[Chuyến đi bất ngờ] Kỳ 1: Xuất phát

Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa
GNO - Tôi ít thọ hưởng tiền đàn-na tín thí, dẫu có thọ nhận, thì "của tín thí nan tiêu", nhận một hạt gạo cũng phải cẩn trọng, phải lo tu hành để đền đáp những cái ân như núi - Người ta vì lòng tin mà nhường cơm sẻ áo, mong mình tu đàng hoàng để Phật pháp được trường tồn...

LTS: GN nhận được ký sự "Chuyến đi bất ngờ" * của Sư cô Thích nữ Hạnh Đoan, một cộng tác viên thân thiết. Với nhân duyên bất ngờ, tác giả đã tham gia một chuyến đi qua nhiều địa danh cố đô Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang… Những miền đất ấy không khô khan mà đầy sinh động, luôn tươi mới và chứa đầy bất ngờ như chính tâm thức con người. Do dung lượng báo có hạn, nên GN trích đăng một số đoạn trong ký sự thú vị này. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

***

Tôi quanh năm cấm túc chẳng đi đâu nên việc đi chơi đó đây dù là trong nước xem như rất hiếm.

Một ngày đẹp trời điện thoại reo vang, bạn bè gọi điện tới, thúc hối tôi nên làm một chuyến viễn du cho mở rộng tầm mắt và còn bảo rằng đây là chuyến đi cực kỳ thú vị, bỏ qua rất uổng.

Giá chuyến đi rất cao, mà đồng lương viết báo của tôi các em thường bảo là "nuôi không nổi hai con chó và mấy con mèo". Thế thì làm sao tôi dám mơ đi một chuyến dài hơn cả tuần, phí tổn được tính bằng tiền đô?

Tôi ít thọ hưởng tiền đàn-na tín thí, dẫu có thọ nhận, thì "của tín thí nan tiêu", nhận một hạt gạo cũng phải cẩn trọng, phải lo tu hành để đền đáp những cái ân như núi - Người ta vì lòng tin mà nhường cơm sẻ áo, mong mình tu đàng hoàng để Phật pháp được trường tồn, rộng truyền, giúp ích chúng sinh… Hơn nữa, hạng phước đức cạn mỏng như tôi làm sao dám tơ tưởng đến chuyện viễn du, hưởng thụ?

Do vậy mà tôi đành từ chối. Các bạn tôi chẳng thèm đá động gì tới vụ này nữa. Nhưng sau đó họ báo tin: Đã đăng ký đóng tiền vé cho tôi. Và tôi chỉ còn mỗi một việc là thu xếp hành lý lên đường. Không thể để họ tốn kém nhiều, tôi moi hết tiền trong con heo đất ra, bàn: - Tôi sẽ phụ nộp nửa số tiền vé, phần còn lại để họ bao! Thấy tôi chịu đi, bạn bè vui lắm, gọi điện chúc mừng hoài.

Cái cốc tôi ngoài lũ chó, mèo và tôi với nhỏ Hương ra thì chẳng còn ai khác. Nếu tôi đi xa, Hương phải ở lại trông nhà. Thêm nữa, dù có muốn đi thì Hương đào đâu ra số tiền lớn để mà mua vé song hành cùng tôi? Nên chuyện đi chung là điều chỉ có trong… mơ!

Vậy mà mộng bỗng thành thực, vài ngày trước khi xuất phát, một hành khách do người thân bệnh nặng nên bắt buộc phải hủy chuyến đi, chịu nhượng lại vé với nửa giá tiền. Diệu Ân, một hảo bằng hữu của tôi, rất quý Hương, âm thầm đóng tiền cho Hương đi. Thế là ngay ngày khởi hành, không hẹn mà tôi, nhỏ Hương và Diệu Ân đồng có mặt tại điểm xuất phát. Diệu Ân là người bận trăm việc, khó bỏ gia đình để đi đâu quá hai ngày. Còn chúng tôi chưa bao giờ vì viễn du dài hạn mà bỏ mặc cái cốc không ai coi. Thế nhưng tất cả những điều này lại đồng loạt xảy ra, khiến tôi cảm thấy chuyến đi có vẻ hy hữu... Nhất là kề cạnh mình toàn là những người thân thiết, hảo thiện nhân!

Theo dự định, chúng tôi sẽ đáp máy bay ra Huế, rồi từ Huế đi xe tham quan tà tà Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang… đến Cam Ranh thì đi máy bay vào lại Sài Gòn. Tất nhiên chúng tôi sẽ ghé thăm các thắng cảnh suốt lộ trình.

Chiếc xe to đùng chở 17 hành khách (chỉ có mình tôi là tu sĩ) ra phi trường. Nguyễn Nhật Trình - hướng dẫn viên du lịch - kiểm lại danh sách lần chót và bảo chúng tôi hãy cho biết ai ăn chay, ai ăn mặn? 11 ngón tay đưa lên đăng ký ăn chay, Trình ngạc nhiên lẩm bẩm: - Lạ, đoàn khách này sao mà ăn chay đông quá?... Và em gọi điện đăng ký suất ăn cho chúng tôi.

Ra tới phi trường Tân Sơn Nhất thì trời đổ mưa lất phất. Lúc này đang mùa bão, Huế, Đà Nẵng vừa mới bị mấy trận mưa ngập cả đường sá. Hiếm ai thực hiện chuyến ngao du giữa mùa giông gió khác thường như thế này. Tôi nói nho nhỏ:

- Chẳng có ai giống mình, trời mưa tầm tã, mưa vùi, mà đi xa…

Trình mỉm cười bảo:

- Đi thế này hay đó cô, vì không ai đi nên đoàn mình tha hồ thong thả, có chăm lo gì cũng tiện…

Trình vui là phải (vì không có khách đi du lịch thì hướng dẫn viên chỉ có nước nằm nhà ngáp gió).

Tôi hỏi: Những lúc ế không có lịch làm việc, Trình buồn không?

- Buồn chết được, đi riết quen rồi!

Tôi chưa đi máy bay bao giờ, những tưởng là tới chết cũng chưa biết mùi máy bay. Vậy mà khi khổng khi không được thỏa nguyện, thấy cái gì cũng lạ cũng vui, tôi và Hương giống hệt Tư Ếch lên Sài Gòn.

Vào máy bay, tôi ngồi cạnh cửa sổ, Hương an vị kế tôi. Thắt dây an toàn xong, tôi yên tâm ngắm cảnh. Máy bay từ từ cất cánh, ở trên cao nhìn xuống, thấy nhà cửa đường phố gì cũng bé tí hệt như các mô hình đồ chơi. Chẳng biết có phải vì mới cất cánh? - Mà tôi thấy máy bay nghiêng lâu đến nổi da gà, dáng bay chẳng thăng bằng này cộng với những hình ảnh xa tít phía dưới làm tôi chóng mặt và cảm giác không an toàn bỗng hiện vẩn vơ. Hương cùng ngồi ngắm với tôi một hồi, cũng có đồng nỗi sợ ấy nhưng không nói ra, cuối cùng Hương nhắm tít mắt lại, không phải để ngủ đâu. Tôi biết thế nào nó cũng niệm Đức Quan Âm miên mật để tự trấn an. Nếu đi máy bay mà không nhìn ra ngoài trời, chẳng mục kích hình dáng chao đảo của nó thì rất dễ bình thản, an tâm. Nhưng dù sợ, tôi vẫn cứ nhìn qua cửa sổ, không bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng cảnh vật từ trên cao. Tôi rất muốn nghiêng người, chồm ra sát cửa sổ để nhìn cho mãn nhãn, nhìn cho rõ tất tật những gì đang xảy ra ngoài bầu trời, nhưng tôi sợ nếu mình chồm lên, nghiêng người như vậy biết đâu sẽ làm máy bay mất thăng bằng rồi nó… nghiêng theo thì nguy, tội nghiệp cho hành khách. Sau này, khi nghe tôi thổ lộ ý nghĩ đó, bạn bè đều cười. Diệu Ân nói: Mình cô nghiêng người thì không sao, nhưng tất cả hành khách đều nhoài ra như vậy hết mới đáng sợ…

Càng lên cao, cảnh càng đẹp, da trời xanh ngắt, mây trắng nằm rải rác phía dưới giống hệt những cụm tuyết.

Hồi 7, 8 tuổi có lần tôi ngắm chiếc máy bay đang lượn qua bầu trời và hỏi một anh lính đóng quân gần nhà:

- Anh có đi máy bay lần nào chưa?

- Đi rồi!

- Có thấy mây không?

- Thấy!

- Thế thì sao không lấy mây về?

- Mây làm sao mà lấy được?

- Vậy là anh chưa từng đi máy bay! – Tôi vênh mặt, nói một cách quả quyết. Lòng khoái chí thầm, nghĩ anh lính chắc đang nể tôi lắm. "Đừng có tưởng tôi bé, dễ bị gạt mà lầm!"… Rõ là mây đang nằm lớp lớp, giăng đầy trên bầu trời, máy bay thế nào cũng phải ngang qua mây, vậy mà nói là "không thể lấy mây được", có phải vô lý lắm không? Bây giờ, ngồi trên máy bay nhớ lại chuyện hồi nhỏ, tôi không khỏi buồn cười.

Hương đã mở mắt và lấy lại bình tĩnh, không thèm nhìn ra cửa sổ nữa. Nó trao cho tôi ly nước ngọt cô tiếp viên vừa phát và thì thầm vào tai tôi: - Mấy người quanh đây cứ tưởng cô là Việt kiều đi du lịch, đừng có ngắm ngơ ngẩn, lộ bộ mặt Hai Lúa quá mức như vậy!

Bên dưới, thành phố Huế đã hiện ra, uớt sũng nước, trông rất buồn. Nghe nói lúc máy bay hạ cánh cũng ghê lắm - không khéo sẽ bị ù tai. Tôi vội bịt tai lại khi thấy máy bay đáp xuống. Nhưng có lẽ tôi bịt tai kín quá nên chẳng thấy đáng sợ và chẳng có cảm giác ù gì.

Khi chúng tôi xuống được tới đất, Hương đấm vào vai tôi thì thầm:

- Cô thỏa nguyện đi máy bay rồi nhé!

Tôi khe khẽ ngâm:

Thuở bé, chưa từng đi máy bay…

Cho nên ấm ức, "tiếc, hận" hoài

Đi rồi, thấy cũng… không gì khác

Nhưng hết còn mơ… chuyện trên mây!

Xuống phi trường Huế, chúng tôi lội bộ một đoạn ra đến chỗ xe chờ đón, con đường ngoài sân bay loang lổ nước, nơi ngập nơi không, nước chỉ sấp sấp mắt cá chân. Mưa sụt sùi, ai cũng phải giương dù che. Lên xe, thấy an lòng hơn ở trên máy bay. Xe đổ về Khách sạn Parkview (nghe nói khách sạn này được xếp loại bốn sao). Cho dù có nhiều sao đến mấy tôi chỉ có thể ngắm và nhìn. Cái hồ bơi xinh đẹp quyến rũ kia càng khiến tôi thở dài, vì mình đâu có thể tắm trong đó? Chúng tôi sẽ nghỉ ngơi ở đây một chút rồi sau đó sẽ đi ăn tại nhà hàng cung đình Huế rồi dạo du thuyền ban đêm.

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày