GN - Nhờ quán chiếu và tìm hiểu sâu sắc về Đức Phật và giáo pháp của Ngài khiến cho sự hiểu biết của bạn tăng trưởng đồng thời niềm tịnh tín cũng được sâu sắc thêm.
HỎI: Tôi bắt đầu đi chùa, đọc kinh được hơn một năm nay. Không hiểu vì sao, gần đây, tôi lại hay khởi lên ý nghĩ không còn tôn kính khi lễ Phật, đọc kinh sách Phật. Tôi cố gắng rất nhiều để chuyển hóa những suy nghĩ đó nhưng không được nên cảm thấy rất phiền não. Vậy làm thế nào để vượt qua được những ý nghĩ ấy? Khi những ý nghĩ ấy xuất hiện thì có phải tôi đang tạo nghiệp ác? Mong quý Báo giúp cho tôi vượt qua chướng ngại này để vững tin vào Chánh pháp.
(XUÂN LÀNH, ngsinhcompany@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Xuân Lành thân mến!
Bạn là Phật tử mới phát tâm, đang trong giai đoạn tìm hiểu và tập sự tu học theo Phật pháp. Vì chưa hiểu thấu đáo nên bạn cảm nhận trong giáo pháp có nhiều điều mâu thuẫn. Mặt khác, cùng với tác động tiêu cực từ một số hệ lụy của các thế lực chống phá Phật giáo cũng như tệ đoan của chư Tăng, chùa chiền trong thời gian gần đây, khiến tín tâm của bạn bị chao đảo, trong lòng âm thầm phát sinh hoài nghi và ngã mạn.
Không ít người trong giai đoạn đầu học Phật, thường trải qua những tâm trạng như bạn. Sau đó, nhờ tìm hiểu giáo pháp sâu hơn và ứng dụng hành trì sát hơn, dần dần họ vượt qua hoài nghi mà thành tựu Chánh tín. Quan trọng là nhận diện và thấy rõ tâm tánh của mình để tìm cách chuyển hóa. Trong đạo Phật, tin và hiểu luôn song hành. Tin mà chưa hiểu hoặc không hiểu thì niềm tin ấy không phải là Chánh tín, dễ chao đảo và thối thất.
Với ngôi Phật bảo, Đức Phật là bậc Giác ngộ, thành tựu giải thoát. Ngài là người tu hành thành Phật, từ bi và trí tuệ đủ đầy. Sau khi thành Phật, Ngài hoằng hóa độ sanh tại Ấn Độ, có lịch sử cụ thể, rõ ràng. Chúng ta bị tham ái ràng buộc, Đức Phật đã giải thoát hoàn toàn những triền phược ấy. Chúng ta bị vô minh che lấp tâm trí, Đức Phật đã hoàn toàn giác ngộ, trí tuệ rạng ngời. Vì thế, Phật tử cung kính lạy Phật để nguyện học theo hạnh của Ngài mà hoàn thiện bản thân mình; kính lễ Phật để học hạnh khiêm cung, vun bồi phước báo cho chính mình.
Có thể những người nhân danh đệ tử Phật, đi theo Phật chưa hoàn thiện nhưng điều đó không ảnh hưởng đến từ bi và trí tuệ của Đức Phật. Cần xác quyết rằng, không vì một vài cá nhân mà ảnh hưởng đến niềm tôn kính Phật của bạn. Có câu, “Nhân hư, đạo bất hư”, nếu niềm tôn kính Phật của mình bị ảnh hưởng, bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài là do mình chưa suy xét cặn kẽ, bị kẻ xấu lợi dụng khiến lung lạc niềm tin. Bình tâm lại bạn sẽ thấy sự không tôn kính ấy là hạn chế, là nghiệp ngã mạn, là sự thiệt thòi của chính mình.
Với ngôi Pháp bảo, người Phật tử sơ phát tâm khi tìm hiểu giáo pháp cần có sự hướng dẫn, chỉ bày của người đi trước. Nếu tự tìm hiểu mà không theo thứ lớp, trình tự sẽ dễ bị rối loạn, thấy nhiều mâu thuẫn trong giáo pháp. Trong khi, giáo pháp của Đức Phật luôn bao hàm tục đế (sự thật tương đối) và chân đế (sự thật tuyệt đối), thế gian và xuất thế gian, bỏ ác - hành thiện (đạo đức) và siêu việt thiện ác (tâm linh) v.v... Có những vấn đề đúng khi xét theo quy chuẩn tục đế, thế gian, đạo đức mà không hẳn đúng, không phù hợp khi xét theo quy chuẩn chân đế, xuất thế gian và tâm linh. Ngược lại cũng như vậy.
Do đó, tìm hiểu Phật pháp theo trình tự bạn sẽ thấy rõ phạm vi, giới hạn của từng quan điểm, từng vấn đề. Từ đó người học sẽ nhận ra nội dung giáo pháp tuy không giống nhau nhưng chẳng hề mâu thuẫn hay chống trái nhau, ngược lại còn bổ túc cho nhau để thành một chỉnh thể thống nhất. “Như nước trăm sông xuôi về biển cả, chỉ thuần nhất một vị mặn. Cũng vậy, giáo pháp của Ta cũng thuần một vị giải thoát”.
Chắc chắn tâm hoài nghi, ngã mạn và bất kính là phiền não, tạo ra nghiệp bất thiện. Tuy vậy, bạn không quá lo lắng vì ai cũng có những phiền não này (sáu phiền não căn bản là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến). Nhờ quán chiếu và tìm hiểu sâu sắc về Đức Phật và giáo pháp của Ngài khiến cho sự hiểu biết của bạn tăng trưởng đồng thời niềm tịnh tín cũng được sâu sắc thêm. Dĩ nhiên, khi lòng tin của bạn ngày càng kiên cố thì sự tôn kính sẽ được hồi phục và ngày một nâng cao.
Để chuyển hóa ngã mạn, bất kính với Tam bảo, ngoài việc phát huy niềm tin và hiểu biết về Đức Phật cùng giáo pháp, bạn cần thành tâm sám hối nghiệp chướng. Chướng có nghĩa là ngăn che, làm chướng ngại sự tu học của mình. Đối trước Tam bảo thành tâm lễ lạy sám hối, ăn năn với những si mê tăm tối chướng ngại thấy biết của mình. Có thể dựa vào các bộ kinh sám như Hồng danh bửu sám, Thủy sám, Lương hoàng sám để sám hối. Công đức của sám hối rất nhiệm mầu, nhờ vậy nghiệp dĩ dần vơi đi cho đến lúc thanh tịnh. Sau một thời gian tinh chuyên tu học, thiết nghĩ, bạn sẽ chuyển hóa được ngã mạn và bất kính của mình, rồi từ đó vững bước tiến xa hơn trên đường đạo.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)