Chùa cổ Linh Thông: chốn về tâm linh

GN - Linh Thông cổ tự (chùa Nôm), với diện tích hơn 5 héc-ta, tọa lạc tại làng Đại Đồng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, được biết đến như một trung tâm văn hóa và sinh hoạt tâm linh lớn tại tỉnh nhà, cũng là nơi tìm về của khách hành hương phương xa mỗi khi có dịp đi qua đây.

quanghau2.JPG

Một góc Linh Thông cổ tự

Từ huyền thoại đến lịch sử

Theo thần phả của làng Nôm được Trung tâm Phiên dịch Hán Nôm của Viện Sử học dịch vào tháng 7 năm 2012: “Thành hoàng ở làng tên Tam Giang là một vị tướng tài giỏi thời Hai Bà Trưng, sau khi nhiều lần đánh đuổi quân Tô Định để giữ yên bờ cõi thì quân giặc đã cho người về làng bắt mẹ và vợ của ông, nhưng họ đã ra chùa lễ Phật và hóa (chết) tại cổng chùa, vì thế dân làng đã lập đền thờ tại cổng chùa còn gọi là đền thờ Mẫu nay đã không còn, nhưng hàng năm dân làng đều làm lễ rước Thành hoàng ra chùa lễ Phật để mời mẹ và rước vợ về đình làng để nhân dân lễ bái tỏ lòng tri ân”.

TT.Thích Đồng Huệ, trụ trì chùa, cho biết: “Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng Giêng, 6 người đồng nam sẽ ra chùa rước nước về bao sái (lau rửa, tắm gội) cho Thành hoàng ở làng và sau đó rước Ngài ra chùa lễ Phật để mời mẹ và phu nhân về trong đình để dân làng cúng bái”.

Thượng tọa cho biết thêm: “Theo một số nhà sử học nghiên cứu thì chùa Nôm cũng có thể là một trong tứ trấn của thành Luy Lâu xưa kia ở phương Nam, vì chữ Nôm là một phần của chữ Nam - vì làng trước đây thuộc phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, không xa thành Luy Lâu”.

Trải qua nhiều lần trùng vào các thời Hậu Lê niên hiệu Chính Hòa năm Canh Thân (1680) và tiếp tục các năm Canh Tuất (1694), Đinh Sửu (1697), Mậu Dần (1698), Kỷ Mão (1699) chùa được sửa lại tiền đường, hậu cung và hành lang; niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (1700), sửa lại các trụ cột, tạo thêm tượng, mở rộng thêm sân; niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4 (1796), chùa xây dựng thêm gác chuông và mở rộng hai dãy hành lang; thời nhà Nguyễn năm Thành Thái thứ 11 (1899), chùa lại được vua ban sắc, cho trùng tu thêm một lần nữa; năm 1994, chùa được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Trải qua bao biến cố, với sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, ngôi chùa vẫn uy nghiêm cùng “tuế nguyệt”. Nhưng tấm màn bí mật về lịch sử hình thành ngôi chùa đến nay vẫn chưa được vén mở, xung quanh có nhiều truyền thuyết và những lễ hội ở làng Nôm đã dần cho thấy giá trị hiện hữu của ngôi chùa là rất sớm, có thể chùa được xây dựng trước thời Hai Bà Trưng. Hai tấm bia sau hậu cung chỉ ghi lại các niên đại trùng tu chứ không đề cập đến lịch sử và quá trình hình thành ngôi chùa.

Định hướng phát triển trong tương lai

Chùa đã trải qua nhiều đời trụ trì, nhưng từ năm 1998, khi về đảm nhận trách nhiệm trụ trì ở nơi đây, TT.Thích Đồng Huệ, Phó ban Thường trực GHPGVN tỉnh Hưng Yên đã đem đến cho chốn tổ già lam nơi đây luồng sinh khí mới. 

quanghau1.JPG

Ngôi chánh điện cổ kính vẫn còn được gìn giữ

Chỉ sau 15 năm, trở lại thăm nơi này, không ít người đã vô cùng ngạc nhiên và thán phục về cái tài cũng như cái tâm của thầy: những công trình xây dựng bằng gạch, đất bùn, lợp rơm rạ đã được thay thế bằng nhiều công trình đồ sộ; ngôi tổ đường thô sơ năm nào đã trở nên khang trang với mái ngói đỏ tươi và những cây cột gỗ cao vút; nhà khách, cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, Quan Âm các, vườn tháp Tổ bằng đá tổ ong, tường bao bọc xung quanh khuôn viên v.v... cũng được thiết kế uy nghiêm, tạo nên nét hài hòa độc đáo với lối kiến trúc đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ. Riêng ngôi chùa cổ thì vẫn giữ nguyên nét cổ kính ban sơ, chỉ sửa sang và gia cố thêm những nơi bị hỏng.

Bên dòng sông Nguyệt Đức hiền hòa, nguồn cung cấp nước tưới cho hoạt động nông nghiệp của người dân địa phương và những vùng xung quanh, với cây cầu đá 9 nhịp đầu rồng có niên đại khoảng hơn 200 năm về trước dẫn lối vào chùa, Thượng tọa dự định sẽ tạo nên một cụm du lịch tâm linh từ chùa Nôm đến các ngôi chùa lân cận quanh vùng bằng đường thủy.

Hướng sắp tới, chùa sẽ tiến hành tạo một ngôi bảo tháp thờ Phật với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, cao khoảng hơn 40 mét với 9 hay 13 tầng; tiếp tục duy trì và mở rộng các đạo tràng tu tập để nơi đây ngoài việc là một trung tâm du lịch tâm linh, còn trở thành một đạo tràng tu học cho tín đồ Phật tử địa phương cũng như những người hữu duyên muốn tìm hiểu, thực hành lời Phật dạy; bên cạnh đó, phối hợp với các nhà nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành chùa Nôm - đây là tâm nguyện ấp ủ bấy lâu nay của TT.Thích Đồng Huệ.

quanghau4.jpg

Vườn tháp Tổ bằng đá tổ ong

Từ lâu, mái chùa hiện hữu trong lòng người dân Việt, là nơi sinh hoạt tâm linh, nơi dung dưỡng và ươm mầm cho những điều phúc thiện; bên cạnh đó, ngôi chùa còn là “chốn về tâm linh” của mỗi người. Chùa Nôm nằm trong quần thể du lịch văn hóa của ngôi làng cổ Việt Nam, bên cạnh đình Nôm, cầu Nôm và chợ Nôm.

Ngôi chùa cũng góp phần trong nét đẹp điểm tô văn hóa thôn làng và là điểm đến không thể thiếu của những người con xa xứ mỗi khi có dịp trở về thăm quê.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày