Chùa xưa, dấu cũ, bây giờ còn đây!

Phật tử ước mong phục dựng chùa
Phật tử ước mong phục dựng chùa
Nghe bà con làng Đông Quan, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam kể về dấu tích ngôi chùa làng Thanh Trung, thấy thấm thía câu thơ “Mái chùa che chở hồn dân tộc/Nếp sống muôn đời của tổ tông” của nhà thơ tu sĩ Huyền Không - Mãn Giác. Mái chùa xưa ấy từng chở che những chiến sĩ cách mạng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, đến nay chỉ còn lại tấm bia ghi thời điểm đặt đá xây dựng vào năm Phật lịch 2504 và một đài sen đặt tôn tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni...

Chùa tình, chùa nghĩa

Nhắc về ngôi chùa làng ngày xưa, nhiều đạo hữu và đoàn sinh Gia đình Phật tử (GĐPT) từng sinh hoạt tại đây đều không ngăn được nước mắt: “Hồi xưa chùa quê nhưng sinh hoạt đông lắm, gần như cả làng ai cũng biết đạo và đây là một đơn vị GĐPT mạnh nhất nhì trong huyện”. Chùa Thanh Trung được hình thành từ Phật lịch 2504, do HT.Thích Trí Hữu (một trong những vị giáo phẩm sáng lập chùa Ấn Quang, Q.10, TP.HCM) chứng minh lễ đặt đá xây dựng, có lịch sử đến nay đã ngót nghét 50 năm.

Ngôi chùa xây xong, bà con Phật tử mừng mừng, tủi tủi vì “ưng cái bụng, làng mình đã có Phật”, bác Hứa Tư Hoàng, 80 tuổi,  một trưởng lão Phật tử, nhân chứng sống của sự ra đời và thịnh suy của ngôi chùa, cho biết. Lúc bấy giờ, Phật tử đến sinh hoạt tại chùa Thanh Trung có trên 800 người gồm đạo hữu Phật tử lớn tuổi, thanh niên GĐPT và các em oanh vũ. Nhắc về thời chùa còn đông Phật tử sinh hoạt, bác Tư Hoàng không kềm lòng được: “Chùa hình thành và có biết bao người anh em của chúng tôi gắn bó. Thế nhưng, chiến tranh loạn lạc đã cướp đi những người bạn đồng đạo của chúng tôi, lớp chết, lớp bị thương tật…”. Nói đến đó, ông chỉ anh Huỳnh Ngọc Thôi, vốn là huynh trưởng GĐPT Thanh Trung nay là một thương binh. Còn biết bao người đã ngã xuống, bị thương, có xuất thân là Phật tử chùa Thanh Trung là nỗi niềm vẫn còn in hằn. “Chúng tôi sống thì sinh hoạt ở đây, chết thì quy tập về chùa”, cô Huỳnh Thị Biết nhớ về lời trăn trối của người đã ngã xuống…

Ước mơ phục dựng ngôi chùa

Không chỉ có những người Phật tử trung kiên của chùa Thanh Trung ngã xuống cho quê hương, xứ sở mà tại đây còn là nơi trú ẩn an toàn của những chiến sĩ cách mạng. Những năm quá ác liệt vào thập niên 1960, 1970 của thế kỷ trước, chùa Thanh Trung được chọn làm điểm tập kết của bộ đội trước những trận công đồn đánh địch. Chính vì vậy, ngôi chùa trở thành điểm ngắm của đại bác Mỹ. Chùa bị phá sập, mái chùa không còn, tượng Phật cũng hư hại. Sau giải phóng, những viên gạch còn lại của chùa Thanh Trung cũng được dùng vào việc làm hợp tác, sân phơi. Mảnh đất rộng chừng 3.000m2 thuộc khuôn viên chùa được người dân địa phương tận dụng trồng hoa màu…

Nhiều năm trôi qua, đến khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, chư tôn đức đại diện Phật giáo huyện Điện Bàn, trong đó có thầy Thích Giải Quảng - hiện là Chánh đại diện Phật giáo huyện, có ý muốn khôi phục ngôi Đại hùng Bảo điện nhưng điều kiện nhân duyên chưa hội đủ. Trong niềm tín tâm thuần khiết, gần đây bà con Phật tử đã thỉnh được một pho tượng Đức Bổn Sư về đặt lại trên đài sen cũ cũng như bắt tay xây dựng một góc chánh điện. Hàng trăm bà con Phật tử quy tụ về tụng niệm mỗi đêm. Và chính vì vậy, “Ước mơ của chúng tôi là sớm phục dựng ngôi bảo điện để di tích xưa được “sống” lại, cũng là để có nơi cho Phật tử sinh hoạt”. Đồng tình với điều đó, thầy Giải Quảng bày tỏ mong muốn: “Hồi trước ở Điện Bàn mỗi thôn có một ngôi chùa, sau này chiến tranh tàn phá nhiều; nay thanh bình rồi, khát khao phục dựng chùa chiền để bà con có nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh là ước mong chính đáng mà chúng tôi hết lòng ủng hộ…”. Ông Hứa Thuận, Bí thư Chi bộ Đảng thôn Đông Quan cũng đồng tình với những mong ước của bà con Phật tử ở đây: “Chùa đã có từ lâu, phục dựng lại cũng là chuyện phải để bà con có nơi sinh hoạt cho đàng hoàng”.

Trên nền xưa dấu cũ ngôi chùa quê năm nào, nhiều tấm lòng con dân xứ Quảng thuần phác đang thiết tha trông đợi sự hiện hữu của ngôi tòng lâm phạm vũ trên mảnh đất quê hương anh hùng, ở đó dìu dặt tiếng mõ sớm chuông chiều thức tỉnh thế nhân giữa dòng đời biến động…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh an trí tại giới trường chùa Tỉnh Hội (Đồng Nai)

Đại Giới đàn Đạt Thanh: Cung thỉnh di ảnh Tổ sư về giới trường, giáo giới hành nghi các giới tử

GNO - Chiều 25-4, Ban Kiến đàn Đại giới đàn Đạt Thanh đã đến tổ đình Long Thiền cử hành lễ cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh và giới bổn về chùa Tỉnh Hội - giới trường Tăng, đồng thời chư Ni trong Ban Kiến đàn cũng đã cung thỉnh di ảnh từ chùa Bửu Phong về chùa Phước Hội - giới trường Ni.
Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.
Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.

Thông tin hàng ngày