Buổi sáng, dùng điểm tâm xong chúng tôi rời Nha Trang, lên xe đi Cam Ranh.
Ở trên xe chúng tôi cùng hát những bài biệt ly để từ giã. Trình lẩm bẩm một mình: - Đoàn du lịch này dễ thương quá, chưa thấy đoàn nào như đoàn này, thắm thiết nghĩa tình, không gây gổ, cư xử còn hơn ruột thịt. Có nhiều đoàn gia đình đi chung mà còn xung đột tá lả, thiệt là lâu thật lâu mới thấy có một đoàn dễ thương như vậy...
Hồi đi thăm lăng Tự Đức, mưa lớn mà Trình cứ đứng ngoài trời thuyết minh. Kết quả là Trình bị cảm. Tôi trách: - Đáng lẽ em không nên dầm mưa nói… như thế!
Trình đáp: - Bổn phận mà, em phải làm cho tròn!
- Mưa thì phải kiếm chỗ núp chứ, cứ đứng ngoài trời "hành nghề", rồi tất cả đều ướt nhẹp, tròn… bệnh thì có!
Giọng Trình khàn khàn, lại ho húng hắng… Tôi lục túi xách, đưa Trình hai vỉ thuốc cảm, quảng cáo: - Thuốc Úc đấy, uống vô đỡ liền!
Chị Liên vội chìa lọ thuốc Mỹ, ân cần bảo: - Thuốc này hiệu quả lắm! Uống hết nhanh cấp kỳ!
Song Hương thì căn dặn: - Xuống xe nhớ ghé nhà chị lấy thuốc ho! (Thuốc Song Hương là thuốc Nhật).
Tôi kết luận: - Trình cứ nốc hết một lần tất cả thuốc được cho đi! Bảo đảm sẽ…
- … Sẽ thành người ngẩn ngẩn ngơ ngơ, ai hỏi gì cũng không trả lời mà cứ cười cười, ngó lên đọt cây - Trình vui vẻ tiếp lời tôi.
Chúng tôi đối với nhau nghĩa tình? - Bởi vì chúng tôi đều là đệ tử Phật - Chính tâm đạo này đã duy trì bầu không khí thân thiện, nồng ấm trên xe, gắn kết chúng tôi lại với nhau và biến giây phút tao ngộ thành "Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ", mà đã hành trì pháp Phật thì không thể nào cư xử xấu, tệ được.
Tôi nhớ có lần sau một buổi mua sắm ở Đà Nẵng, ngồi trên xe Diệu Ân bực dọc bà bán hàng ranh ma tráo đồ nên thốt lời phàn nàn, chị Cúc liền nhắc: - Đừng để tâm mất thanh tịnh vì những điều này!
Vừa nghe nhắc, Diệu Ân tỉnh ngay. Tới hồi xuống xe, Diệu Ân tiến lại chỗ chị Cúc, nói nhỏ: - Em cảm ơn chị đã nhắc nhở! Cảm ơn rất nhiều!
Sau đó Trình hỏi Diệu Ân có muốn kiếm bà hàng bắt đền lại đồ đã tráo không? Diệu Ân lắc đầu: - Thôi khỏi, xí xóa!
Tôi chứng kiến mà âm thầm cảm động, người nhắc, người phục thiện đã cùng vẽ nên một bức tranh rất đẹp về cuộc sống. Tôi có cảm giác và tin tưởng chuyến đi này an lành, vì ngồi trên xe là những người biết canh chừng tâm, không để cho ý bất thiện dấy khởi, không cho phép nó tồn tại.
Tôi nhớ chị tôi thường khuyến cáo: - Nếu em đón xe đi đâu mà gặp xe ăn giá mắc, giá chém… thì đừng đi, vì xe đó rất xui. Bởi chẳng biết tích phúc mà cứ ham tích tiền không chân chánh thì rất dễ gặp rủi ro - không bể bánh cũng bị nạn tai… của thiên trả địa mà!
Tôi từng thí nghiệm thử và thấy lời này không sai. Có lần tôi gặp lơ và chủ xe đều hung dữ, ăn hiếp khách, khinh thường khách… lấy giá cắt cổ, tôi vẫn lên đi thử. Kết quả, mới đi hơn nửa lộ trình thì xe bể bánh. Vá xong đi một quãng thì bánh thứ ba bên trái lại rung lọc cà lọc cọc báo hiệu sắp rơi ra, chủ xe phải dừng lại sửa. Khách xuống xe ngồi dài chờ đợi thật tội. Còn tôi hãi quá, không dám tiếp tục ngồi chờ xe đó nữa, mà ngoắc xe khác đi.
Đây không phải là thuyết hoang đường, nó chứng minh rằng "ở hiền gặp lành, người tích đức luôn có thừa niềm vui". Một người thiện, chiêu cảm quả tốt. Cả xe đều thiện? - Sẽ càng tốt hơn. Do vậy mà suốt lộ trình viễn du, lúc đi trên đường tôi luôn có cảm giác bình an nhẹ nhàng.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Khách sạn Riverside Đà Nẵng từng nói với tôi: - Phái đoàn cô đi rồi tôi rất buồn, chỉ ước mình là hướng dẫn viên du lịch để được theo cùng. Quý vị cư xử tình cảm như ruột thịt, có bà con với nhau không vậy?
Tôi đáp: - Phần đông chúng tôi chẳng biết nhau trước, lên xe rồi mới quen.
Suốt lộ trình, tôi thường phát biểu mình chưa bao giờ được đi một chuyến hay, lạ như thế này!
Chị Cúc nói:
- Bọn này cũng vậy! Chưa ai được đi vui như thế này bao giờ!
Diệu Ân bảo tôi: - Lâu lâu cô phải đi ra ngoài du lịch cho đầu óc thông thoáng, về viết báo mới hay. Hổm rày cô có đủ vốn để viết chưa?
Tôi cười:
- Lo đi chơi, được hưởng thụ sung sướng quá thành ra… mụ mẫm cả người, đầu óc trống rỗng, chẳng viết gì được!
- Vậy thì cứ tận hưởng cho hết cái thú viễn du này đi!
Đến sân bay Cam Ranh, Trình phải ở lại để tiếp đoàn khách du lịch khác sắp đến, không thể về chung với đoàn nên em chào từ biệt chúng tôi.
Xuống phi trường Tân Sơn Nhất, xe Vietravel đến đón chúng tôi về công ty. Tại đây chúng tôi chia tay nhau. Diệu Ân đang gọi điện thuê xe bốn chỗ đến rước mình về. Tôi thì thuận đường quá giang. Trước khi từ giã, Mai Thy tha thiết bảo tôi và Diệu Ân : - Đúng 14 giờ Lạt-ma Sonam sẽ làm lễ ở chùa Pháp Hoa, cô ráng đến đó dự nhé!
Tất nhiên tôi không thể tự quyết định, vì tôi có đón xe buýt hay ngoắc taxi đi đến Pháp Hoa, e rằng thời gian không còn kịp. Tôi cũng không thể làm phiền, chèo kéo Diệu Ân đi để mình được ké theo tới đó. Tôi nghĩ: "Thôi đành tùy duyên, có duyên thì gặp, không thì thôi!". Lúc này đã 13g45. Đang trên đường về, Diệu Ân bỗng ra quyết định, sẽ cùng tôi đi tới chùa Pháp Hoa gặp Lạt-ma. Thế là chúng tôi gấp rút dùng trưa, vì buổi lễ kéo dài tới 4 tiếng, không thể ôm cái bụng đói meo tới dự. Nhưng kiếm ra tiệm chay trên đường cũng mất thời gian. Chúng tôi vào tiệm, dùng trưa quýnh quáng, rồi thúc tài xế lái nhanh đến chùa.
Chúng tôi đến nơi hơi trễ một chút, đã 14g10. Chùa đông như hội, chánh điện nằm ở lầu hai, chật ních người. Tôi e dè đứng ngoài hành lang đầy nhóc người, nghĩ là mình đứng đây dự thính cũng được, tôi có thể nhìn Lạt-ma qua cửa sổ, vậy là đủ rồi.
Buổi lễ sắp bắt đầu, nhưng một cư sĩ nam tuổi trung niên bước ra, lễ phép chào tôi, nói giọng miền Trung thật nhẹ:
- Thưa sư cô, Lạt-ma bảo tu sĩ hãy vào bên trong, chúng con không dám để Tăng Ni ở ngoài.
Tôi cảm ơn và xin được đứng ngoài, vì tôi đến muộn. (Tôi mới từ máy bay xuống, còn mặc áo đi đường không đủ lễ nghi). Nhưng vị cư sĩ cứ năn nỉ và đẩy tôi vào tận bên trong. Rốt cuộc tôi ngồi ở phía trước, hàng đầu (gần vách tường bên trái), rất gần Lạt-ma. Còn Diệu Ân là cư sĩ, không được vào vì đến sau, có chen vô cũng bị hàng trăm cánh tay đưa lên cản. Biết bao cư sĩ đang phải ngồi ở ngoài dự thính… Buổi lễ đã bắt đầu, và tôi không nhìn thấy Diệu Ân đâu nữa.
Tôi nhiếp tâm nghe lời Lạt-ma giảng, vị nữ phiên dịch nói rất hay, âm thanh chân phương, rõ ràng. Lạt-ma kể về lòng từ của Phật, nhắc nhở chúng ta tu không nên chỉ biết cầu cho bản thân, quyến thuộc, mà phải biết cầu cho tất cả, phải xem mọi chúng sinh đều là ruột thịt của mình.
Lạt ma ngồi trên pháp tòa, ngài cười tôn nghiêm, giảng pháp cũng rất tôn nghiêm. Ngài thuyết pháp, tụng kinh bằng tiếng Tây Tạng nhưng lại làm tôi xúc động không cùng. Tôi hiểu được tâm trạng và câu Mai Thy nói: "Ruột gan lộn lên lộn xuống"… vì tôi cũng khóc, khóc không cầm được, khóc không mắc cỡ, khóc mà không hiểu tại sao? Hình như từ tâm Lạt-ma tỏa ra khiến tôi chấn động, mỗi âm thanh của ngài đều làm tôi cảm xúc, nao nao, lúc đó tôi chỉ có khóc và nhìn ngài thành kính.
Tan lễ, tôi đi theo thứ tự, Tăng Ni ra cửa trước, xuống tới tầng trệt, không biết Diệu Ân ở đâu nên tôi đành ngồi chờ. Phải một tiếng sau mới gặp được Diệu Ân. Hóa ra Diệu Ân cũng chen vào được trong chánh điện, ngồi ở hàng thứ 5-6 gì đó trước Lạt ma, nhưng tôi không nhìn thấy.
Sự găp gỡ này đúng là kỳ duyên, dù tôi rất tôn kính, cực kỳ quý mến Lạt ma Sonam, nhưng tôi không kiếm, hay tìm cách đeo theo ngài. Có lẽ trong dòng đời tôi sẽ còn gặp lại, mà có lẽ không, cũng chẳng sao. Tôi đọc tiểu sử biết ngài là một vị hóa thân ưu việt, một Thánh tăng khả kính.
Tôi chợt nhớ đến lời Đức Đạt-lai Lạt-ma: "Nếu vì lý do nào đó mà con gặp các vị thầy đứng đầu các giáo phái khác nhau, thì con hãy hết lòng tôn kính và hiểu rằng các vị ấy vì lòng từ bi độ sinh và đừng khởi tâm phân biệt, công kích"... Vâng! Các tông phái trong Phật giáo đều là pháp môn của Phật, chê một tông nào đó thì cũng đồng với phỉ báng giáo pháp Phật. Nhìn ngài Sonam, tôi hiểu được Tăng đoàn ngày xưa thanh tịnh, đáng kính như thế nào.
Chuyến đi này tôi không hề cố ý tính toan, dự định gì, nhưng tình cờ cứ gặp các vị Lạt-ma, ngay cả trong ngày về cuối cùng. Dù rất quý trọng các vị Lạt ma, tôi vẫn không có ý đeo theo các ngài. Tôi luôn chủ trương mọi sự tùy duyên, an hưởng và chấp nhận những gì mình đang có… Song thú thật là những cuộc gặp gỡ này đã giúp tôi mở lòng ra nhiều hơn. Vì nếu tôi quên yêu thương tất cả chúng sinh, quên tu miên mật, thì các ngài luôn nhắc tôi điều đó. Các ngài đã khiến tôi cảm nhận sâu sắc rằng: Thật diễm phúc khi được làm tu sĩ, được hành trì giáo pháp Phật, được là đệ tử của Phật!
Đây là một chuyến đi tình cờ, lạ lùng, ngộ nghĩnh, nhưng mãi 9 tháng sau tôi mới có đủ cảm hứng để viết ra, xin được chia sẻ kỳ duyên này cùng với mọi người, mong rằng bài viết này sẽ đem đến cho độc giả chút niềm vui, lợi ích về mặt tâm linh, và xin cầu chúc cho những ai chưa từng viễn du - sẽ có dịp được đi chơi xa, được "bay trên mây" giống như tôi vậy.