Chuyện đất Phật

Chuyện đất Phật

GN - Trong những câu chuyện về Phật pháp, tôi thích nhất là hai câu chuyện sau: Câu chuyện thứ nhất nói về một bà lão có tấm lòng tin tưởng sâu nặng vào Phật pháp. Bà có một người con là thương gia chuyên mua bán xa. Bà không đòi hỏi con mua những món ngon vật lạ mà chỉ dặn con trên đường đi tìm thỉnh cho bà xá-lợi của Phật hoặc của cao tăng đắc đạo đem về để bà thờ. Người con hứa với mẹ nhiều lần nhưng cứ quên hoài. Đến một hôm người con lại sửa soạn đi mua bán xa thì bà lão nói nếu lần này mà không tìm xá-lợi về cho bà, bà sẽ tự tử, người con rối rít hứa chắc. Bà vui vẻ chờ đợi tin vui. Không ngờ người con lại tiếp tục quên, trên đường về anh ta chợt nhớ ra nhưng không biết phải làm sao chợt thấy một chiếc răng chó bên đường liền nảy ra ý nhặt lấy và đem về nhà bảo với mẹ đó là xá-lợi răng của một vị cao tăng đắc đạo. Bà lão rất vui mừng đem chiếc răng để lên bàn thờ chiêm bái, lễ lạy hàng ngày. Không ngờ sau một thời gian dài thành tâm lễ bái chiếc răng đó phát hào quang sáng rực.

Câu chuyện thứ hai kể về một cư sĩ mấy chục năm chỉ chuyên tụng thần chú Lục tự đại minh. Lúc đầu mỗi lần tụng xong một câu chú ông bốc một hạt đậu để sang một bên, sau một thời gian dài công phu, hạt đậu tự nhảy sang khi ông tụng xong một câu. Điều đặc biệt là ông tụng sai một chữ trong câu chú, sau có người chỉ cho ông biết điều đó. Ông tụng lại cho đúng thì hạt đậu không tự nhảy nữa.

Qua hai câu chuyện trên ta thấy điều quan trọng nhất trong tu học là tâm chí thành tin tưởng vào pháp môn sẽ giúp ta đắc thành đạo quả, nếu không dù thuộc trăm kinh, vạn kệ chỉ vô ích mà thôi.

Cách đây hơn ba năm tôi có đọc một tờ rơi do một người tự xưng là cư sĩ viết, ông ta công kích việc một số Phật tử mang đất từ nơi Đức Phật sinh ra, tu hành đắc đạo, thuyết pháp, nhập Niết-bàn (gọi tắt là đất Phật) để thờ. Ông ta bảo đất đó có thể chứa nước tiểu, phân bò thậm chí cả phân người nên rất ô uế, nếu thờ là thờ phân, nước tiểu. Tôi đọc xong tờ rơi đó tự hỏi không biết ông ta có hiểu hành động quỳ ôm hôn đất quê hương của những người nhiều năm xa xứ không, và cách nhìn của ông ta như thế nào về các tượng Phật hay ông ta lại bảo tượng Phật chỉ làm từ gỗ đá cát xi-măng thì không nên lễ bái. Việc Phật tử thờ đất Phật theo tôi nghĩ là do lòng yêu kính Đức Phật mà ra. Cũng giống như người ôm hôn đất quê hương là do tấm lòng gắn bó với mảnh đất đã sinh ra mình.

Hai năm trước tình cờ ghé thăm một vị thầy, biết thầy sắp qua Ấn Độ viếng thăm vùng đất Phật, tôi vội đi mua một số vật dụng như thuốc cảm, dầu gió… để tặng thầy và chúc thầy thượng lộ bình an. Khi về đến nhà, chợt nhớ câu chuyện bà lão thờ xá-lợi, tôi vò đầu vì tiếc mình đã không tranh thủ nhờ thầy tìm giúp mình một vật gì có liên quan tới Đức Phật như lá bồ-đề nơi Đức Phật đắc đạo hoặc một vài viên sỏi hay đất cát nơi các thánh tích. Nghĩ là làm, tôi lại quay trở lại tìm thầy nhưng không may thầy đi vắng mà tôi lại không biết số điện thoại của thầy. Tôi đành phải viết một lá thư bọc viên đá bên trong rồi ném vào cửa sổ phòng của thầy, hy vọng thầy thấy bức thư và giúp tôi tròn nguyện ước. Chuyến đi và về mất bảy mươi cây số nhưng tôi rất khỏe và vui vì nghĩ mình sẽ được món quà quý giá.

Chờ đằng đẵng gần hai tháng thì tôi được báo tin thầy đã về nước và hẹn thời gian, địa điểm để trao quà. Tôi hết sức vui mừng sắm cả một chiếc áo tràng mới để chuẩn bị nhận quà. Nơi thầy hẹn gặp là một ngôi chùa cổ. Khi tôi đến nơi thì các Phật tử khác đã tề tựu đầy đủ. Sau phần nghi thức, thầy trụ trì giảng một bài pháp nói về niềm tin trong quá trình tu tập. Tiếp đến vị thầy của tôi kể lại chuyến hành hương về đất Phật. Cả chánh điện im phăng phắc dõi theo lời kể từ những đoạn đường xa dằng dặc, khí hậu khắc nghiệt đến những cảm xúc dâng trào khi đặt chân đến những nơi Đức Phật đã bước chân qua khi còn tại thế. Tiếng vỗ tay vang rền khi buổi kể chuyện chấm dứt, trên khuôn mặt mỗi người như còn đọng lại một niềm ước mơ ngày nào đó chính mình sẽ bước chân trên miền đất vĩnh hằng. Đến phần phát quà, thầy bảo Phật tử thì đông mà quà có giới hạn nên thầy chỉ tặng quà cho những người bảy mươi tuổi trở lên. Nhiều tiếng “ồ”vang lên thất vọng. Các Phật tử bảy mươi tuổi trở lên đứng xếp hai hàng, chợt thầy chỉ vào một cô rồi hỏi: Cô bao nhiêu tuổi? Cô ta vừa chạy ra khỏi hàng vừa trả lời: Dạ con mới sáu mươi. Mọi người cười ầm lên vì trò “ăn gian” không thành của cô ta. Chính tự tay thầy trao cho những người Phật tử lớn tuổi những chiếc lá bồ-đề được nhặt từ cây bồ-đề nơi Đức Phật đắc đạo. Cầm chiếc lá mong manh trên tay như cầm một món đồ dễ vỡ, họ trở về chỗ, khuôn mặt ánh lên niềm hạnh phúc không thể diễn tả. Tôi cũng hồi hộp không kém, không biết thầy mang gì cho tôi. Khi mọi người đã ổn định, thầy bảo: Các Phật tử không nhận được quà đừng buồn, chỉ cần có tâm thành trước sau cũng sẽ tròn ước nguyện. Thầy lại bảo tiếp: Sau đây thầy mời Phật tử Hương Đức lên nhận quà. Nghe gọi tên, tôi giật mình đánh thót, mọi ánh mắt đổ dồn về tôi. Vội vã đứng dậy vừa đi vừa thầm trách thầy đưa tôi đến hoàn cảnh này, cứ ngỡ thầy kêu tôi ra một góc nào đó trao quà, ai dè…. Đến nơi, quỳ lạy Phật xong tôi chắp tay cúi chào thầy trụ trì, thầy và Phật tử rồi đứng sang một bên. Thầy nói với đại chúng: Phật tử Hương Đức tình cờ biết thầy sắp viếng thăm đất Phật nên có nhờ thầy nhặt một chút ít đất cát nơi Đức Phật tu hành đắc đạo về để thờ, thầy rất xúc động vì tấm lòng kính yêu Phật đó nên thầy có đem về cho Phật tử Hương Đức một món quà nhỏ. Nhận quà xong tôi trở về chỗ, mọi người xúm lại mượn xem món quà, tôi lính quýnh bảo: Các bác cẩn thận kẻo rơi mất, chết tôi. Khi mọi người trả lại tôi mới có thể ngắm kỹ món quà gồm có: Một chiếc lá bồ-đề khô đã xử lý chỉ còn gân lá mong manh như mạng nhện, một nhúm cát (thầy bảo là cát sông Hằng) đựng trong một túi ny-lon hàn kín đặt trong một lọ đá có nắp đậy rất đẹp, ba viên sỏi màu đen tuyền long lánh, một mảnh vải màu vàng (thầy bảo là mảnh vải cắt ra từ chiếc cà-sa phủ trên tượng Phật Niết-bàn). Giã từ quý thầy và Phật tử ra về, tôi ôm món quà mà trong lòng lâng lâng hạnh phúc. Có niềm vui nào hơn được món quà của đạo pháp, ước mơ bấy lâu nay đã thành hiện thực. Tôi mua một lọ thủy tinh thật đẹp để đựng đất Phật đặt lên bàn thờ ngắm nhìn hàng ngày - chùa có đại phước thì được xá-lợi Phật để thờ, còn tôi phước mỏng, tội dày có được một chút đất nơi bước chân Đức Phật từng bước qua là đã thỏa nguyện rồi.

