Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: "Phật giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống hộ quốc an dân"

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX
0:00 / 0:00
0:00
GNO - "Phật giáo là tôn giáo có tín đồ đông nhất ở nước ta, có nhiều ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội, góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa đạo đức truyền thống, xây dựng hạnh phúc của con người và tư tưởng độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam".

Phật giáo gắn bó với dân tộc như "hình với bóng"

Đó là những lời khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX của GHPGVN vào sáng 28-11.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Phật giáo Việt Nam và dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, Tăng Ni và Phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc”.

"Ngày nay, Phật giáo là tôn giáo có tín đồ đông nhất ở Việt Nam, có nhiều ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội, góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa đạo đức truyền thống, xây dựng hạnh phúc của con người và tư tưởng độc lập tự chủ của dân tộc", Chủ tịch nước khẳng định.

Chủ tịch nước cũng đã nêu lên sự đồng hành, gắn bó mật thiết của Phật giáo trong dòng lịch sử dân tộc hơn 2.000 năm với triết lý “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” và truyền thống hộ quốc an dân. Thời đại nào cũng luôn có các vị cao Tăng trí cao đức trọng đứng ra giúp dân, giúp nước. Trong công cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhiều Tăng Ni, cư sĩ Phật tử đã tham gia kháng chiến, anh dũng hy sinh góp sức cùng toàn dân tộc.

“Ngay sau khi thống nhất đất nước, Phật giáo là tôn giáo gương mẫu đi đầu trong việc thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo thành một tổ chức chung là GHPGVN. Với phương châm 'Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội', Phật giáo Việt Nam đã tiếp nối dòng chảy truyền thống, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa Đạo pháp và dân tộc”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đức Quyền Pháp chủ GHPGVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đức Quyền Pháp chủ GHPGVN

Phật giáo có những đóng góp to lớn vào kinh tế, văn hóa và đời sống xã hội

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước đã đánh giá cao những đóng góp của GHPGVN trên mọi mặt, bày tỏ sự vui mừng về những thành tựu mà Giáo hội đã đạt được trong nhiệm kỳ qua góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Giáo hội cùng các Tăng Ni đã tích cực hưởng ứng, vận động Phật tử tham gia các phong trào thi đua yêu nước do các cấp chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể vận động như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa mới, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh… với nhiều cách làm hay, mô hình tiêu biểu.

Phát huy tinh thần từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha, Giáo hội Phật giáo các cấp luôn tích cực tham gia công tác xã hội, xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo… Nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như đã tham gia ủng hộ trên 7.000 tỷ đồng cho đối tượng người nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa, người dân bị ảnh hưởng thiên tai lũ lụt, dịch bệnh… Những hoạt động có ý nghĩa cao đẹp này đã góp phần chia sẻ trách nhiệm với chính quyền, với cộng đồng xã hội, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, GHPGVN đã gương mẫu chấp hành nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh trong các hoạt động sinh hoạt tôn giáo. Hàng nghìn Tăng Ni, Phật tử đã tình nguyện xung phong vào các tuyến đầu, ủng hộ nguồn kinh phí lớn cho quỹ vắc-xin, hỗ trợ mua trang thiết bị y tế, giao tận nhà hàng chục triệu phần quà và suất ăn miễn phí,... Rất nhiều Tăng Ni, chức sắc trong các chùa đã cởi áo cà sa, cùng với các cấp trong hệ thống chính trị lăn xả vào ổ dịch, vào các bệnh viện để chăm sóc, giúp đỡ người dân bị nhiễm bệnh.

“Những hình ảnh cao đẹp đầy tình nghĩa nhân ái của Giáo hội và các Tăng Ni, Phật tử thực sự đã làm lay động trái tim hàng triệu đồng bào cả nước, góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành và toàn dân phòng chống dịch bệnh”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.

Dịp này, Chủ tịch nước cũng khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, sự quan tâm đối với hoạt động tôn giáo và đề nghị các bộ, ban ngành Trung ương, các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng có môi trường sinh hoạt tín ngưỡng ổn định trên cả nước.

Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có lời chúc đến chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, cùng toàn thể Tăng Ni, Phật tử trong, ngoài nước được sức khỏe dồi dào, trí tuệ thù thắng, Phật đạo viên thành và chúc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần IX thành công tốt đẹp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày