GN - Như nhiều làng quê khác, làng tôi cũng có chùa, miếu để thờ Phật, thờ thần, bốn mùa tám tiết dân làng đều dâng hương cúng lễ. Đình làng là nơi thờ vị thần có công lớn đối với địa phương, nằm ở giữa làng. Miếu nằm trải rác trong các xóm.
Đặc biệt, chùa làng tôi được xây cất trên một khoảnh đất nằm ở gần cuối làng có tên là Minh Thiện, nhưng dân làng vẫn thường gọi là Phật Lớn. Đây là ngôi chùa có quy mô lớn nhất miền Trung thời bấy giờ.
Thời chúa Nguyễn, quê tôi thuộc phủ Vĩnh Khang (bao gồm hai huyện Ninh Hòa, Diên Khánh của tỉnh Khánh Hòa). Lúc ấy, vào thời chúa Sãi, một vị thiền sư đã dựng ngôi thảo am dưới chân núi Hòn Ngang. Về sau, do sự biến đổi của trời đất, dòng sông Cái đổi hướng chảy ngang qua ngôi chùa nên chùa phải chuyển vào xóm Đồng. Được một thời gian, xung quanh vùng đất này dân cư đông đúc nên chùa lại dời đến bến sông Cái, định vị cho đến ngày nay.
Cứ vào mỗi buổi chiều, khi mặt trời vừa khuất, tiếng trống thu không vang lên, ấy là lúc người làm đồng, trẻ chăn trâu lần lượt kéo về nhà. Lúc gà gáy canh năm, tiếng chuông chùa đánh thức người dân trong làng chuẩn bị cho công việc của ngày mới. Vào ngày rằm, mùng một, dân làng kéo nhau về chùa dâng hương lễ Phật. Với họ, Đức Phật như vị thần đầy quyền năng, có thể ban ơn giáng phước cho mọi người. Không quy y, nhưng họ vẫn ăn chay, niệm Phật một cách cung kính.
Giờ đây, chùa làng tôi đã được tu tạo khang trang. Dù ít có dịp về quê, song tiếng chuông vẫn ngân vang, vẹn nguyên trong ký ức của tôi.