Một tháng sau tôi ghé nhà anh ruột, vốn biết anh mình không tin Phật pháp, hay có những lời công kích, tôi nói chuyện nho nhỏ với chị dâu (vốn là một Phật tử thuần thành) về việc mình được thầy mang đất Phật về tặng. Không ngờ anh tôi nghe được liền nói: Mầy coi chừng mấy ông thầy lấy đất tầm bậy cho mầy. Tôi ngạc nhiên trả lời: Anh nói làm sao chứ một người cả đời ăn chay niệm Phật, giúp đời không hết, họ gạt em có ích lợi gì. Anh tôi làm thinh không nói nữa. Đêm đến tôi ngủ trên tầng bốn nhà anh, nửa đêm đang ngủ say tôi giật mình tỉnh dậy vì căn nhà rung chuyển dữ dội, tưởng là động đất. Sau đó tất cả bình thường trở lại, tôi lại ngủ tiếp. Bốn giờ sáng tôi thức dậy ra về, anh tôi mở cửa nhưng không được, bên ngoài một đống đất to đùng trộn lẫn mảnh sành chèn cứng cánh cửa. Tôi hết sức ngạc nhiên giữa cái thành phố này lấy đâu ra đống đất to như thế. Anh tôi bảo chắc có chiếc xe ủi nào đó quay trở thế nào mà lôi mấy chậu hoa xương rồng to của hàng xóm qua đây, mấy chục năm nay đâu có chuyện như vầy xảy ra. Trên đường về tôi miên man suy nghĩ thấy lo cho anh của mình. Anh vốn là người có thể nói là thành công trên đường đời, con ngoan học giỏi, đều hết lòng tin tưởng vào Phật pháp. Anh tôi thường nói những câu công kích đạo pháp khiến cả con anh chịu cũng không nổi. Có lần đứa con lớn của anh vốn là một giám đốc than với tôi: Chú nghĩ coi, ba con tuyên bố mùng một Tết thằng nào ăn chay đừng đến nhà tao. Tôi chỉ biết lắc đầu trước sự vô minh của anh mình. Tôi thầm nguyện chư Phật, Bồ-tát tạo cơ hội để giúp anh tôi thay tâm đổi ý chứ như vậy hoài tội nghiệp của anh càng ngày càng nặng thêm. Có lẽ câu nói xúc phạm đến bậc chân tu của anh đã chấn động quỷ thần nên đã khiến cho xe ủi một đống đất vào trước cửa nhà anh. Đó mới chính là đất “tầm bậy”mà anh đã nói. Còn đất thầy tôi mang về từ Thánh tích là đất Phật. Dù ai có nói thế nào, món quà thầy tôi vẫn mãi là niềm tin yêu, hãnh diện của tôi - một món quà tâm linh vô giá.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày