà còn cố giữ của báu. Theo tôi, nếu chưa đắc đạo, việc của mình còn chưa biết, việc của người khác lại càng không biết thì phê phán người sẽ phạm sai lầm đến 99%. Nhưng vị sư này đắc đạo biết rõ nghiệp duyên quá khứ của mình có thiếu nợ, nên ông dành dụm số vàng để trả món nợ đó. Và trên đường hành cước, ông gặp bọn ăn cướp chặn đường. Ông liệng túi vàng cho chúng và nói rằng ông thiếu vàng, chứ không thiếu mạng.

Biết quán nhân duyên, theo đó hành xử, nghiệp của chúng ta giảm và phước sanh. Cần bình tĩnh, quán sát để có cách giải quyết tốt nhất.

Nghiệp duyên quá khứ có hai hướng giải quyết. Hướng thứ nhất là đủ duyên thì thanh toán cho xong. Nếu chưa đủ duyên thì phải chờ. Riêng tôi, ít thất bại, nhờ quán nhân duyên theo đó mà hành đạo.

Và từng bước, đọc kinh, tôi nhận thấy nên xếp việc lại, tôi sang Nhật nghiên cứu, vì thấy rõ tôi không thể làm được, nếu ráng làm là đọa.

Bồ-tát Phổ Hiền có thần thông, tự tại và uy đức vô song. Nếu chúng ta cũng có thần thông, tự tại và uy đức vô song như ngài, thì người thấy mình, họ kính trọng, mình mới làm được. Làm sao cho người quý mình, nể mình, lúc đó mới làm, còn chưa được như vậy, phải chờ đủ duyên. Phật cũng chỉ độ được người có duyên với Ngài, mình làm sao độ tận chúng sanh được.

Tôi nghĩ tôi và quý vị có duyên, tôi và thầy Phước Tiến có duyên, mới gặp nhau và cảm thông, tương kính nhau, chia sẻ kinh nghiệm tu hành cho nhau. Nói với người không có duyên, họ sẽ không nghe, mà còn cố cãi thì càng dở hơn.

Tôi nhắc quý vị cần thực tập pháp Phật, không rời giải thoát. Bỏ giải thoát thì tu pháp nào cũng đọa. Thật vậy, thực tế cho thấy nhiều người làm thật nhiều, nhưng hậu vận không tốt, vì tuy có công đức, nhưng đánh mất giải thoát.

Như đã nói, nhờ lời khai thị của Tổ Huệ Đăng, tôi thức tỉnh và kế đó, Hòa thượng Thiện Hoa dạy rằng tôi còn trẻ, nên sang Nhật tìm hiểu tổ chức Phật giáo của Nhật làm sao mạnh. Tại sao Phật giáo Việt Nam yếu và bị đàn áp.

Theo lời dạy của Hòa thượng, tôi sang Nhật, nhận thấy thời kỳ vàng son của Phật giáo nước bạn là nhờ các vị cao tăng có trình độ kiến thức và đạo đức, nên đã cảm hóa được nhiều người, vua chúa và dân chúng hết lòng nghe theo. Điển hình là Thánh Vũ thiên hoàng ra lệnh ai có đồng phải đem nộp để đúc tượng Tỳ Lô Giá Na. Nhà sư như thế nào mà được vua kính nể.

Thiết nghĩ, chúng ta học Phật và tu sao cho thích hợp với xã hội mình đang sống, đúng theo lời Phật dạy, tức là đáp ứng được nhu cầu của người, họ mới hết lòng với đạo Phật, cũng có nghĩa là họ hết lòng lo cho tương lai của họ.

Nếu chúng ta học đạo và tu, nhưng kẹt hình thức, không đi sâu vào nội dung, không ứng dụng thiết thực trong cuộc sống, không mang lợi ích cho người, làm sao người hợp tác với mình được.

Điều thứ hai, chúng ta thấy chính phủ đương đại kính nể Phật giáo, vì Phật giáo có quần chúng, không phải kính nể ông sư.

Người Việt Nam tin Phật, nhưng chúng ta không có tổ chức. Nếu nói 70%, 80% dân chúng là Phật tử, nhưng khi đụng chuyện, làm sao tập hợp được và nếu có tập hợp thì thành tổ chức ô hợp. Thí dụ Phật tử đi trẩy hội, nhưng hoàn toàn ô hợp, không có tổ chức và không quản lý được. Vì vậy, việc tu của Phật tử có nhiều khó khăn. Nay tới chùa này nghe pháp, mai đi chỗ khác tu và được dạy khác nữa, khiến cho họ hoang mang, không có định hướng, dẫn đến việc tu nhiều, nhưng không được kết quả tốt.

Cần biết rằng việc học rộng thì tốt, nhưng tu hành phải chọn pháp môn để thực tập, được giải thoát và từ giải thoát đó, mình mới phăng ra tìm được manh mối. Tôi  tu Pháp hoa, có điều lạ là gặp bạn ở Nhật thuộc các tông phái khác, tu pháp môn khác, nhưng chúng tôi vẫn là bạn. Vì vậy, Phật tử học nhiều, nghe nhiều, nhưng đừng cố chấp cái gì, vì cố chấp sẽ dẫn đến chia rẽ, nói xấu nhau.

Tôi nhắc quý vị nên chọn pháp môn thích hợp với mình, để tu cho có kết quả. Pháp Phật ví như thuốc chữa bệnh. Sử dụng đúng thuốc, đúng bệnh mới hết bệnh. Thực tế cho thấy có thầy cứ khuyên tu Tứ Thánh đế, vì đó là pháp gốc, pháp căn bản, các pháp khác không được. Điều này nguy hiểm, vì như vậy là cố chấp.

Phật nói rõ trong kinh Pháp hoa rằng vì người cầu Thanh văn mà Ngài nói Tứ Thánh đế. Phật được ví như thầy thuốc giỏi, không thể cho thuốc sai làm bệnh nhân chết. Thể hiện lý này, trong kinh Duy Ma, ngài Duy Ma đã chỉnh Mục Kiền Liên giảng Tứ Thánh đế cho các thanh niên thành Tỳ Da Ly, họ không nghe, còn chê trách Mục Kiền Liên ngớ ngẩn. Duy Ma xuất hiện, nói đơn giản nhưng có ý nghĩa rằng ông đừng đem đồ ô uế bỏ vô bình báu.

Lời khiển trách của Duy Ma rất nặng, vì pháp Tứ Thánh đế của Phật mà coi là đồ ô uế. Các pháp là Không, nếu ứng dụng đúng là thuốc tốt, nhưng ứng dụng sai trở thành chất độc. Thí dụ nọc rắn độc, nhưng dùng chữa bệnh được. Tuy nhiên, cố chấp rằng nọc độc của rắn tốt mà cho rắn cắn thì chết, nghĩa là đã sử dụng sai.

Duy Ma quở trách Mục Kiền Liên dạy sai pháp, vì các thanh niên còn đầy hứa hẹn ở tương lai, nhưng lại đem pháp yếm thế dạy thì họ sẽ trở thành cái gì. Duy Ma dạy phải quán duyên để thấy tương lai của họ làm được gì thành công thì họ nghe theo liền.

Nói đến đây, tôi nhớ năm nào, tôi ra Hải Dương. Ông Viện trưởng Viện Đại học Y Dược mời tôi nói chuyện cho sinh viên. Tôi không nói Tứ Thánh đế. Tôi nói việc làm thuốc cứu người, nói về tâm đức, thì sau thời pháp, có 800 sinh viên phát tâm quy y.

Tôi ưu tư pháp môn Tịnh độ. Đa số người thích tu Tịnh độ, nhưng áp dụng pháp sai lầm. Riêng tôi, phát hiện một điều rằng tôi cũng tu Tịnh độ và tôi thoải mái trong việc tu Tịnh độ, vì tôi ngộ yếu chỉ kinh Pháp hoa, nên thấy Phật Thích Ca và Phật Di Đà là một. Vì vậy, về với Phật Di Đà cũng là về với Phật Thích Ca.

Tại sao tôi dám nghĩ Phật Thích Ca và Phật Di Đà là một. Vì đi sâu vào giáo pháp sẽ nhận thấy lý này. Mỗi ngày, quý vị cúng cơm Phật: Cúng dường thanh tịnh Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật. Viên mãn Báo thân Lô Xá Na Phật. Thiên bá ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nghĩa là Phật Thích Ca có thiên bá ức hóa thân, không phải Ngài chỉ có một thân ở xứ Ấn Độ. Và đọc phẩm Như Lai thọ lượng, thứ 16, kinh Pháp hoa, Đức Phật Thích Ca cũng nói rõ Ngài thành Phật ở chỗ này có tên này, ở chỗ khác, Ngài có tên khác. Phật Thích Ca thành Phật ở Ta-bà, có tên Thích Ca. Còn ở Tây phương, Ngài có tên Di Đà. Vì ở Ta-bà, Phật phải biến thành con người vạn năng (Thích Ca nghĩa là vạn năng) và Ngài là con người trầm mặc, yên tĩnh (Mâu Ni nghĩa là trầm mặc).

Ở Ta-bà, muốn được việc, phải có tâm yên tĩnh, không bị ô nhiễm, tinh khiết như hoa sen. Vì vậy, ở đây phải là Thích Ca. Ở đây mà sống luộm thuộm, sống không ra sao thì làm được gì, nói ai nghe. Ở đây có đủ thứ chuyện, đối với người chán đời, thích tu giải thoát, Ngài phải dạy họ Tứ Thánh đế để họ thoát ly sinh tử.

Phật cũng nói đối với người tu không tìm được giải thoát, thì Bồ-tát Quan Âm hiện làm Thanh văn tu Tứ Thánh đế làm họ kính nể, theo học đạo Thiền, tâm tánh được yên mà lên bờ giác.

Phật nói Quan Âm làm như vậy, nhưng sao tôi thấy giống Phật Thích Ca của tôi, không phải Quan Âm ở Tây phương qua đây. Thật vậy, vì những người tu không tìm được lối ra, Đức Thích Ca mới từ bỏ ngôi vua, Ngài làm Sa-môn để sống chung với họ, dạy họ. Cụ thể là năm anh em Kiều Trần Như, ba anh em Ca Diếp và một ngàn đệ tử, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và hai trăm đệ tử. Những người này tu hạnh viễn ly, từ bỏ cuộc đời, nhưng không biết làm gì, chỉ luẩn quẩn trong sinh tử. Phật thương họ, Ngài mới hiện thân ở Ấn Độ để dìu dắt họ ra khỏi sinh tử.

Trong kinh Pháp hoa, phẩm Thí dụ nói rằng ông trưởng giả đi vào Nhà lửa để cứu các con. Nghĩa là đệ tử Phật tu hành, chưa đắc đạo, nhưng Phật Niết-bàn. Các ông này bị lạc lối, luẩn quẩn trong Nhà lửa, bị thiêu đốt. Phật muốn cứu họ, Ngài phải làm giống họ, là đồng hành đồng sự. Các đệ tử nhận ra ý này, nói rằng Phật ví như ông trưởng giả cởi chuỗi anh lạc, mặc áo thô rách, tay cầm đồ hốt phân, để gần gũi cùng tử là họ. Vì muốn độ họ, Phật phải tu khổ hạnh đến mức da bụng dính với xương sườn, nghĩa là Phật Thích Ca phải khổ hạnh hơn họ, thì họ phải nể phục Phật, nghe theo Ngài. Họ tự hãnh diện với việc khổ hạnh, tức cố chấp pháp tu này, đó là sai lầm lớn, vì tu hành để được giải thoát, không phải để khoe thành tích.

Ngày nay, nếu Phật tử chấp rằng cái gốc theo Phật là đầu trần, chân đất, đi khất thực, thì làm như vậy có còn thích hợp hay không. Ở thế kỷ thứ VI, VII, Phật giáo Nhật và Trung Quốc đã không chấp nhận việc này. Để phá bỏ lời chê trách của những người nói rằng các sư khỏe mạnh, nhưng lười biếng lao động, đi xin ăn, Tổ Bách Trượng đã chủ trương nhứt nhựt bất tác, nhứt nhựt bất thực. Người tu tự làm để sống, mà còn có dư đem cho người, là pháp Phật được áp dụng tùy chỗ, tùy lúc có khác nhau. Đối với chỗ nào thì khất thực được, chỗ khác làm vậy không thích hợp, phải làm khác.

Nhận thức rõ lý Phật dạy, khi tôi tham gia Hội nghị Tôn giáo Thế giới, tôi đã tiếp xúc với các tôn giáo khác và tôi đã ở tu viện của Thiên Chúa giáo ở Ý, tôi cũng thuyết pháp ở đó. Khi trở về Nhật, Hòa thượng bạn mời tôi về chùa ở. Vị Giám mục Thiên Chúa giáo cũng mời tôi về nhà thờ ở. Tôi nói với người bạn là mình ở chùa từ nhỏ, bây giờ ở nhà thờ một bữa cho biết.

Và vào nhà thờ, nói chuyện với người tôn thờ Chúa Ky Tô, hay đấng tạo hóa, đương nhiên tôi không nói Tứ Thánh đế được. Tôi mới bàn việc khủng hoảng của các tôn giáo và tìm lối thoát cho tôn giáo. Vị Hồng y nói rằng tôi nói đúng. Hiện nay, tôn giáo của ông đang gặp khó khăn, chủng sinh không có và nhà thờ cũng không có linh mục.

Nhân đó, tôi nói có người bạn Tin Lành. Họ nói rằng sau này đạo Phật chết, đạo Thiên Chúa cũng chết, chỉ có đạo Tin Lành sống. Vị Hồng y nghe vậy, tức quá. Tôi nói tức thì làm sao lên thiên đường được. Tôi nghĩ muốn sống còn, quý vị phải vác Thánh giá như Chúa Ky Tô, nghĩa là chịu khổ thay cho người khác. Quý vị chịu trách nhiệm trước Chúa, nhưng có bằng lòng chịu tội thế cho mọi người hay không, tức có đi theo con đường của Chúa hay không. Tôi chọn đạo Phật và đi theo con đường của Phật. Còn ngài theo Chúa thì phải chịu cực vác Thánh giá.

Việc tôi làm hôm nay cũng là làm theo Phật xưa kia. Phật giáo hóa ngoại đạo, điển hình là mười đại đệ tử của Phật đều là ngoại đạo. Ba anh em Ca Diếp là giáo chủ đạo thần rắn, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên là giáo chủ đạo thần lửa và Ca Chiên Diên là chiêm tinh gia, tức thầy bói. Những người này vẫn khao khát chân lý, nhưng vì họ cố chấp, nên bị lạc lối. Và được Phật khai thị, họ nhận được điều hay lẽ phải, nên liền nghe theo Phật.

Trở lại cái lý mà tôi nói Phật Thích Ca cũng là Phật Di Đà, vì ở Ta-bà mà không phải Thích Ca thì không được. Nghĩa là tâm không yên tĩnh, không sáng suốt, đụng việc liền nổi nóng, chắc chắn thất bại. Ở Ta-bà phải kham nhẫn, không nhẫn thì không thể tồn tại được. Hở một chút buồn giận thì bao nhiêu tội lỗi theo đây phát sinh. Trên bước đường tu, khẩu hiệu của tôi là không buồn, không giận, không lo, không sợ, cứ bình tĩnh mà đi tới, đó là kinh nghiệm của tôi.

Về Cực lạc, Phật Thích Ca biến thành Phật Di Đà, vì ở đó, tất cả mọi người đều tốt, cái tên ba đường ác còn không có, tức không tham, không giận, không si mê. Vì vậy, theo tôi, ở đây mà quý vị tập được bốn điều là không giận, không buồn, không lo, không sợ là về được Cực lạc.

Pháp môn Tịnh độ từ thời ngài Ấn Quang trở về sau, được nâng lên thành Tịnh độ Ngũ kinh, tức ngoài ba kinh là Di Đà, Vô lượng thọ, Quán Vô lượng thọ, phải áp dụng thêm hai kinh là Lăng nghiêmHoa nghiêm, nếu thêm kinh Pháp hoa càng hay. Không phải tu Tịnh độ chỉ lần chuỗi và cầu vãng sanh.

le kinh chu Phat.jpg


Lễ kính chư Phật - Ảnh minh họa

Thêm kinh Hoa nghiêm là phải thực tập mười đại nguyện Phổ Hiền. Chúng ta suy nghĩ từng việc một của mười nguyện này và thực tập đúng là được vãng sanh . Điều một, phải lễ kính chư Phật là căn bản. Không phải chỉ lễ kính một Phật, nhưng lễ kính chư Phật là tất cả Phật, hay bất cứ người nào giác ngộ, chúng ta coi là thầy. Vì Đức Di Đà trước kia đã từng học với các Phật quá khứ và chư Phật mười phương, Ngài tu hành đạt được kết quả viên mãn, mới xây dựng được Cực lạc.

Vì vậy, lễ kính chư Phật là nói rộng lễ kính ba đời chư Phật, tức lễ kính chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại và chư Phật vị lai. Đối với tôi, các đạo hữu ở đây đều lần lượt sẽ thành Phật, người thành trước, người thành sau, đó là nguyên tắc. Thật vậy, chúng ta tin Phật, nghe pháp và phát tâm làm theo Phật, chắc chắn sẽ thành Phật. Và giữ được tâm này không thay đổi, thì ở đâu, Phật cũng phóng quang cứu chúng ta.

Nếu bỏ Phật Thích Ca, theo Phật Di Đà, thì Ngài cũng không tiếp nhận mình, vì phản thầy để về thế giới kia sống cho sướng, làm sao chấp nhận được. Phải có tâm khổ cùng chịu, vui cùng chia, chỉ đòi hưởng thì không được. Và tánh tôi thích học và thích được làm việc, không thích hưởng thụ, nên càng không muốn về Cực lạc để hưởng sung sướng.

Học với chư Phật ba đời, quan trọng là các Phật vị lai. Thực chất tôi kính quý vị như Phật vị lai, quý vị mới chấp nhận tôi. Dù người ta thế nào, mình cũng biết họ có Phật tánh và mình giúp cho Phật tánh của họ phát lên. Một người làm được một việc, nhiều người làm được nhiều việc. Quan trọng là phải thực tập pháp Phật, phải thương kính những người mà chúng ta đã gặp gỡ, tiếp xúc, để thiện cảm vô lòng họ, không nên gieo ác cảm. Chúng ta gieo thiện cảm với bao nhiêu người thì chúng ta sẽ có bấy nhiêu người thương mình, nhờ đó mình dễ thành công.

Phật Thích Ca và Phật Di Đà là một, vì trong kinh Hoa nghiêm nói Phật Thích Ca có thanh tịnh Pháp thân Tỳ Lô Giá Na và Phật Di Đà cũng có thanh tịnh Pháp thân. Phật nào cũng có ba thân là thanh tịnh Pháp thân, viên mãn Báo thân và thiên bá ức hóa thân. Không có ba thân như vậy thì không là Phật.

Phật có thanh tịnh Pháp thân. Thanh tịnh Pháp thân là gì. Thí dụ, người nào thương tôi, quý tôi, truyền bá tư tưởng của tôi thì người đó là Pháp thân của tôi. Phật Thích Ca Niết-bàn, Ngài bỏ sót tôi ở đây và tôi tuyên dương pháp mầu của Ngài, tôi là Pháp thân của Ngài.  

Phật Thích Ca và Phật Di Đà đều có thanh tịnh Pháp thân. Phật Thích Ca có Pháp thân thanh tịnh và Ngài hiện hữu ở Tây phương Cực lạc là Phật Di Đà. Ở cảnh giới khác thì có tên khác, nhưng Pháp thân là một, hay Phật tánh là một.

Chúng ta chưa có Pháp thân, nhưng có Phật tánh và Phật tánh bị vô minh ngăn che, nên là chúng sanh.

Tôi mong rằng tất cả những người hữu duyên hôm nay cố gắng dẹp phiền não, để Phật tánh được sáng lên, từ đó làm được những việc tốt đẹp cho đạo, lợi ích cho đời. Và đó là con đường dẫn quý vị đến Cực lạc của Phật Di Đà. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày